Ngày 20-1, ông Rached Ghannouchi, Chủ tịch chính đảng Hồi giáo Ennahda vừa giành thắng lợi trong cuộc bầu cử hội đồng lập hiến ở Tunisia, tuyên bố sẽ thành lập nhà nước với nòng cốt là đảng Ennahda và hai đảng khác, trong đó nhân vật số hai của đảng Ennahda, Hamadi Djabbali, sẽ giữ cương vị thủ tướng đầu tiên của chính phủ mới.
Sự thắng thế của các đảng Hồi giáo trên chính trường không gây ngạc nhiên cho giới quan sát vốn trước đó đã dự báo tình hình này sẽ là giai đoạn bắt buộc phải trải qua trong quá trình thay đổi dân chủ tại những nước đã tiến hành cuộc cách mạng “Mùa xuân Arab” như Ai Cập, Libya… Bên cạnh việc đảng Hồi giáo cực đoan Ennahda tuyên bố lên cầm quyền ở Tunisia, tại Libya, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) Mustafa Abdel Jalil ngày 17-11 cũng tuyên bố lấy luật Hồi giáo Sharia làm nền tảng pháp luật quốc gia.
Chỉ trong vòng 3 ngày, hai sự kiện chính trị quan trọng trên diễn ra gần như trùng hợp làm dấy lên mối quan ngại về nguy cơ trỗi dậy của Hồi giáo cực đoan trong thế giới Arab. Liệu có phải các chế độ độc tài Hồi giáo sẽ tiếp nối các chế độ độc tài chính trị ở Bắc Phi hay không vì ngay cả dưới thời ông Gaddafi, luật Hồi giáo chỉ được áp dụng một phần nhưng không phải là nền tảng của luật pháp? “Tư tưởng thánh chiến cực đoan” hầu như luôn có sẵn trong xã hội Arab, không những không đòi hỏi thay đổi mà còn có cơ hội phát triển, nở rộ hơn sau các cuộc biểu tình.
Thế đang lên của các đảng Hồi giáo đã làm xuất hiện những lo lắng không chỉ trong thế giới Arab mà còn ở các nước phương Tây. Sau thắng lợi của đảng Ennahda ở Tunisia, các đảng Hồi giáo dường như đã đặt nền móng đầu tiên để xây dựng một tập hợp các nhà nước Hồi giáo ở bờ Nam Địa Trung Hải, chạy từ Tunisia, Libya, Ai Cập, đến tận dải Gaza ở Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ và có khả năng Syria cũng không nằm ngoài vành đai này. Lúc đó, một vòng cung Hồi giáo chính trị mới được hình thành, trong đó các lực lượng Hồi giáo cực đoan đóng một vai trò khác với vai trò mà họ đã từng đảm nhận trong những năm 1990.
Chính trường quốc tế dường như đang chấp nhận một xu thế Hồi giáo chính trị ở các nước Arab, nơi ảnh hưởng của tôn giáo vẫn luôn thống lĩnh. Tuy nhiên, do không có được đa số tại quốc hội, các đảng Hồi giáo buộc phải có những thỏa hiệp và liên minh để thành lập chính phủ. Tại Ai Cập, trong khi tổ chức Anh em Hồi giáo đang chuẩn bị tham gia cuộc bỏ phiếu bầu quốc hội thì chính trường nước này cũng rơi vào bất ổn. Ai Cập đang thiếu tinh thần đoàn kết và đồng thuận đã từng có trong cuộc cách mạng hồi đầu năm. Tại Libya, ngoài các xu hướng Hồi giáo chính trị trong NTC, Hồi giáo cực đoan đã nắm quyền trên thực địa… Thực tế này dự báo khi tham gia chính trường và lên cầm quyền, các đảng Hồi giáo chắc chắn sẽ bộc lộ những hạn chế của họ.
Biết rằng trong xã hội Arab, ảnh hưởng tôn giáo vẫn rất quan trọng nhưng những diễn biến chính trị đang diễn ra ở Bắc Phi là không thể làm ngơ. Các đảng Hồi giáo tuy có vẻ tiến bộ về mặt chính trị nhưng lại cực đoan, bảo thủ và mị dân về mặt tư tưởng, là trở ngại khá lớn trên con đường xây dựng nhà nước dân chủ. Dù sao, đây cũng là cuộc thử nghiệm mà người dân Bắc Phi lựa chọn vào thời điểm này.
Hạnh Chi