Tiếp tục giảm lãi suất
Từ giữa tháng 11-2020, hầu hết các NHTM đều đồng loạt giảm thêm lãi suất huy động, dù đã điều chỉnh giảm nhiều lần trước đó. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài trên 12 tháng của nhiều ngân hàng đã giảm về dưới 6%/năm, còn các kỳ dưới 6 tháng ở một số NHTM cũng về quanh 3%/năm, thấp hơn nhiều so với trần quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Việc giảm lãi suất đầu vào tạo điều kiện hơn nữa cho các NHTM đưa ra hàng loạt gói lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp dịp kinh doanh cuối năm.
Chẳng hạn, cho vay kinh doanh đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang được Vietcombank áp dụng lãi suất chỉ ở mức 5,9%/năm, thấp hơn lãi suất huy động 12 tháng của một số NHTM khác trên thị trường. Agribank cũng tiếp tục giảm thêm 0,3% lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, trong đó cho vay ngắn hạn chỉ ở mức tối đa 4,5%/năm.
Các NHTM cổ phần cũng có nhiều gói cho vay ưu đãi nhằm kích thích nhu cầu vay vốn để bắt tay vào mùa kinh doanh cuối năm của khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh. Cụ thể, từ nay đến hết tháng 12-2020, VPBank có gói tín dụng hỗ trợ khách hàng là cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình vay sản xuất kinh doanh với mức lãi suất chỉ từ 5,99%/năm, hạn mức vay lên tới 20 tỷ đồng/khách hàng với nhiều hình thức thế chấp.
Tương tự, HDBank cũng có gói 5.000 tỷ đồng dành cho khách hàng có nhu cầu bổ sung nguồn vốn và đáp ứng các điều kiện tín dụng chuẩn doanh nghiệp nhỏ và vừa với lãi suất giảm xuống còn từ 6,2%/năm. Ngân hàng Bản Việt áp dụng gói vay ưu đãi 3.500 tỷ đồng dành cho cá nhân với lãi suất từ 7,99%/năm. ABbank cũng có chương trình tiếp vốn đầu tư cho doanh nghiệp vừa và nhỏ kéo dài đến tháng 6-2021 với lãi suất cho vay trung và dài hạn chỉ từ 8,5%/năm.
Theo các chuyên gia, hiện lãi suất cho vay đã giảm 2,5% so với năm 2016 và đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Song, để hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm, lãi suất sẽ được giữ ở mức thấp trong những tháng tới do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn khá khiêm tốn và NHNN vẫn nhấn mạnh việc giảm lãi suất để có đủ nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế. Theo TS Trần Du Lịch, từ đầu năm đến nay, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành với tổng mức giảm là 1,5% - 2%/năm, qua đó đã tạo ra nguồn vốn rẻ hơn cho NHTM. Để kích thích tăng trưởng kinh tế, lãi suất cần giảm hơn nữa, bởi lẽ, với mức lạm phát năm nay khoảng 4% thì lãi suất cho vay hiện vẫn chưa phải là thấp.
Tín dụng sẽ đạt khoảng 10% trong năm 2020
Tính đến cuối tháng 10, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đạt khoảng 6,15% so với cuối năm 2019. Riêng tháng 10-2020, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã thêm hơn 1 điểm %, tăng nhanh hơn nhiều so với các tháng trước. Điều này cho thấy, tốc độ phục hồi của doanh nghiệp và nền kinh tế khá tốt.
Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, trong điều kiện dịch Covid-19 được kiểm soát tốt như hiện nay và các doanh nghiệp có sự hồi phục như vậy thì tăng trưởng tín dụng năm 2020 có thể đạt 8% - 10%. Không chỉ tận dụng mùa vụ để đẩy vốn tín dụng ra thị trường mà các NHTM đang tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng chịu tác động của dịch Covid-19 và thiên tai, lũ lụt… Cụ thể, từ ngày 11-11, các NHTM đã quyết định giảm lãi suất tới 1%/năm cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của doanh nghiệp, người dân tại địa bàn các tỉnh miền Trung.
Tương tự, ngoài gói hỗ trợ 20.000 tỷ đồng dành riêng cho doanh nghiệp trong đợt giãn cách xã hội hồi tháng 4-2020, Techcombank đã tiếp tục triển khai thêm gói hỗ trợ tín dụng 18.000 tỷ trong giai đoạn 2 với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,3%/năm trong tháng 9-2020, khi dịch Covid-19 trở lại và hiện gói hỗ trợ này đã được giải ngân gần hết. Cùng với đó, các ngân hàng cũng đẩy mạnh tín dụng bán lẻ, bao gồm cả cho vay mua nhà đất và ôtô. Nhiều ngân hàng đưa ra các gói cho vay mua ô tô với lãi suất từ 7% - 9%/năm. Lãi suất mua nhà cũng được đánh giá là mức thấp nhất 10 năm trở lại đây, ở mức phổ biến từ 7% - 11,5%/năm trong vòng 1-3 năm đầu tiên.
