Cuốn theo chiều gió

Cuốn theo chiều gió

1. Atlanta tháng 12, trời chớm đông nhưng các cành cây hai bên con đường từ sân bay Hartsfield-Jackson dẫn vào thành phố phụ cận Lawrenceville đã trụi hết lá. Trừ những cây lá kim níu giữ được màu xanh, các loại cây khác đều trơ cành khẳng khiu. Ở khu Village of Telfair núi đồi đẹp như tranh vẽ, nhà bên này đã có thể trông rõ nhà bên kia qua những cành khô. Cỏ trong vườn đã nhuộm màu xám lông thỏ, có cả lá khô lẫn vào, mỗi lần đặt chân lên đều nghe tiếng lạo xạo.

Khoảng gần 10 giờ sáng, mặt trời nhích lên một cách lười biếng bên kia đồi, nắng chảy tràn qua những cành nhánh bây giờ đã như những chiếc que và lũ sóc bắt đầu một ngày mới bằng cách rủ nhau ra vườn lượm hạt.

Khi nắng lên, tôi thường ra ngồi trên chiếc ghế xích đu trước hiên nhà, ngắm lũ sóc tung tăng và dõi mắt theo những chiếc lá phong vàng chao liệng khá lâu trong không trung trước khi đáp xuống trước mũi giày, có cảm giác mình là anh chàng Forrest Gump trong cảnh Forrest ngồi ở trạm chờ xe buýt với hình ảnh chiếc lông vũ phiêu du trong gió hàng buổi trước khi đáp xuống cạnh chàng khờ có lẽ là vĩ đại nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới.

Theo biểu đồ thời tiết trên internet, tháng 12 thành phố Atlanta (và cả tiểu bang Georgia nói chung) có nhiệt độ thấp nhất khoảng 2°C, nhưng những ngày tôi ở đây nhiệt độ xuống dưới 0°C là bình thường. Chỉ hôm nào có mưa, trời có vẻ ấm hơn.

Nhà bảo tàng Margaret Mitchell ở Atlanta.

Nhà bảo tàng Margaret Mitchell ở Atlanta.

2. Vào một buổi sáng mưa nhẹ như mưa xuân Hà Nội, tôi đến thăm ngôi nhà của nữ văn sĩ Margaret Mitchell cách nơi tôi ở khoảng 30 phút ô tô. Căn nhà xinh xắn nằm ở số 990 phố Cây Đào (Peachtree Street - một cái tên rất thơ mộng) ẩn hiện trong màn mưa bụi.

Tôi đứng bên kia đường nhìn sang, sẵn sàng đội một chút mưa để có thể ngắm lâu hơn nơi ở của tác giả tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió cách đây gần một thế kỷ trước khi bà qua đời vì tai nạn giao thông. Tôi cố mường tượng lại những con đường Atlanta bùn lầy thời nội chiến Hoa Kỳ tác giả từng mô tả trong truyện nhưng thật khó để hình dung khi thời gian đã xóa nhòa tất cả.

Bên trong ngôi nhà thật ấm cúng. Mặc dù thời tiết không thuận lợi, tôi vẫn thấy khá nhiều du khách Slovenia, Pháp, Brazil, Tây Ban Nha khẽ khàng đi lại trên các tấm thảm màu lông chuột trong phòng trưng bày, dĩ nhiên không thiếu các du khách Mỹ đến từ các tiểu bang khác.

Tôi không biết có đầy đủ hay không, nhưng ở đây giới thiệu khá nhiều các ấn bản Cuốn theo chiều gió qua các thời kỳ. Có cả các bản DVD Cuốn theo chiều gió sản xuất năm 1939 do Clark Gable và Vivien Leigh thủ vai Rhett Butler và Scarlett O’ Hara. Những ai đã xem nhiều bộ phim chuyển thể từ các tác phẩm văn học có lẽ dễ dàng đồng ý rằng Cuốn theo chiều gió do Victor Fleming đạo diễn ở trong số rất hiếm những tác phẩm điện ảnh hầu như không có khoảng cách với tiểu thuyết gốc. Bộ ria mép trứ danh của Clark Gable trong vai Rhett Butler ngay từ khi xuất hiện trên màn bạc đã trở thành một hình ảnh bất hủ.

