Cuộc sống đảo lộn với hạn, mặn

ĐBSCL đang oằn mình chịu trận với hạn mặn. Trong đó, Bến Tre bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi độ mặn 1‰ bao trùm khắp tỉnh. Nhiều xã trên địa bàn huyện Chợ Lách trước đây bị ảnh hưởng không đáng kể, thậm chí không bị ảnh hưởng mặn thì giờ trở nên bối rối, người dân nhọc nhằn đổi nước ngọt sử dụng, lo nước ngọt cho sản xuất, cuộc sống sinh hoạt trở nên xáo trộn, khó khăn hơn.
Người dân huyện chợ Lách (Bến Tre) phải mua nước ngọt để tưới cho cây giống. Ảnh: TRUNG KHÁNH
Người dân huyện chợ Lách (Bến Tre) phải mua nước ngọt để tưới cho cây giống. Ảnh: TRUNG KHÁNH

Đủ điều khó khăn

Bắt đầu những tháng đầu năm 2020, cuộc sống sinh hoạt, chăn nuôi, canh tác của bà con huyện chợ Lách trở nên xáo trộn, khó khăn hơn. Theo ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, độ mặn cao nhất trên địa bàn là 10‰, còn những xã đầu nguồn như Sơn Định, Vĩnh Bình, Phú Phụng trước đây không bị ảnh hưởng, giờ đây độ mặn đo được cũng lên mức 4‰. Ông Liêm nói, đợt hạn mặn lịch sử 2015-2016 khốc liệt nhưng con nước theo đỉnh triều cường lên xuống, nên vẫn có nguồn nước ngọt để dự trữ không bị thiếu nước. Còn năm nay, hạn mặn kéo dài, người dân trữ không đủ nước sử dụng, ảnh hưởng đến sinh hoạt, canh tác… 

Ghé nhà ông Trần Văn Tám, người dân sống tại xã Hòa Nghĩa, gặp ông đang loay hoay tìm cách trữ nước. Ông Tám cho biết, xã này trước nay không bị ảnh hưởng bởi hạn mặn nghiêm trọng như năm nay. Ông nói, những ngày qua, gia đình đã ngưng sử dụng nguồn nước máy vì độ mặn đo được cũng hơn 2,5‰. Gia đình sử dụng nguồn nước dự trữ khi lấy từ con kinh Chợ Lách, độ mặn không đến nỗi nhưng nấu cơm cũng có vị lờ lợ. Đến thời điểm hiện tại, gia đình ông mua nước thùng, mỗi thùng 10.000 đồng để nấu ăn và uống, một phần pha với nguồn nước dự trữ để tắm, nên tiêu thụ khoảng 3-4 thùng/ngày cho 5 nhân khẩu, chi phí cả tháng khá cao.

Tương tự, anh Trần Văn Thảo, sống tại thị trấn Chợ Lách, chia sẻ: Trước giờ sống tại thị trấn thì nghĩ sẽ không bao giờ không có nước ngọt sử dụng. Nhưng giờ thì phải vất vả đi lấy nước. Gần đây, anh phải đầu tư một máy đo độ mặn với giá thành trên 1 triệu đồng, cùng với 4 thùng phuy, giá mỗi thùng trên 1 triệu đồng, dùng để chứa nước ngọt. Mỗi ngày anh chạy xe máy 3-4 lượt, cách nhà tầm 7km để lấy 50 lít nước. Do không có xe ba gác cải tiến, nên anh Thảo chịu khó bỏ ra khoảng 30.000 đồng tiền xăng mỗi ngày đi lấy nước.

Nước cho sinh hoạt là vậy, còn cây trái cũng bắt đầu tính chuyện mất mùa, thiệt hại. Một số loài như sầu riêng, măng cụt, nước mặn dễ làm chết hoặc đỡ hơn là rụng trái, héo lá. 10 công (1ha) sầu riêng của anh Huy Bình ở xã Vĩnh Bình đang cho trái, dự kiến đến tháng 5 sẽ thu hoạch, nhưng thiếu nước tưới, chỉ tưới phun sương cầm chừng nên cây không ôm trái nổi, rụng hơn phân nửa. Làm bài toán tính nhẩm, anh nói: Mỗi tháng tiền phân thuốc cũng hơn 2 triệu đồng cho 10 công sầu riêng này. Giờ thì tiến thoái lưỡng nan vì không thể bỏ được, nên ráng mà đeo, giữ lại được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu, nhưng chắc chắn năm nay là một mùa thất bát rồi. 