Thực tế cho thấy, nhiều NHTM đã tăng hết hạn mức tín dụng (room) được giao đầu năm và được nới room. Đơn cử như: Techcombank, VPBank được nâng hạn mức tín dụng năm 2020 lên 19% - 23%. MBB cũng được điều chỉnh room tín dụng từ 11,75% lên 20%.
Sacombank được nới room lên 14%... Việc các NHTM xin nới room nhằm chuẩn bị tốt nguồn vốn cho nhu cầu tín dụng cuối năm, dự kiến sẽ tăng cao. Khảo sát mới nhất của Vụ Dự báo - Thống kê (NHNN) cho thấy, hơn 50% tổ chức tín dụng kỳ vọng nhu cầu vay vốn của khách hàng sẽ tăng trở lại và đạt 4,7% trong quý 4-2020. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 49% tổ chức tín dụng kỳ vọng trong những tháng cuối năm, xuất nhập khẩu sẽ là động lực tăng trưởng tín dụng, tiếp đến là bán buôn - bán lẻ (47%), dệt may (41%) và xây dựng (40%). Đây cũng là 4 lĩnh vực được phần lớn các tổ chức tín dụng dự báo là động lực tăng trưởng tín dụng trong năm 2021.
- Ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc khối khách hàng DN Ngân hàng Bản Việt: Ứng dụng công nghệ trong quản lý, doanh nghiệp thêm “điểm” Một số doanh nghiệp (DN) cho rằng, điều kiện để vay vốn ưu đãi của ngân hàng không dễ dàng. Đối với những DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ không có tài sản đảm bảo, dòng tiền đang gặp khó thì việc tiếp cận tín dụng ưu đãi càng khó khăn hơn. Trên thực tế, những DN có năng lực tài chính tốt, phương án kinh doanh rõ ràng, có tài sản thế chấp thì ngân hàng ưu tiên cho vay. Hiện, tại Ngân hàng Bản Việt, hơn 70% nguồn vốn vay đều dành cho DN vừa và nhỏ, trong đó nhiều DN không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo giá trị thấp vẫn được xem xét cho vay. Bởi lẽ, bên cạnh đưa ra nguồn vốn ưu đãi, ngân hàng luôn đồng hành tư vấn cho DN. Giải pháp đưa ra cho các DN có tài chính yếu là khuyến khích họ ứng dụng công nghệ để đánh giá và quản lý dòng tiền. Hiện những DN ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất kinh doanh sẽ có một điểm cộng khi ngân hàng đánh giá cho vay vốn. -Ông Nguyễn Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Chi hội Lữ hành TPHCM: Mong mỏi gói hỗ trợ sớm đến tay doanh nghiệp Đến nay, số lượng DN tiếp cận được gói vay ưu đãi rất ít, do vậy một số DN rất mong mỏi được tiếp cận các gói vay hỗ trợ từ ngân hàng để tiếp tục cầm cự đến khi dịch bệnh thực sự chấm dứt. Nhiều DN du lịch lữ hành vừa và nhỏ đã cảm thấy mệt mỏi với các gói hỗ trợ. Bởi họ phải thực hiện hàng loạt thủ tục với nhiều loại giấy tờ, công nợ… mới được ngân hàng duyệt cho vay số tiền khoảng vài trăm triệu đồng, trong khi con số họ muốn vay là gần 1 tỷ đồng. Một số DN đã chủ động chấm dứt kinh doanh, trả giấy phép kinh doanh lữ hành (nội địa hoặc quốc tế) để có thể nhận lại tiền ký quỹ (theo Luật Du lịch, DN lữ hành đưa khách Việt Nam đi nước ngoài phải ký quỹ 500 triệu đồng, đưa khách nước ngoài vào Việt Nam ký quỹ 250 triệu đồng, tổ chức tour nội địa cho khách Việt Nam ký quỹ 100 triệu đồng). Trước đó, Sở Du lịch TPHCM cũng chỉ ra hàng loạt bất cập liên quan đến các gói hỗ trợ của Chính phủ. Chẳng hạn, đối với hướng dẫn viên du lịch, để nhận gói hỗ trợ phải chứng minh không có thu nhập ở TPHCM và không nhận trợ cấp tại địa phương mà họ sinh sống. Về phía DN, phải chứng minh đã giảm hơn 50% lao động, nhưng DN cho biết, họ vẫn muốn giữ lại nhân viên, nên chỉ cho họ nghỉ tạm, chứ không cắt hợp đồng. Tính đến đầu tháng 11, mới có khoảng 453 cơ sở lưu trú du lịch được giảm 10% giá điện trong 3 tháng (5, 6 và 7); có 436 hướng dẫn viên du lịch được giảm phí và lệ phí theo chính sách hỗ trợ… Những con số này chẳng đáng là bao so với tổng số DN, người lao động rất cần hỗ trợ hiện nay. “Nếu DN được tiếp cận các gói hỗ trợ vào thời điểm cuối năm như hiện nay sẽ tốt. Điều này được xem như nguồn “oxy” cần thiết, bơm vào kịp thời giúp DN dần phục hồi”, ông Nguyễn Ngọc Tấn kỳ vọng. |