Cuối năm đi chợ “cõi âm”

Cuối năm đi chợ “cõi âm”

Không quảng cáo. Không tiếp thị. Hàng hóa sản xuất không cần qua khâu kiểm tra chất lượng, không sợ vi phạm tác quyền hoặc sở hữu trí tuệ nhưng vẫn được tiêu thụ hết. Người mua không quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà chỉ cần một điều: giống như thật. Người bán hàng chỉ cần một chút “miệng lưỡi” là giá nào khách cũng mua, bao nhiêu cũng hết. Chúng tôi muốn nói đến chợ hàng mã.…

Cuối năm đi chợ “cõi âm” ảnh 1

Một cửa hàng đồ mã trên đường Nguyễn Thị Nhỏ.

Chợ hàng mã hay còn gọi là chợ “cõi âm” không phát triển rầm rộ mà co cụm lại thành từng khu vực, nhiều nhất là ở chợ Thiếc, một đoạn trên đường Nguyễn Thị Nhỏ (Q11), chợ Bà Chiểu (Q. Bình Thạnh) hoặc nằm rải rác trong các chợ.

Chúng tôi có mặt tại khu vực chợ cõi âm trên đường Nguyễn Thị Nhỏ vào những ngày cuối năm Âm lịch. Chỉ một đoạn ngắn, có sáu cửa tiệm bán hàng mã. Tiệm nào cũng trưng bày nhiều sản phẩm bắt mắt. Biệt thự, nhà lầu, xe hơi, xe gắn máy các loại treo lủng lẳng.

Bên trong cửa hàng, từng hàng kệ chất đầy từ vàng thỏi bạc nén, quần áo, điện thoại di động đời mới đến những vật dụng nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày. Tất cả đều bằng giấy.

“Cái biệt thự này có giá 6 triệu đồng” - chủ tiệm CH đã cho tôi biết như vậy sau khi giới thiệu cuốn catalogue với hàng chục mẫu mã biệt thự, nhà ở. Theo anh, đây là mặt hàng được chuộng nhất. Giá nhà ở dao động từ vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng tùy theo đơn đặt hàng. Có những gia chủ đưa tấm ảnh căn nhà mà trước kia người chết đã ở và yêu cầu làm giống như vậy. Cửa hàng không từ chối và dĩ nhiên giá cả cũng không mềm.

Chủ tiệm CH thổ lộ, chính anh cũng không biết nơi sản xuất ra các mặt hàng này mà chỉ là đại lý cấp 2. Sau khi có đơn đặt hàng, anh gọi điện cho đại lý cấp 1 (ở khu vực chợ Thiếc) để nơi đây liên lạc trực tiếp với nhà sản xuất và sau đó báo giá cùng ngày nhận hàng. Mỗi cấp trung gian như vậy, giá tăng lên khoảng 30% và điều đó cũng không làm cho khách hàng băn khoăn vì chỉ cần giống như thật là được.
 
Những người kinh doanh chỉ cho biết những hộ sản xuất hàng mã tập trung ở quận Gò Vấp và quận 12. Không phải là ngành hàng quốc cấm nhưng do giữ bí mật nguồn hàng cung cấp nên không nơi nào dại gì nói ra nơi sản xuất. Một chủ tiệm khác ở chợ Thiếc tiết lộ, năm ngoái có một người ở Bến Tre đã lên gom hết tất cả các mặt hàng bị rách, hư hỏng với giá khá rẻ nhưng chỉ trong vòng một tháng sau, cũng chính người này trở lại chào bán các mặt hàng tương tự và từ đó trở thành nhà cung cấp thường xuyên.

Chị KT ở khu vực chợ Bà Chiểu cho biết một số khách hàng có những ý tưởng rất kỳ quặc. Có dạo một bà độ tuổi trung niên đi xe hơi sang trọng đến đặt một chiếc tàu thủy dài hơn 6m và một chiếc xe Honda @ có kích thước bằng chiếc xe thật. Bà cho biết, con bà là sinh viên Trường Đại học Hàng hải, trong một lần đi chơi cùng bạn bè bị tử vong vì tai nạn giao thông.

Nay bà muốn cho con chiếc tàu thủy để nó thỏa nguyện hải hồ lúc còn sống và một chiếc xe để ở dưới âm phủ người con có phương tiện đi lại (!?). 12 triệu đồng cho đơn đặt hàng này và chỉ 3 ngày sau sản phẩm được giao tận nhà.

Trong khi đó, cũng có trường hợp một chiếc xích lô kích cỡ như xe thật với cả người đạp xe được bán với giá 1,2 triệu đồng (tương đương với giá xe thật). Nguyên nhân cũng vì người chết trước kia làm nghề đạp xích lô. Sau khi ông chết con cái làm ăn khấm khá phất lên và bắt đầu nghĩ đến công ơn sinh thành đã cúng cho cha chiếc xe vốn là “cần câu cơm” của gia đình một thời khốn khó.

Theo kinh nghiệm của những người kinh doanh hàng mã, thời điểm tháng 7, tháng 9, cuối năm và thanh minh (theo Âm lịch) là thời điểm hàng mã bán rầm rộ nhất trong năm. Những ngày này, theo quan niệm của mọi người là thời điểm thích hợp để người cõi âm nhận hàng từ dương thế.

Hàng năm, theo thống kê chưa đầy đủ đã có hàng chục tấn giấy và các phụ liệu, hàng ngàn ngày công lao động để có những sản phẩm với giá trị hơn 100 tỉ đồng để rồi sau đó tan theo mây khói.

LÊ DU AN

Tin cùng chuyên mục