Ngày 9-6, tại Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của TP Đà Nẵng năm 2011”, một số nhà nghiên cứu đã mổ xẻ những thế mạnh của Đà Nẵng - địa phương lần thứ 3 liên tiếp dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Theo đó, Đà Nẵng muốn tiếp tục dẫn đầu PCI cần kíp phải nâng cao chỉ số minh bạch và giảm thiểu thủ tục hành chính.
Dưới góc nhìn điều tra của JETRO (Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản), khi so sánh chi phí liên quan đến đầu tư tại một số thành phố lớn của châu Á và Báo cáo điều tra tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á - Thái Bình Dương, JETRO cho rằng, tuy Đà Nẵng có vị trí địa lý thuận lợi và sức cạnh tranh về giá, nhưng cũng giống như các địa phương khác ở Việt Nam lại gặp trở ngại trong vấn đề thiếu điện và mất điện.
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản phản ảnh những quy định phức tạp, thời gian và thủ tục thông quan ở Việt Nam là những trở ngại đối với họ trong kinh doanh. Do đó, những địa phương có chính sách nhanh nhạy, linh hoạt đối với vấn đề này sẽ có được sức hút đầu tư lớn.
Cũng theo JETRO, trong hạ tầng “mềm”, Đà Nẵng được đánh giá đã áp dụng nhiều chính sách linh hoạt không chỉ để thu hút đầu tư mới, mà còn đối với cả những doanh nghiệp đang hoạt động tại Đà Nẵng, đã giúp địa phương này có được sức canh tranh cao. Hơn nữa, chính sách “One Stop - Một cửa” cũng cần được chú trọng hoàn thiện.
Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài rất coi trọng tính minh bạch vì vậy việc cấp giấy phép đầu tư phải dựa trên cở sở pháp lý chung của cả nước chứ không phải của riêng từng vùng.
Trong khi đó, TS Hồ Kỳ Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu, phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng, phân tích: Đà Nẵng có 1 chỉ số thành phần dẫn đầu trong năm 2010 là đào tạo lao động, 3 chỉ số có vị trí tương đối cao so với các địa phương khác là Chi phí gia nhập thị trường (5/63), tính minh bạch (2/63), tính năng động (4/63). Trong khi đó, 2 chỉ số mà Đà Nẵng không có nhiều cải thiện đó là chỉ số tiếp cận đất đai đứng vị thứ 51/63 và “chi phí không chính thức” đứng 45/63.
NG. KHÔI