Đà Nẵng: Đẩy mạnh kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu

Sáng 4-8, Sở Công Thương Đà Nẵng phối hợp với Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức “Hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu - Đà Nẵng 2023”.
Nhiều thỏa thuận hợp tác được ký trong hội nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Nhiều thỏa thuận hợp tác được ký trong hội nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Đa dạng hóa nguồn cung

Tại hội nghị, đại diện thương vụ tại các thị trường đều đánh giá, nhà phân phối trên thế giới đang có xu hướng đa dạng hóa nguồn cung, thay vì một số nguồn cung nhất định.

Theo ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á – châu Phi (Bộ Công thương), thị trường châu Phi gồm 55 quốc gia với hơn 1,4 tỷ người, sức mua lớn. Thị trường này có nhu cầu lớn với hàng nông sản, lương thực thực phẩm, dệt may và không có nhiều yêu cầu kỹ thuật khắt khe. Điều này là một yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, tình hình chính trị - xã hội ở một số nước còn tiềm ẩn nhiều bất ổn. Quan hệ đại lý giữa các ngân hàng thương mại của Việt Nam với ngân hàng tại các quốc gia châu Phi còn hạn chế. Khoảng cách địa lý xa xôi khiến chi phí vận tải bị tăng cao...

Các sản phẩm nông sản, lương thực thực phẩm. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Các sản phẩm nông sản, lương thực thực phẩm. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Dự báo nhu cầu thị trường trên thế giới từng bước phục hồi trong cuối năm 2023, ông Sơn cho biết thêm, các doanh nghiệp cần định vị sản phẩm ở từng phân khúc khác nhau; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm; chủ động nghiên cứu các tiêu chuẩn kỹ thuật, rào cản của các thị trường, đảm bảo hồ sơ đầy đủ, trong đó lưu ý những yêu cầu tiêu dùng xanh; quan tâm đến những thị trường mới, tiềm năng và đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Còn theo ông Lê Hữu Phúc, Tham tán thương mại Việt Nam tại Thái Lan - đối tác lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, thực phẩm và đồ uống là một trong những ngành bán lẻ lớn tại Thái Lan, được thúc đẩy phát triển do tăng trưởng kinh tế, tầng lớp trung lưu gia tăng, xu hướng thành thị hóa diễn ra mạnh mẽ. Thái Lan cũng có ngành thực phẩm phát triển, với hệ thống phân phối đã hình thành. Thu nhập và quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam phát triển thị trường. Tuy nhiên, điểm yếu của thị trường này là việc bảo hộ ngành công nghiệp thực phẩm nội địa khiến việc nhập khẩu gặp khó khăn. Một thách thức khác cho doanh nghiệp Việt là độ nhận diện thương hiệu Việt tại Thái Lan chưa cao, cần thời gian xây dựng.

Tận dụng thời cơ, chính sách

Theo bà Trần Thị Lan, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Nông sản sạch Trần Lan, hiện Đà Nẵng đang có những hoạt động, cơ chế chính sách ưu tiên về bảo vệ, thân thiện môi trường. Điều này khá phù hợp với tiêu chí cũng như các sản phẩm của đơn vị bởi sản phẩm lấy nguồn từ nông sản sạch, nguyên liệu hữu cơ của nông dân tỉnh Quảng Trị.

Các doanh nghiệp kết nối giao thương tại hội nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Các doanh nghiệp kết nối giao thương tại hội nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Hơn nữa, tất cả sản phẩm này không dùng chất bảo quản, không dùng phụ gia... Tuy vậy, để thâm nhập thị trường thì hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu Đà Nẵng là hoạt động cầu nối ban đầu để đơn vị có những thông tin cơ bản trước khi thâm nhập thực tế.

Một số doanh nghiệp xúc tiến, tìm hiểu thị trường. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Một số doanh nghiệp xúc tiến, tìm hiểu thị trường. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Paul Le, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho rằng, ngoài chất lượng, vấn đề nhãn mác, thương hiệu cũng rất quan trọng. Sản phẩm cần bao bì bắt mắt, đơn giản nhưng ấn tượng. Một doanh nghiệp muốn xuất khẩu sản phẩm thì trước tiên phải có năng lực cạnh tranh ở Việt Nam đủ tốt.

Bên cạnh đó, cần nhanh nhạy, nắm bắt tốt các chính sách, hiệp định thương mại tự do để có chiến lược phù hợp; tận dụng cơ hội tham gia các triển lãm quốc gia và quốc tế để tăng cường cơ hội kết nối giao thương.

Tin cùng chuyên mục