Đa dạng công nghệ phục vụ nông nghiệp

53 đơn vị đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ và các nhóm khởi nghiệp tại TPHCM đã trưng bày, giới thiệu hơn 100 giải pháp, công nghệ và thiết bị trong và ngoài nước sẵn sàng chuyển giao… tại “Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành trồng trọt, bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm” (Techmart chuyên ngành chế biến thực phẩm) năm 2019 vừa diễn ra tại TPHCM.

Các giải pháp công nghệ tiếp tục mở ra những giá trị ứng dụng mới cho sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. 

Đa dạng công nghệ phục vụ nông nghiệp ảnh 1 Giới thiệu tủ điều khiển OSD-D tự động hóa sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Techmart. Ảnh: T.Ba
Nhiều công nghệ thiết thực

Một trong những thiết bị chế biến thực phẩm lần đầu tiên được giới thiệu tại Techmart là “Máy chẻ hạt điều tự động” có khả năng cắt vỏ, tách nhân hạt điều ra khỏi vỏ cứng với năng suất vượt trội lên đến 120-180kg/giờ, tỷ lệ bể hạt dưới 10% và tỷ lệ sót hạt thấp dưới mức 5%.

Thiết bị này có thể liên kết thành hệ thống tự động khép kín, đáp ứng nhu cầu của các đơn vị sản xuất cần bóc tách hạt điều khối lượng lớn, giúp giảm thiểu chi phí sản xuất và cung cấp sản phẩm có lượng dinh dưỡng cao, cùng nhiều chất khoáng có lợi cho sức khỏe.

Một thiết bị tiêu biểu khác là hệ thống quản lý nông trại thông minh NetBeat kết hợp các cảm biến trên cánh đồng, nhà lưới với bộ quản lý trung tâm, dựa trên công nghệ đám mây để thu thập số liệu thực tế và đưa ra các đề xuất cho nông dân về chế độ dinh dưỡng, tưới tiêu cho cây trồng phù hợp với nhu cầu từng giai đoạn phát triển của cây, giúp người trồng canh tác một cách đơn giản và hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực.

Hay như “Tủ điều khiển OSD-D” là thiết bị ứng dụng công nghệ tự động hóa điều tiết dinh dưỡng, vi sinh và tưới nhỏ giọt. Tủ này được điều khiển bằng vi mạch kết hợp IoT và lưu trữ thông tin trên đám mây, hỗ trợ người dùng theo dõi và truy xuất dữ liệu bất kỳ lúc nào thông qua kết nối Internet/4G bằng máy tính hoặc smartphone, tạo báo cáo và bảng biểu phục vụ nhu cầu nắm bắt tình hình sản xuất thực tế, nghiên cứu và dự báo kế hoạch sản xuất mới.

Còn thiết bị phát sóng điện từ Ewater tạo nước tưới chứa ion năng lượng cao cho cây trồng tăng trưởng nhanh, không dư lượng hóa chất, là sản phẩm của doanh nghiệp KH-CN  được đánh giá cao về khả năng thương mại hóa. Hiện giải pháp và thiết bị công nghệ của Ewater đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều tỉnh, thành. Ewater sử dụng sóng điện từ tần số thấp để tạo ra một trường cảm ứng trong lòng ống nước.

Sóng điện từ này sẽ cung cấp năng lượng thích hợp để ion hóa nước và làm thay đổi cấu trúc phân tử của nước tưới cây trồng; qua đó làm giảm độ cứng trong nước và đất, tăng độ hòa tan của nước, giúp nước được hấp thụ vào lòng đất dễ dàng hơn và góp phần cải thiện cấu trúc đất, tiết kiệm lượng nước tưới đến 10%-15% so với kiểu dẫn nước thông thường...

Kết nối và chuyển giao 

Tại Techmart chuyên ngành chế biến thực phẩm 2019, Công ty TNHH Hồng Liên TV đã ký biên bản ghi nhớ về việc tư vấn và chuyển giao thiết bị sấy cá ứng dụng năng lượng mặt trời với Công ty TNHH Giải pháp công nghệ thông minh ITS; Công ty CP Xuất nhập khẩu Mi Na ký biên bản ghi nhớ về tư vấn và chuyển giao hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt và quản lý dinh dưỡng cây trồng cho nông trại 275ha của Công ty TNHH Nông sinh Khai Nguyên; Công ty TNHH Công nghệ lọc nước Việt Úc ký biên bản ghi nhớ tư vấn, chuyển giao hệ thống lọc nước đóng bình 1.200 lít/giờ với Công ty TNHH Thương mại Sa Ha và nhận đơn hàng trị giá 85 triệu đồng về hợp đồng chuyển giao hệ thống lọc nước đóng bình 750 lít/giờ cho Công ty TNHH MTV Thiên Hương… 

Số liệu tại Techmart cho thấy, ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,76%, kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục 40,02 tỷ USD với thặng dư thương mại khoảng 8,72 tỷ USD.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nông sản Việt Nam thường thua kém các nước khác từ 15%-50% về giá trị do những chênh lệch về chất lượng. Bên cạnh đó, sản lượng nông sản thường bị thất thoát từ 9%-17%, thậm chí một số nơi là 20%-30%. Một trong những nguyên nhân của những bất lợi này là do hạn chế về ứng dụng công nghệ trong các khâu trồng trọt, vận chuyển, bảo quản và chế biến sau thu hoạch. 

Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, khẳng định để khắc phục những bất lợi kể trên, cần thiết phải ứng dụng KH-CN, đặc biệt là công nghệ cao để thay đổi tập quán canh tác; xây dựng nền nông nghiệp thông minh; tạo đột phá về năng suất, chất lượng; tăng hiệu quả lao động, hiệu quả kinh tế; linh hoạt thích ứng trước diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu.

Techmart chuyên ngành chế biến thực phẩm 2019 là hoạt động thường niên do Trung tâm Thông tin và thống kê KH-CN (CESTI, đơn vị trực thuộc Sở KH-CN TPHCM) tổ chức nhằm thực hiện chương trình thúc đẩy phát triển thị trường KH-CN TPHCM giai đoạn 2016-2020, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ KH-CN, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.

Bà Bùi Thanh Bằng, Giám đốc CESTI, cho biết Techmart năm nay tập trung giới thiệu các giải pháp nông nghiệp 4.0, giúp tiết kiệm chi phí trồng trọt và nâng cao chất lượng nông sản cùng các phương pháp bảo quản, chế biến tạo ra thực phẩm có chất lượng, giá trị dinh dưỡng cao, không tồn dư các hóa chất độc hại và an toàn cho người sử dụng.

Tin cùng chuyên mục