Đa dạng ứng dụng công nghệ blockchain

Việc ứng dụng blockchain (chuỗi khối cơ sở dữ liệu) hiện đang trở nên phổ biến với các doanh nghiệp Việt Nam. Công nghệ này không đòi hỏi công nghiệp phụ trợ, chỉ cần lực lượng lập trình viên hùng hậu và giỏi nghề, đó là yếu tố Việt Nam có nhiều lợi thế.
Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam và Hiệp hội Blockchain Việt Nam họp báo công bố Hội nghị thượng đỉnh Blockchain Việt Nam 2023
Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam và Hiệp hội Blockchain Việt Nam họp báo công bố Hội nghị thượng đỉnh Blockchain Việt Nam 2023

Nhiều doanh nghiệp trong nước ứng dụng

Theo ông Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, hiệp hội đã có những đóng góp lớn khi phổ cập công nghệ này rộng rãi đến các doanh nghiệp và cộng đồng công nghệ trên cả nước. Các doanh nghiệp công nghệ đang góp phần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực blockchain cho các ngành chủ chốt, nhất là các trường đại học; đẩy mạnh ứng dụng blockchain vào các ngành kinh tế, kỹ thuật… Điển hình như phần mềm hóa đơn điện tử MeInvoice.vn của Công ty Misa đã ứng dụng công nghệ blockchain đảm bảo an toàn, bảo mật và chống làm giả hóa đơn. Công nghệ blockchain trên MeInvoice.vn được hiểu như một cuốn sổ cái, ghi nhận toàn bộ trạng thái, cập nhật đầy đủ thông tin về hóa đơn để các bên tham gia đều có thể kiểm tra và xác thực thông tin. “Ngay sau khi ra mắt, MeInvoice.vn đã được các doanh nghiệp Việt Nam đón nhận và có đánh giá tích cực”, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Misa, nói. Hay như trang trình duyệt và công cụ tìm kiếm Cốc Cốc cùng KardiaChain đã phát triển một ví điện tử không giám sát tích hợp vào trình duyệt nhằm thúc đẩy việc ứng dụng blockchain và Web3. Theo đó, công cụ tìm kiếm Cốc Cốc sẽ tích hợp module ví blockchain vào toàn bộ sản phẩm trình duyệt Cốc Cốc trên các nền tảng PC, MAC, iOS và Android… giúp người dùng quản lý chuỗi khóa bí mật, an toàn hơn.

Blockchain cũng đã được nhiều doanh nghiệp trong nước ứng dụng ở nhiều lĩnh vực khác, như FPT phát triển nền tảng akaChain để định danh khách hàng và truy xuất nguồn gốc giao dịch; Viettel ứng dụng vào hồ sơ bệnh án điện tử; các ngân hàng BIDV, MB, VPBank, Vietcombank… ứng dụng trong các giao dịch tài chính… Theo ông Mai Duy Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), việc ứng dụng blockchain hiện khá đa dạng nhưng đa số chỉ mới trong giai đoạn thử nghiệm. Không phải “cây đũa thần”, tuy nhiên blockchain sẽ có nhiều tác động, là một thành phần quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực, ngành nghề.

Sớm hoàn thiện chính sách pháp lý

Công nghệ blockchain đang được nhiều quốc gia lựa chọn là công nghệ hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế. Các tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước đánh giá, Việt Nam đang được xem là thị trường đón nhận cũng như phát triển công nghệ blockchain hàng đầu với hơn 10 doanh nghiệp khởi nghiệp trên cơ sở công nghệ này có vốn hóa hơn 100 triệu USD. Thị trường blockchain Việt Nam được các chuyên gia dự kiến đạt giá trị gần 2,5 tỷ USD vào năm 2026 với đa dạng hình thức ứng dụng trong nhiều lĩnh vực.

Cụ thể, trong lĩnh vực giáo dục, việc phát hiện một tấm bằng thật hay giả khá dễ dàng với ứng dụng blockchain; trong quản lý nội bộ doanh nghiệp, nếu áp dụng công nghệ này giúp biết rõ nhân viên đang làm việc gì, hiệu quả đến đâu. Riêng ở lĩnh vực chữ ký số, ứng dụng blockchain góp phần hạn chế tình trạng lừa đảo khi gửi các tài liệu trực tuyến, đặc biệt chống các phương thức lừa đảo qua email… “Tùy ngành nghề, tùy tác vụ mà blockchain có thể được ứng dụng vào các công đoạn khác nhau và nó bảo đảm tính khách quan khi không thể có can thiệp từ bên thứ ba. Đây là giá trị lớn nhất mà công nghệ blockchain mang lại”, ông Mai Duy Quang chia sẻ.

Một trong những thách thức lớn để phát triển công nghệ blockchain trong nước là hiện vẫn chưa có một cơ sở pháp lý rõ ràng về lĩnh vực này. Đó là một trong những rào cản cho sự phát triển. Tại sự kiện kỷ niệm 1 năm thành lập Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng đã đề nghị hiệp hội cần nghiên cứu, đề xuất và tham mưu với cơ quan quản lý nhà nước để sớm hoàn thành cơ sở pháp lý về blockchain, thúc đẩy phát triển ngành này; có chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ blockchain vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu lớn phục vụ chuyển đổi số; đào tạo đội ngũ nhân lực blockchain có trình độ, chuyên môn ngang với các chuyên gia trên thế giới; tạo mạng lưới kết nối blockchain trong và ngoài nước, nhất là trong lĩnh vực khởi nghiệp...

Blockchain được ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 theo Quyết định số 2117/QĐ-TTg ngày 16-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ KH-CN cũng đã phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025, trong đó công nghệ blockchain xếp thứ 2 sau trí tuệ nhân tạo (AI) trong loạt các công nghệ chủ chốt. Blockchain đã và đang dần trở thành cột trụ cho công nghệ ở Việt Nam với nhiều ứng dụng khá hấp dẫn như nền tảng lưu trữ văn bằng trong lĩnh vực đào tạo; thư tín dụng, bảo lãnh hợp đồng, thanh toán trong lĩnh vực ngân hàng. Chính vì thế, blockchain đang dần được thấu hiểu là công nghệ, không phải tiền điện tử như lầm tưởng trước đây.

Tin cùng chuyên mục