Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là một trong ba vấn đề cấp bách mà Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng đã nêu ra. Ở Đà Nẵng, vấn đề công tác cán bộ đã được quan tâm triển khai với nhiều giải pháp khác nhau...
Ngay sau thành công của việc tổ chức đào tạo và phân công cán bộ về đảm nhiệm chức danh bí thư, chủ tịch UBND phường xã, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã quyết định tổ chức khóa đào tạo thứ 2 vào năm 2010.
Điều đặc biệt của 2 khóa đào tạo này là các học viên được tuyển chọn một cách công khai, minh bạch, thông qua phỏng vấn... dành cho những sinh viên hoặc người đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... có bằng tốt nghiệp đại học chính quy loại khá, giỏi trở lên và không chỉ dành cho người có hộ khẩu tại Đà Nẵng. Chương trình học cũng được thiết kế riêng, vừa có các môn học lý thuyết cơ bản nhưng cũng có những bài giảng về kỹ năng, do các chuyên gia hoặc lãnh đạo có kinh nghiệm trong công tác ở phường, xã trực tiếp giảng dạy; xây dựng các chương trình thảo luận, diễn thuyết cho học viên... Trong quá trình học, học viên được nhận lương và thành tích nếu học tập xuất sắc có thêm các mức thưởng hàng tháng khác nhau.
Điều đáng nói ở khóa thứ 2 của Đề án “Tạo nguồn chức danh bí thư, chủ tịch UBND cấp xã, phường” (gọi tắt Đề án 89) là khi tốt nghiệp, các học viên được nhận công tác ở địa phương mình muốn; với phương thức người có điểm cao nhất được chọn trước. Những người có kết quả học tập xuất sắc cũng được đặc cách ngay vào các chức danh như phó bí thư, phó chủ tịch UBND xã, phường...
Ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho biết, đây là mô hình mới, do Đà Nẵng tự thiết kế và tổ chức nhằm tạo nguồn chức danh một cách bài bản cho xã, phường.
Cũng từ cách đào tạo và thực hiện chủ trương đột phá, nên học viên được bố trí về công tác ở phường, xã với chế độ đãi ngộ cao hơn hẳn, giống như một khoản thu nhập riêng, so với những cán bộ, công chức bình thường. Nhiều học viên được bố trí hoặc bầu vào các chức danh cấp ủy viên, lãnh đạo chủ chốt ở cơ sở chỉ trong một thời gian ngắn và được tạo điều kiện tối đa trong công tác.
Ông Trần Đình Hồng, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang khẳng định, các học viên Đề án 89 khi về công tác tại địa phương phần lớn đã phát huy được năng lực của mình, góp phần tích cực vào việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt ở xã, khắc phục được tình trạng thiếu hụt nguồn cán bộ được đào tạo chính quy, bài bản. Ngoài chính sách ưu đãi của TP, huyện cũng có chính sách riêng, nhất là đối với những cán bộ phải về công tác ở vùng khó khăn, miền núi...
Đà Nẵng cũng chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao bằng chính sách thu hút và chế độ đãi ngộ đối với tiến sĩ, thạc sĩ, người có chuyên môn cao và sinh viên tốt nghiệp loại khá giỏi, cũng như chi từ ngân sách một nguồn kinh phí khá lớn để đào tạo cán bộ đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ở các cơ sở trong và ngoài nước.
Tiến sĩ Nguyễn Phú Thái, Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng cho biết, tổng kinh phí của đề án đào tạo nguồn nhân lực này trong giai đoạn 2006-2011 là hơn 240 tỷ đồng; qua đó đào tạo cho 418 học viên, trong đó có 72 thạc sĩ và 18 tiến sĩ; 219 học viên đã tốt nghiệp với 149 học viên nhận công tác tại các cơ quan, đơn vị của TP.
Cùng với đó, một vấn đề được Nghị quyết Trung ương 4 đưa ra, là “thí điểm chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo quản lý; thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự theo hướng những người được dự kiến đề bạt, bổ nhiệm phải trình bày đề án hoặc chương trình hành động trước khi cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định” cũng đã được Đà Nẵng sớm triển khai từ trước.
Ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ TP cho biết, đây là mô hình mới, đã được thực hiện một cách mạnh mẽ ở khối sự nghiệp (giáo dục, văn hóa...) như trong năm 2011, có 63 ứng viên đăng ký dự thi để qua đó, có 16 người trúng tuyển vào chức danh hiệu trưởng, hiệu phó ở các trường công lập trên địa bàn. Điều quan trọng là sắp tới, qua thực tiễn, ngành nội vụ sẽ sớm xây dựng quy chế để việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý đi vào nền nếp, bài bản hơn và phát huy hiệu quả hơn.
Qua thực hiện các chủ trương, chính sách mang tính đột phá trong công tác cán bộ nói riêng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung ở Đà Nẵng, một bài học sâu sắc nhất được rút ra, đó chính là quyết tâm rất cao, thực hiện quyết liệt, khoa học, có sự điều chỉnh kịp thời và hợp lý... Xây dựng nguồn cán bộ phải đáp ứng được yêu cầu thực tiễn tại địa phương và có tầm nhìn xa, chứ không mang tính chắp vá.
ANH QUÂN