Cuộc hội ngộ đàn tranh 2014: Thú vị và hấp dẫn

Tôn vinh đàn tranh Việt Nam
Cuộc hội ngộ đàn tranh 2014: Thú vị và hấp dẫn

Tối 30-6, tại Nhạc viện TPHCM đã diễn ra chương trình nghệ thuật Đàn tranh 2014, quy tụ hơn 60 nghệ sĩ đàn tranh trong và ngoài nước tham gia biểu diễn. Chương trình đã mở màn cho loạt hoạt động giao lưu, biểu diễn, tọa đàm... tôn vinh nhạc cụ đàn tranh và âm nhạc dân tộc diễn ra từ 30-6 đến 4-7, tại TPHCM.

CLB Tiếng hát Quê hương biểu diễn hòa tấu Sương Chiều - Tú Anh.

CLB Tiếng hát Quê hương biểu diễn hòa tấu Sương Chiều - Tú Anh.

Tôn vinh đàn tranh Việt Nam

Hơn nửa tháng qua, giảng viên, sinh viên khoa Âm nhạc Dân tộc Nhạc viện TPHCM, học viên CLB Tiếng hát quê hương (Cung Văn hóa Lao động TPHCM), Ban tứ tuyệt Duyệt Thị Trang, cùng các nhóm, ban nhạc dân tộc ở Mỹ, Pháp như: ban đàn tranh VAV Tranhsemble của NS Vân Ánh, đoàn ca nhạc dân tộc Hướng Việt của bác sĩ - NS Việt Hải, ban nhạc dân tộc của Trường Âm nhạc dân tộc Phượng Ca, nỗ lực tập luyện các tiết mục trình diễn trong chương trình Đàn tranh (biên tập và dàn dựng: Th.s Huỳnh Khải, NGƯT Phạm Thúy Hoan).

Trong chương trình, các nghệ sĩ: Huỳnh Khải, Hải Phượng, Võ Vân Ánh, Thu Hiền, BichLan Lannie, Thương Huyền, Châu Minh Tâm, Uyên Trâm, Thanh Thủy cùng các ban nhạc, nhóm nhạc đã biểu diễn thật sinh động, hấp dẫn các tác phẩm: hòa tấu Xàng xê, Sương chiều, Let it go (đàn tranh và piano), Trống cơm, song tấu Nam xuân, Mưa, độc tấu Cửu khúc Nam Giang, Thoáng quê hương, Bụi đường vó ngựa, Huyền thoại mẹ, độc tấu đàn T’rưng Đi săn, tam tấu Xuân tình chấn, tốp tấu Tứ quý, Ngũ đối thượng, Hò hụi Huế… Khán giả đến thưởng thức chương trình còn được nghe GS Trần Văn Khê sẻ chia tâm tình và sự quan tâm của ông về âm nhạc dân tộc và cây đàn tranh Việt Nam.

Đây cũng là lần đầu tiên chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc bán vé, khác hẳn với những chương trình được tổ chức trước đây, chỉ toàn phát vé mời. Ban tổ chức rất mừng là có nhiều khán giả, trong đó có một số khán giả ở các tỉnh Tây Ninh, Cần Thơ, Tiền Giang… đã đặt mua vé từ rất sớm, ủng hộ chương trình. Thực tế ấy phần nào thể hiện sức sống và sự cuốn hút ngọt ngào của âm nhạc dân tộc, của nghệ thuật trình tấu đàn tranh Việt Nam. Đó còn là sự trân trọng của đông đảo khán giả dành tặng các nghệ sĩ. Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán vé sẽ dùng để lập một quỹ hỗ trợ dành riêng cho nhạc dân tộc.

NGƯT Phạm Thúy Hoan cho biết: “Không khí tập luyện, biểu diễn đàn tranh sôi động sẽ góp phần nuôi dưỡng niềm đam mê tập luyện âm nhạc dân tộc của các em. Tôi rất mong âm nhạc dân tộc tiếp tục được phổ biến sâu rộng trong công chúng, đặc biệt, trong tương lai, các nghệ sĩ đàn tranh trong và ngoài nước sẽ có nhiều điều kiện kết nối, gắn bó với nhau nhiều hơn để cùng chung tay phát huy giá trị của cây đàn tranh Việt Nam”.