Nghịch lý

Chúng tôi men theo quốc lộ 57, bắt đầu từ vòng xoay, một hướng về bến đò Tân Thành, một hướng về nội ô thị trấn Chợ Lách, một hướng về Vĩnh Long và một hướng về huyện Mỏ Cày Nam. Từ hướng về huyện Mỏ Cày Nam, chúng tôi bắt gặp những bác tài xế xe ba gác cải tiến, có chất 1-2 thùng phuy cồng kềnh phía sau xe đang tất bật, hối hả chạy hướng ra mé sông. Dưới sông, ghe thay vì bơm cát thì nay đang tích cực bơm nước vô ghe, rồi đổi cho người dân có nhu cầu sử dụng; mỗi khối nước ngọt dao động từ 100.000-200.000 đồng.

Còn trên bờ, có 3-4 chiếc xe ba gác lúc nãy đang tập kết tại nhà của ông Bùi Văn Lộc. Nhà ông sát mé kinh Chợ Lách, nên ông đã đắp đập để trữ nước ngọt. Những bác tài ngồi núp vào những tán cây vệ đường, chờ phuy được bơm đầy nước rồi tiếp tục vận chuyển cho những hộ dân có nhu cầu sử dụng, mỗi chuyến như vậy tùy khoảng cách gần xa có giá từ 100.000-200.000 đồng cho 1-1,5m³ nước ngọt. Anh Duy, một tài xế xe cho biết, bắt đầu từ 6 giờ sáng là mấy anh em bắt đầu tập kết ra đây để chở nước về giao cho những hộ dân. Mỗi ngày chạy đến khoảng 8 giờ tối, đều đặn cả tuần nay. Đây quả thật là một nghịch lý, khi vùng sông nước miền Tây có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nước ngọt phong phú nhưng giờ người dân phải dùng tiền mua nước từ dưới sông với giá khá cao và phải sử dụng tiết kiệm từng khối nước.

Ông Đăng Ngọc Oánh, chủ một vựa cây giống, nói: Dân Chợ Lách chưa bao giờ phải lo lắng về nguồn nước ngọt để sản xuất và sinh hoạt, vậy mà giờ ông phải thuê ghe chở nước ngọt để tưới cho hơn 20.000 cây giống của vườn nhà. Mỗi ghe có giá khoảng 2 triệu đồng, ông sử dụng được vài ngày. Vậy ước tính ông sẽ mất hơn 200 triệu đồng tiền mua nước ngọt khi qua đợt hạn mặn này.

Theo ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, chuyện cả huyện bị hạn mặn đã nhăm nhe từ mùa khô 2015-2016, nhưng đến nay thì nặng hơn. Đây là bài học để huyện và người dân không thể chủ quan trước biến đổi khí hậu, có kế hoạch trữ nước đảm bảo sản xuất và đời sống về lâu về dài!

Nhấp nhỏm vì xâm nhập mặn

Với dáng vẻ rầu rĩ, ông Ri Ba, 63 tuổi, ngụ ấp Phú Quới, xã Phú Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, kể rằng, xâm nhập mặt đã tràn đến đây trước Tết Canh Tý. Đây là điều bất thường, bởi nơi này hiếm khi bị xâm nhập mặn và nếu có thì cũng không kéo dài. Người dân địa phương cho biết, lần xảy ra xâm nhập mặn gần đây nhất là vào năm 2016 nhưng khi đó không đáng ngại như lần này. Sống ở cách đó không xa, bà Tám Nuôi, 59 tuổi, nói rằng, suốt 40 năm về sống ở Phú Phong, bà hiếm khi thấy xảy ra xâm nhập mặn ở địa phương cũng như chưa từng thấy lần nào sớm, kéo dài và nghiêm trọng như lần này.

Xâm nhập mặn kéo dài cả tháng qua làm hàng loạt vườn cây ăn trái của nông dân đang bị thiếu nước tưới do nước sông bị nhiễm mặn. Hộ ông Ri Ba có cả chục công đất trồng các loại cây ăn trái như sầu riêng, vú sữa nhưng mấy tuần qua không có nước tưới. Đến nay, vườn sầu riêng dù đang giai đoạn ra hoa nhưng do thiếu nước nên đang đối diện với cảnh thất mùa. Không những thế, nếu khô hạn và xâm nhập mặn không sớm chuyển biến, vườn cây ăn trái của ông có thể chết hàng loạt. Không chỉ vậy, nước sinh hoạt thường ngày của người dân cũng chịu vô số hệ lụy. Nhiều nơi dù đã có đường ống cấp nước, nhưng các hộ ở cuối nguồn thì kể như không có nước máy. Hệ quả là người dân phải chắt chiu từng giọt nước ngọt dùng trong sinh hoạt, mà hình ảnh tiêu biểu là tắm thì đành dùng nước nhiễm mặn rồi xả lại bằng vài ca nước ngọt.

TRUNG KHANH

Tin cùng chuyên mục