3.
Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi bên cạnh các cuốn tiểu sử Margaret Mitchell, ở đây cũng trưng bày (và bán, tất nhiên) các sách chân dung của Clark Gable, Vivien Leigh. Và điều khiến tôi thích thú nhất là nơi đây bày bán rất nhiều sản phẩm thiết kế từ sách của Margaret Mitchell như các loại poster, postcard, huy hiệu, túi xách, ly tách, móc khóa... trên đó in hình tác giả, các diễn viên Clark Gable, Vivien Leigh, và dĩ nhiên không thể thiếu diễn viên tài năng Hattie McDaniel trong vai Mammy, bà vú thẳng tính và đáng yêu của Scarlett. Những mặt hàng lưu niệm đó làm tôi liên tưởng đến tiệm sách Kính Vạn Hoa của tôi với những sản phẩm và ý tưởng tương tự.

Trên tường có treo các bức ảnh Margaret Mitchell thời trẻ, cả những thủ bút của bà. Chiếc bàn bà ngồi làm việc lúc cộng tác với tờ Atlanta Journal và những chiếc máy đánh chữ cổ lỗ nhãn hiệu Underwood và Royal cũng có thể tìm thấy tại đây. Bên cạnh các tập sách tranh giới thiệu trang phục miền Nam thời xưa, nhà bảo tàng Margaret Michell còn xuất bản tờ thông tin The Scarlett Letter ra một năm bốn kỳ (số mỏng nhất 8 trang, số dày nhất 20 trang) dựa theo bốn mùa xuân hạ thu đông.

4.
Khi rời khỏi ngôi nhà của nữ văn sĩ Margaret Michell dưới màn mưa lấm tấm như rắc bột, tôi chợt nhớ đến tập sách tranh giới thiệu các loại quân phục của quân đội miền Bắc và quân đội miền Nam thời nội chiến trong phòng trưng bày. Atlanta, quê hương nhà văn Margaret Michell, bối cảnh của tác phẩm Cuốn theo chiều gió, chính là căn cứ địa của Liên minh miền Nam chống lại Chính phủ liên bang miền Bắc trong cuộc nội chiến kéo dài bốn năm bắt đầu từ tháng 4-1861.

Năm 1864, Atlanta bị quân đội miền Bắc bao vây trong 117 ngày trước khi tuyên bố đầu hàng, bước ngoặt dẫn đến sự kết thúc chiến tranh vào mùa xuân 1865. Ba mươi lăm năm sau, nhà văn Margaret Michell cất tiếng khóc chào đời và thêm ngần ấy năm nữa tác phẩm Cuốn theo chiều gió được xuất bản và trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới.

Bây giờ, xem lại các hình ảnh cuộc nội chiến Hoa Kỳ trong thế kỷ 19 qua quân phục Bắc - Nam được giới thiệu như một tư liệu lịch sử, đặc biệt sau khi thăm một số di tích khác liên quan đến cuộc nội chiến 1861 - 1865 rải rác nhiều nơi ở Atlanta, tôi thấy người Mỹ nhìn lại cuộc nội chiến của mình bằng con mắt rất nhẹ nhõm.

Hiển nhiên đi ra khỏi một cuộc chiến tranh không hề là điều dễ dàng, nhưng giống như câu nói mạnh mẽ của nhân vật Scarlett O’ Hara ở cuối sách lúc cô đang đứng giữa trang trại Tara hoang tàn: “Sau tất cả, ngày mai là một ngày khác”, người Mỹ đã biết cách lấp đi hố ngăn cách trong lòng mình, sẵn sàng nắm tay nhau để làm những gì tốt đẹp nhất vì tương lai nước Mỹ.

Trên đường về, lúc chạy xe ngang qua nhà bảo tàng World of Coca Cola nguy nga bề thế, thứ nước ngọt ra đời ở Atlanta chỉ 20 năm sau chiến tranh để nhanh chóng trở thành một trong những biểu tượng toàn cầu của nước Mỹ, tôi hiểu rằng trên đất nước năng động này người ta biết cách niêm phong những gì thuộc về lịch sử, và khi người ta không mải vùi mình vào quá khứ thì những lực cản trên đường đi sớm muộn gì cũng cuốn theo chiều gió như những chiếc lá phong úa màu tôi đang nhìn thấy qua cửa kính ô tô...

Tháng 12-2013

NGUYỄN NHẬT ÁNH

Tin cùng chuyên mục