Cuộc hội ngộ tình nghĩa

Tháng 7 hàng năm là dịp để người dân cả nước hướng về miền Trung, Đoàn đơn vị truyền thống cựu Thanh niên xung phong (TNXP) - N71 thành phố Hà Nội với 195 người đại diện cho 2.000 TNXP Hà Nội cũng đã về thăm chiến trường xưa tại xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, Quảng Bình.

Tháng 7 hàng năm là dịp để người dân cả nước hướng về miền Trung, Đoàn đơn vị truyền thống cựu Thanh niên xung phong (TNXP) - N71 thành phố Hà Nội với 195 người đại diện cho 2.000 TNXP Hà Nội cũng đã về thăm chiến trường xưa tại xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, Quảng Bình.

Mọi người cùng nhớ lại một thời gian khó. Cách đây 42 năm, đoạn đường từ phà Xuân Sơn (Sơn Trạch) qua Hưng Trạch, đến Cự Nẫm, Phú Định… dài hơn 20km, là nơi địch đánh phá ác liệt nhất. Trong đó Cự Nẫm là nơi binh trạm 14 của Đoàn 559 cất giữ kho tàng, nơi dừng chân của các đoàn quân trước khi vào Nam đánh giặc, và từ đó trở thành “Làng mặt trận”.

Lực lượng TNXP trên tuyến giao thông quan trọng này, chủ yếu là con em của các tỉnh Hà Đông, Hà Tây, Hà Nội (nay  là Hà Nội mới) hơn 2.000 người, cùng với TNXP các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… được phân công phục vụ trên các tuyến đường ác liệt. Lán trại được dựng ngay trên các cung đường giao thông, một số đơn vị cùng ở với dân, có tình cảm mặn nồng, như cha con, anh em ruột thịt.

Chiến tranh ác liệt, trên các cung đường này, hàng trăm TNXP Hà Nội đã anh dũng hy sinh. Nhiều người đang còn nằm lại tại các nghĩa trang liệt sĩ TNXP Thọ Lộc (Vạn Trạch), nghĩa trang liệt sĩ Cự Nẫm, Hưng Trạch, Phú Định, Sơn Trạch… (Bố Trạch).

Vì thế, khi ghé thăm các địa phương và thăm lại các cung đường trước đây họ đã từng lăn lộn trong mưa bom bão đạn như: Ngã ba Thọ Lộc, cung đường Ba Trại, Cầu Bùng, bến phà Xuân Sơn… không ai không bùi ngùi xúc động. Tại Nghĩa trang liệt sĩ Cự Nẫm đoàn dừng chân làm lễ tri ân.

Một buổi chiều tà tháng bảy trong ánh nắng vàng tươi, khách và chủ hơn 500 người từ các cháu thiếu niên, nhi đồng, thanh niên, cựu chiến binh, đến các cụ phụ lão, các bà mẹ, các gia đình thương binh liệt sĩ… Đặc biệt sự có mặt của các gia đình nuôi nấng chăm sóc TNXP trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ… Một cuộc hội ngộ thật hiếm có, nước mắt và nụ cười xen lẫn thật cảm động. Tình cờ tôi được gặp chị Nguyễn Khắc Thị Hồng thôn Yên Bể, xã Kim Chung, Hà Tây, tay ôm choàng ngôi mộ là chị gái Khắc Thị Hưng, hy sinh ngày 13-7-1971 vào tuổi 18. Chị khóc nức nở nói với tôi: “Ông ơi? Ông có biết ông Nguyễn Hữu Nam quê ở xã ta, trước đây qua thư tôi được biết chị gái ở trọ trong nhà ông và đã hy sinh ngay trong khi đang làm nhiệm vụ”… Ở những dãy mộ khác, hình ảnh tương tự cũng diễn ra… Buổi lễ tri ân phải kéo dài, hơn 1 giờ sau mới được tổ chức.

Tối hôm đó tại sân vận động xã cuộc giao lưu văn nghệ với chủ đề Hát mãi khúc hành quân do Đoàn Thanh niên CSHCM, Hội CCB xã cùng với Đoàn cựu TNXP Hà Nội diễn ra trong bầu không khí tươi vui, ấm tình đồng chí, đồng đội. Các gia đình thân nhân liệt sĩ TNXP, các cựu TNXP Hà Nội được trò chuyện với các gia đình trước đây chăm sóc, giúp đỡ con, em của họ. Nghe những câu chuyện của họ, hàng trăm khán giả không cầm được nước mắt…

Một cuộc viếng thăm chiến trường xưa đã để lại nhiều dấu ấn không bao giờ quên trên quê hương đất mẹ anh hùng.

NGUYỄN HỮU PHI

Tin cùng chuyên mục