Đà Nẵng - “Cò” du lịch lộng hành

Bị đẩy đuổi quyết liệt từ các điểm du lịch như: Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Bảo tàng Chăm, đỉnh đèo Hải Vân, các đối tượng buôn bán hàng rong đã dạt về các chợ, các tuyến phố để hoạt động. Ở đây, những đối tượng này chuyển hẳn qua làm “cò mồi” khách du lịch, gây ra những hình ảnh phản cảm đối với du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài.
Đà Nẵng - “Cò” du lịch lộng hành

Bị đẩy đuổi quyết liệt từ các điểm du lịch như: Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Bảo tàng Chăm, đỉnh đèo Hải Vân, các đối tượng buôn bán hàng rong đã dạt về các chợ, các tuyến phố để hoạt động. Ở đây, những đối tượng này chuyển hẳn qua làm “cò mồi” khách du lịch, gây ra những hình ảnh phản cảm đối với du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài.

  • Rợp phố

Trong những ngày cuối tháng 4-2012, Đà Nẵng tổ chức sự kiện thi bắn pháo hoa quốc tế nên du khách thập phương đổ về rất đông. Đây là thời điểm “cò mồi” đeo bám, giở “chiêu” móc túi khách du lịch. Những điểm “nóng” như khu vực trước Nhà hát Trưng Vương, tuyến đường Hùng Vương, Phan Châu Trinh, chợ Hàn, chợ Cồn… hàng ngày có đến vài chục “cò mồi” túc trực. Hễ thấy một đoàn khách là những đối tượng này ùa đến tranh giành, gây náo loạn cả khu vực. Sự bao vây của “cò mồi”, không chỉ khiến du khách bực bội mà ngay cả người dân thành phố ai cũng ngán ngẩm.

Trong một chiều cuối tháng 4, khi hai vị khách nước ngoài vừa xuống xe xích lô du lịch trước Nhà hát Trưng Vương, lập tức những tay cò mồi bám đuôi. Do biết vài câu tiếng Anh “bồi”, những đối tượng này “tình nguyện” dẫn khách đi tham quan phố xá và mua sắm.

Tại một hiệu quần áo và hàng lưu niệm trên đường Phan Châu trinh, thực tế miếng vải chỉ có giá 300 ngàn đồng, được cò hét lên 500 ngàn đồng. Dù vị khách không mua, nhưng theo chủ tiệm, nếu khách ưng ý, móc hầu bao mua món hàng này thì cò sẽ trở lại lấy khoản tiền chênh lệch.

Cùng với “cò mồi”, những đối tượng bán hàng rong ở các tuyến phố chính của Đà Nẵng đeo bám du khách tạo ra hình ảnh phản cảm.

Cùng với “cò mồi”, những đối tượng bán hàng rong ở các tuyến phố chính của Đà Nẵng đeo bám du khách tạo ra hình ảnh phản cảm.

Rời khỏi đường Phan Châu Trinh, tay cò tiếp tục dẫn khách bộ hành trên đường Hùng Vương. Cũng chiêu này, lúc du khách ngắm nghía chiếc ba lô có giá thực 480 ngàn đồng, tay cò liền hét lên 800 ngàn đồng. Dù rất bực mình, nhưng người bán hàng chỉ biết im lặng, tránh những phiền hà xảy ra cho mình về sau. Suốt hơn một giờ dẫn khách, tay cò này kiếm được vài chục USD.

Ngoài việc túc trực tại những tuyến phố trung tâm, hàng chục đối tượng cò khác cũng chọn những chợ lớn của Đà Nẵng để làm nơi kiếm ăn. Chị Lê Thị T., tiểu thương bán hàng quần áo và lưu niệm tại chợ Cồn, bức xúc: “Tình trạng cò mồi tuy có giảm so với những năm trước đây, nhưng vẫn tồn tại dai dẳng. Mỗi lần dẫn khách đến, họ đều hét giá cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với thực tế món hàng khách ưa thích. Khi khách mua rồi, chúng quay trở lại đòi tiền chênh lệch. Nếu không đưa phần chênh lệch đó, ngay lập tức chủ tiệm bị hăm dọa. Chúng tôi rất ngán những đối tượng này. Bởi không bán với giá chúng hét lên cao gấp 2-3 lần thì bị trả thù, còn chiều theo ý chúng thì chắc chắn mất khách”.

Không khác những tay cò mồi, cánh bán hàng rong cũng “ăn đủ” nếu giao dịch thành công những món hàng lưu niệm như đồ đá mỹ nghệ, vòng lắc đeo tay, cổ. Tại khu vực đường Bạch Đằng, gần cổ viện Chăm, một con đại bàng đá được người bán hàng rong hét giá với khách 300 ngàn đồng, trong khi thực tế giá mặt hàng này chỉ từ 100 ngàn đến 150 ngàn đồng.

  • Cần xử lý quyết liệt hơn

Để tuyên chiến với hàng rong, cò mồi, một quy định xử phạt của UBND TP Đà Nẵng đã đưa ra áp dụng, cụ thể: Hành vi bu bám, cò mồi, chèo kéo du khách hay có lời nói, cử chỉ thô bạo, thiếu văn hóa ở nơi công cộng sẽ bị xử phạt từ 60 ngàn - 100 ngàn đồng. Nếu tái phạm, có thể bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng. Thế nhưng, với việc buông lỏng quản lý, cộng với những khoản lợi lớn khiến các đối tượng bất chấp, gây thiệt hại cho du khách.

Theo Sở LĐTB-XH TP Đà Nẵng, sau gần 2 tháng cao điểm xử lý bán hàng rong, ăn xin biến tướng... cơ quan chức năng đã phát hiện và cảnh cáo trên 200 trường hợp bán hàng rong không đúng nơi quy định và vận động hàng trăm người ở địa phương khác trở về quê hương.

Ngoài ra, các quận huyện đã đưa hơn 50 trường hợp lang thang, ăn xin vào Trung tâm Bảo trợ xã hội. Lập tổ thường trực 24/24 giờ, nhằm tiếp nhận và xử lý thông tin do người dân, các địa phương cung cấp; thành lập ba đội tuần tra, kiểm soát trên các tuyến phố, điểm du lịch để phát hiện, xử lý người ăn xin, bán hàng rong không đúng nơi quy định...

UBND quận Hải Châu cũng đã chỉ đạo công an các phường tổ chức rà soát, nắm danh sách, lý lịch, nơi cư trú của các đối tượng tham gia chèo kéo, cò mồi để răn đe, đồng thời xử lý nghiêm khắc khi phát hiện hành vi vi phạm. Nếu cần thiết, đề nghị các lực lượng chức năng sử dụng camera, máy ghi âm, máy chụp ảnh lưu lại hình ảnh cò mồi, chèo kéo để có bằng chứng xử phạt.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay vấn nạn này vẫn chưa được xử lý triệt để. Đặc biệt, vào những dịp lễ hội, những lúc Đà Nẵng đón những chuyến tàu du lịch biển, lượng cò mồi đổ về các tuyến phố, các chợ vẫn rất đông. Thiết nghĩ, các ngành chức năng của Đà Nẵng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa nhằm cải thiện hình ảnh du lịch của thành phố trong mắt du khách, xứng đáng với những danh hiệu mà người dân Đà Nẵng luôn tự hào: Thành phố thanh bình, thành phố đáng sống. 

NGUYỄN HÙNG

Tin cùng chuyên mục