Sức cuốn hút

Ở Mỹ, Pháp, một số ban nhạc dân tộc hoạt động khá sôi nổi. Lâu năm nhất là nhóm Phượng Ca của NS Phương Oanh (Pháp). Nhóm này còn đưa âm nhạc dân tộc vào trong một trường học của Pháp và tổ chức thường xuyên các chương tình biểu diễn nghệ thuật. Ở Pháp còn có nhóm của NS Hồ Thụy Trang, tốt nghiệp đại học ở Nhạc viện TPHCM.

Tại Mỹ có đoàn Lạc Hồng của thầy Nguyễn Văn Châu, nguyên chủ nhiệm khoa Âm nhạc dân tộc Nhạc viện TPHCM; đoàn nhạc dân tộc Hướng Việt của bác sĩ Việt Hải (đã ra mắt được một số DVD phổ biến âm nhạc dân tộc); ban nhạc dân tộc Hương Xưa hội tụ những NS là cựu học sinh trường Gia Long, do NS Ngọc Hương cùng NS Hải Yến (em NS Hải Phượng) phụ trách, thường xuyên tổ chức các chương trình biểu diễn âm nhạc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc…

Các nhóm - ban nhạc thể hiện tình yêu nghệ thuật bằng những nỗ lực gìn giữ, phát huy hoạt động biểu diễn, phổ biến âm nhạc dân tộc. Sức lôi cuốn vốn có của âm nhạc dân tộc nhờ thế được nhân rộng, thu hút được nhiều người yêu thích thưởng thức, tìm học. Chị Ngọc Minh, nữ kỹ sư 25 năm làm việc tại Hãng Boeing Mỹ, cho biết: “Cách đây khá lâu, tôi đến nhờ bác sĩ Việt Hải chữa bệnh và thấy bác sĩ thường mở hòa tấu nhạc dân tộc cho bệnh nhân nghe. Ban đầu, bệnh nhân nào mới nghe cũng thấy rất bình thường, một vài bệnh nhân còn bày tỏ cảm giác hơi khó chịu vì nhạc buồn quá. Nhưng nghe được vài lần tôi và nhiều người khác cùng cảm nhận được sự lôi cuốn từ những giai điệu ấy, riết rồi đâm ghiền. Sau khi hỏi thăm, biết bác sĩ Việt Hải chơi đàn rất hay, thế là tôi xin thọ giáo và đã theo thầy học đàn đến nay”.

Sau đêm diễn, bác sĩ - NS Việt Hải, Trưởng đoàn ca nhạc dân tộc Hướng Việt, vui mừng chia sẻ: “Mỗi lần về nước tôi đều có xúc cảm khác nhau. Đặc biệt, lần này tối rất vui và hạnh phúc khi được về quê hương tham gia hoạt động giao lưu và biểu diễn đàn tranh, biểu diễn âm nhạc dân tộc, phục vụ khán giả trong nước. Hạnh phúc hơn nữa là về quê hương tôi được nói tiếng Việt thật nhiều, được gặp lại các thầy cô, những người bạn cùng chung chí hướng - yêu quý âm nhạc dân tộc, yêu quý cây đàn tranh Việt Nam”.

Nối tiếp chương trình, vào tối 2-7, CLB Tiếng hát quê hương sẽ tổ chức chương trình biểu diễn nhạc dân tộc Giai điệu quê hương tại Cung Văn hóa Lao động TPHCM. Sau đó, sáng 3-7, cũng tại Cung Văn hóa Lao động TPHCM có buổi giao lưu - chuyên đề “Trao đổi kinh nghiệm phát triển âm nhạc dân tộc và đàn tranh”. Đến tối 4-7, tại tư gia GS Trần Văn Khê diễn ra buổi nói chuyện sinh hoạt định kỳ lần thứ 26 với chủ đề “Đàn tranh xưa và nay”...

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục