Trong 5 năm qua, nguồn lực dành cho phát triển hạ tầng ở ĐBSCL đã nhiều gấp 2,7 lần so với giai đoạn 5 năm trước. Mức tăng này còn cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước. Diện mạo giao thông ĐBSCL giờ đây đã khác xưa rất nhiều.
Cầu Cần Thơ tạo sức bật mạnh mẽ cho ĐBSCL. Ảnh: DUY KHƯƠNG
Kết nối liên hoàn
Theo Bộ GTVT, tổng kinh phí Trung ương đầu tư cho các công trình giao thông đã hoàn thành trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL, giai đoạn 2010 - 2015 là 58.778 tỷ đồng, chưa kể các dự án đang triển khai. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng có nhiều hình thức thu hút vốn đầu tư từ xã hội vào phát triển hạ tầng giao thông. Trong đó có 5 dự án sử dụng vốn ODA với tổng mức đầu tư 39.375 tỷ đồng, như dự án đường hành lang ven biển phía Nam đã cơ bản hoàn thành, đường kết nối từ Rạch Giá đến Cà Mau, dự án xây dựng cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh... Ngoài ra, hiện đang có 7 dự án đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 22.762 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, nhận định: “Sự phát triển nhanh của hạ tầng giao thông đã tạo thuận lợi cho việc vận tải hành khách, hàng hóa trong vùng thông suốt, nhanh chóng. Từ năm 2010 đến hết tháng 6-2015, tổng khối lượng vận tải toàn vùng đạt khoảng 4,6 tỷ lượt khách (tăng 4,4%/năm) và 468,25 triệu tấn hàng hóa (tăng 4,9%/năm). Kết quả này góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung”.
Ngành giao thông phối hợp với các địa phương trong vùng đã thực hiện phát triển tất cả các loại hình vận tải gồm đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không và giao thông nông thôn. Trong đó, đường bộ hoàn thành 34 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 52.471 tỷ đồng, gồm 1.036km đường và 60,2km cầu được xây mới và nâng cấp, mở rộng. Đây là những công trình quan trọng cấp bách phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng cho vùng Tây Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung như cầu Cần Thơ, Hàm Luông, Cổ Chiên, Mỹ Lợi, Năm Căn; tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương, đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, đường Nam Sông Hậu…
Các công trình này đã phá thế ngăn sông cách trở, người dân đi lại từ các tỉnh về TPHCM không phải sử dụng đò như trước đây. Cùng với đó, giai đoạn 2010 - 2015, Bộ GTVT đã hoàn thành 4 dự án lĩnh vực hàng không với tổng mức đầu tư 5.331 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân của lĩnh vực hàng không khá cao, khoảng 16,5%/năm đối với hành khách và 18,7%/năm đối với hàng hóa. Việc hoàn thành xây dựng hai cảng hàng không quốc tế Cần Thơ và Phú Quốc đã tạo thuận lợi cho GTVT giữa các tỉnh trong vùng với cả nước và thế giới. Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, cho rằng: “Ngày xưa, tất cả chúng ta từ Cà Mau phải lên TPHCM, ra Hà Nội để đi nước ngoài. Bây giờ đến Cần Thơ thôi đã bay được rồi. Tôi có cảm giác một vài năm nữa khi có nhiều máy bay, mở được nhiều tuyến thì chắc chắn khu vực chúng ta sẽ phát triển mạnh về du lịch và thu hút đầu tư rất thuận lợi”.
Hiện đại và đa dạng
Theo lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực, sự phát triển của hạ tầng giao thông vùng Tây Nam bộ 5 năm qua đã tạo điều kiện kết nối giữa các tỉnh trong vùng và TPHCM với cả nước và quốc tế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, giao thông ĐBSCL vẫn chưa hiện đại và đa dạng. Thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của vùng ĐBSCL và cả nước; hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến xã hội hóa lĩnh vực GTVT; sớm hoàn thành các dự án như: tuyến Lộ Tẻ - Rạch Giá, cầu Cao Lãnh, Vàm Cống, Đại Ngãi; tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng cảng Cần Thơ theo quy hoạch cảng biển vùng ĐBSCL; sớm hoàn thành dự án luồng tàu biển lớn vào sông Hậu…
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn (giai đoạn 2016 - 2020) để đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công, kêu gọi đầu tư ODA và thu hút nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế trong cả nước. Qua đó phấn đấu đến năm 2020, vùng Tây Nam bộ sẽ cơ bản phát triển thành khu vực công nghiệp theo hướng hiện đại. Bộ GTVT cho biết, trong 5 năm tới, ngoài việc hoàn thành các dự án đang triển khai dở dang, toàn vùng sẽ huy động khoảng 86.319 tỷ đồng để triển khai mới các dự án, trong đó tập trung đầu tư cho đường bộ với 65.000 tỷ đồng, sớm hoàn thành các trục giao thông kết nối vùng.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, để triển khai quy hoạch của Chính phủ, các bộ ngành cần rà soát, điều chỉnh các quy hoạch hạ tầng GTVT (đường bộ, đường thủy, cảng, sân bay…) vùng ĐBSCL ở tầm cao hơn để tránh lãng phí trong công tác đầu tư, từng bước phát triển hệ thống GTVT trong vùng đồng bộ, hiện đại và hội nhập kinh tế quốc tế. Công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cần chú ý đến tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang diễn ra nhanh và mạnh hơn dự báo. Trong đó, chú trọng các công trình lớn, mang tính kết nối địa phương trong vùng, kết nối vùng với TPHCM, cả nước và quốc tế. Bên cạnh phát triển đường bộ, cần chú ý phát triển đường hàng không, đường biển, có kế hoạch phát triển đường sắt… Đặc biệt, trong đầu tư phát triển cần chú ý đầu tư hệ thống cầu, đường giao thông nông thôn phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, các bộ ngành, địa phương trong vùng tiếp tục phối hợp kiểm tra, kiểm soát chặt các hoạt động kinh doanh vận tải; đẩy mạnh các giải pháp hạn chế tai nạn giao thông…
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ: “Muốn phát triển được tốt thì hạ tầng giao thông phải thuận lợi, nhất là đường sông. Nông sản sắp tới tiến bước vào hội nhập qua một loạt hiệp định thương mại tự do đã ký với các nước nhưng cứ vận chuyển lên TPHCM bằng ô tô thì làm sao cạnh tranh được. Ở đây có cảng biển rồi, có đường sông rồi, giá rất rẻ mà không làm thì rất lãng phí!”. |
XUÂN QUANG