Cuộc thi Tiếng hát truyền hình TPHCM 2013: Loay hoay tìm lại phong độ

Cuộc thi Tiếng hát truyền hình TPHCM bắt đầu ra mắt khán giả xem đài từ năm 1990 và Đài Truyền hình TPHCM (HTV) được xem là đơn vị đầu tiên mở màn trào lưu thi hát trên truyền hình. Sau 23 năm, cuộc thi trải qua nhiều thăng trầm, có thể chưa thực sự là show truyền hình đình đám, nhưng cốt lõi vẫn là một cuộc thi hát “sạch”, không scandal.

        Nơi phát hiện tài năng

Có cảm giác một chương trình được xem là nghiêng về yếu tố chuyên môn nhưng lại thiếu hẳn bóng dáng của một người cầm trịch để tạo ra một tổng phổ liền mạch trong âm nhạc. Chính vì vậy, xuyên suốt cuộc thi vẫn là những thứ cũ: Ca khúc cũ, bản phối cũ, cách dẫn của MC cũng cũ và cách thể hiện của thí sinh cũng cũ nốt, cứ một kiểu xếp hàng ra hát đầy nhàm chán.

Rất nhiều giọng ca thành danh, được khán giả yêu mến và ngày càng khẳng định tên tuổi, tài năng, vị trí của mình trong mặt bằng âm nhạc cả nước xuất thân từ cuộc thi, như Thanh Thúy, Thu Minh, Đức Tuấn, Đoan Trang, Nam Khánh, Anh Bằng, Đình Nguyên, Tiêu Châu Như Quỳnh, Hạ Trâm… Được xem là cuộc thi đề cao tính chuyên môn, có thể thấy, cuộc thi Tiếng hát truyền hình TPHCM (THTH TPHCM) là nơi phát hiện các giọng hát tiềm năng và giải thưởng từ cuộc thi, là viên gạch đầu tiên đầy thuận lợi với những ai quyết tâm theo đuổi con đường ca hát chính thống, chuyên nghiệp. Ca sĩ Thu Minh, Giải nhất THTH TPHCM năm 1993, khẳng định: “Đoạt giải thưởng này là có một chiếc vé để bước vào cuộc chơi. Nhưng muốn đứng được trong cuộc chơi ấy, tôi phải “luyện công” để bắt kịp tiến độ của cuộc chơi. Đơn giản là bước ra khỏi cuộc thi, tôi phải tự thân vận động, luyện tập thì mới gặt hái thành công trong nghề nghiệp. Nhưng khởi đầu ấy là bước ngoặt quan trọng”. Ca sĩ Hạ Trâm, Giải nhất THTH TPHCM năm 2007, nhìn nhận: “Giải thưởng là một bước đệm vững chắc cho con đường ca hát chuyên nghiệp của tôi”.

        Giảm “nhiệt” vì không thị trường?

Trước sự cạnh tranh của cùng lúc rất nhiều cuộc thi hát trên truyền hình trong một năm, mà các cuộc thi này nghiêng nhiều về tính thị trường (như The Voice, Idol) thì cuộc thi THTH TPHCM với việc đề cao tính chính thống, sự chỉn chu và nặng về chuyên môn, bỗng trở thành khô khan, ít hấp dẫn vì đi theo lối mòn. Theo ca sĩ Thu Minh, THTH TPHCM ít hấp dẫn vì nội dung âm nhạc cũ, không theo kịp với xu thế mới. Nhưng ca sĩ Hạ Trâm lại cho rằng: “Mỗi cuộc thi có một tiêu chí riêng, mỗi ca sĩ có một thế mạnh riêng. THTH TPHCM mang tính chất truyền thống, học thuật, tập trung chuyên môn là chính, không chiêu trò nên ít hấp dẫn cũng là điều dễ hiểu. Nhưng những ca sĩ không thích ồn ào, bon chen vẫn có được sân chơi cho mình qua cuộc thi này. Sân chơi THTH TPHCM vẫn được giới chuyên môn đánh giá cao vì tại sân chơi này, các bạn trẻ được thử sức với dòng nhạc truyền thống và phải là người có nền tảng, được đào tạo bài bản mới hát được. Phần lớn những người đoạt giải cao từ cuộc thi này, sau đó đều phấn đấu về chuyên môn và chú trọng phát triển đường dài nhiều hơn là cố đánh bóng tên tuổi”.

Thực tế giờ đây, THTH TPHCM khó cạnh tranh với các cuộc thi hát khác trên truyền hình. Không chiêu trò, không scandal; mỗi năm lại có 3, 4 cuộc thi hát, lấy đâu ra thí sinh vượt trội, xuất sắc để có yếu tố thu hút, hấp dẫn? Khán giả vẫn mong muốn mỗi năm, THTH TPHCM có những đổi mới để cuộc thi không chỉ đề cao tính chuyên môn, mà vẫn tiếp cận được thị trường. Có lẽ hiểu điều này, nên cuộc thi năm nay đã có một vài thay đổi để các phần thi của thí sinh phong phú và mới mẻ hơn. Ngoài phần thi bắt buộc, các thí sinh được tự chọn thể hiện bài hát mình yêu thích, mình thấy tự tin nhất. Còn có thêm phần thi bắt cặp hát đôi và phần thí sinh tự đưa ra thử thách cho nhau bằng những dòng nhạc không thuộc sở trường.

Tuy nhiên, có thể thấy, những người tổ chức vẫn đang loay hoay để tìm lại “phong độ” cho chương trình này. Một trong những nỗ lực đó là trở về với tên gọi cũ, với tiêu chí tập trung vào chất lượng chứ không chú trọng mảng miếng như các sân chơi khác. Đáng tiếc là sự “trở về” này vẫn chưa đủ sức hồi sinh chương trình. Bằng chứng là cuộc thi năm nay vẫn lạc lõng trong sự quan tâm của cả khán giả lẫn truyền thông. Mô tuýp quá cũ kỹ, từ dàn dựng cho đến chọn ca khúc, bản phối… Chưa kể, những cái tên đăng quang từ cuộc thi cũng đầy vất vả trong hành trình chinh phục công chúng số đông khiến sức hút của cuộc thi đối với các tài năng cũng giảm hẳn. Điều này dẫn đến hệ quả chất lượng thí sinh của cuộc thi cũng ngày càng giảm sút. Đến mức, một nhạc sĩ đang chịu trách nhiệm biên tập cho một chương trình ca nhạc định kỳ của Tập đoàn truyền thông Thanh Niên (đơn vị đang hợp tác với Đài Truyền hình TPHCM để sản xuất cuộc thi THTH TPHCM) phải lắc đầu ngao ngán cho biết, cũng muốn chọn những gương mặt triển vọng để đưa vào tham gia nhưng với những gì mà các thí sinh năm nay thể hiện thì quả thật không đủ thuyết phục anh.

23 năm qua, âm nhạc Việt đã có nhiều thay đổi trong cách nghĩ, cách thưởng thức. Và vì thế, để duy trì một chương trình - một sân chơi ca hát vẫn đề cao tính chuyên môn, nhưng lại có thể tiếp cận thị trường là điều không dễ dàng.

Tối 13-12, Cuộc thi Tiếng hát truyền hình TPHCM 2013 đã diễn ra đêm thi chung kết xếp hạng. Kết quả, giải nhất: Phạm Trung Kiên; giải nhì: Phạm Khánh Ngọc và giải ba: Đỗ Thị Phương Diệp.

HUỲNH TÀI - GIA BÌNH

Tin cùng chuyên mục