
Điều thú vị nhất của bộ phim này chính là kỹ thuật hóa trang siêu đẳng của những bậc thầy hóa trang Hollywood. Một anh chàng cảnh sát nhỏ con, ốm nhom biến thành một bà già 70 tuổi nặng tới cả trăm ký. Khuôn mẫu mập mạp này được làm từ tổng hợp bọt biển, cao su và vải nịt, nó được tính toán kỹ lưỡng đến độ diễn viên mặc vô là vừa khít để có thể di chuyển thật tự nhiên.

Vú em FBI phì nhiêu, tác phẩm của những bậc thầy hóa trang Hollywood.
Thực hiện bộ mặt của nhân vật mới là phức tạp, làm sao để cho những cơ mặt giả khớp với từng chuyển động của gương mặt diễn viên. Riêng khuôn hình này được tạo tới 9 mẫu riêng biệt, chúng được bơm silicon… và biến thành lớp vỏ bọc khít khao như chính làn da bên ngoài của diễn viên. Nhà sản xuất đã phải dùng hơn 925 mẫu tạo hình riêng biệt cho nhân vật.
Tất nhiên nếu chỉ hóa trang thành công không thôi thì cũng không thể đem lại hiệu quả cho một bộ phim. Với một ngoại hình hài hước, cộng với những tình huống hài hước, câu chuyện về “Vú em FBI” đã khiến cho khán giả cười nghiêng ngả khi xem bộ phim. Trong một cơ thể phì nhiêu, anh chàng FBI đã phải thực hiện những công việc rất phụ nữ đó là trông trẻ, đó là nội trợ, nhưng quan trọng nhất là thực hiện nhiệm vụ bí mật thu thập thông tin về đối tượng tình nghi.
Lawrence nhập vai rất xuất sắc, anh đã diễn tả trọn vẹn tâm lý, cảm xúc của một bà vú em. Anh đã mang đến cho nhân vật không chỉ sự hài hước mà cả sự sâu sắc. Bên cạnh tiếng cười sảng khoái, điều mà bộ phim đạt được còn là những cảm xúc lắng đọng về một thông điệp - giá trị của gia đình. Cần phải học cách cân bằng giữa công việc và gia đình. Qua những trải nghiệm, nhân vật anh chàng FBI cũng như đối tượng nghi vấn của anh đã khám phá ra điểm tựa vô giá của mỗi con người chính là gia đình của họ.