Đà Nẵng: Hiệu quả chia nhỏ tổ dân phố?

Từ cuối tháng 9-2012, TP Đà Nẵng đã thực hiện việc tổ chức, phân chia lại tổ dân phố trên địa bàn với mỗi tổ dân phố có quy mô trung bình 30 hộ/tổ; tổ dân phố chỉ có chức danh tổ trưởng, không có tổ phó… Đây là một cách làm khác của TP Đà Nẵng trong công tác cải cách hành chính và xây dựng chính quyền đô thị.
Đà Nẵng: Hiệu quả chia nhỏ tổ dân phố?

Từ cuối tháng 9-2012, TP Đà Nẵng đã thực hiện việc tổ chức, phân chia lại tổ dân phố trên địa bàn với mỗi tổ dân phố có quy mô trung bình 30 hộ/tổ; tổ dân phố chỉ có chức danh tổ trưởng, không có tổ phó… Đây là một cách làm khác của TP Đà Nẵng trong công tác cải cách hành chính và xây dựng chính quyền đô thị.

  • “Tổ dân phố 30 hộ”

Đầu tháng 9-2012, tại Hội nghị sắp xếp lại tổ dân phố, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh kết luận: “Quy mô trung bình cả tổ dân phố là 30 hộ gia đình; tổ dân phố chỉ có chức danh tổ trưởng, không có chức danh tổ phó”. Ngay sau đó, ngày 10-9-2012, UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo các địa phương tiến hành triển khai việc phân chia tổ dân phố theo chủ trương mới này.

Đến trung tuần tháng 9-2012, các địa phương gồm các quận: Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn tiến hành phân chia lại tổ dân phố. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, ngày 15-10, các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn đã hoàn tất việc phân chia tổ dân phố theo tiêu chí mới và có báo cáo lên UBND TP Đà Nẵng.

Theo UBND TP Đà Nẵng, việc phân chia tổ dân phố theo tiêu chí mới để “phù hợp với tình hình thực tế địa phương và thuận tiện cho công tác quản lý”.

Việc chủ trương phân chia nhỏ tổ dân phố của TP Đà Nẵng nhằm quản lý dân cư tốt hơn, kiểm soát tình hình tội phạm tại từng tổ dân phố chặt chẽ hơn, việc tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước dễ dàng hơn… đã thu hút nhiều ý kiến ủng hộ.

Ông Đỗ Phú Quang, Tổ trưởng Tổ dân phố số 10, phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu cho biết, việc chia tổ theo quy mô 30 hộ/tổ có thuận lợi là dễ quản lý, điều hành nhưng cũng có khó khăn là gây xáo trộn nhẹ trong nhân dân, vì lâu nay người dân đã quen theo nếp cũ.

Ông Nguyễn Tự, Chánh Văn phòng UBND quận Sơn Trà, cho biết, việc chia tách tổ theo tiêu chí mới sẽ có nhiều thuận lợi, trong đó có thuận lợi là quy mô tổ dân phố nhỏ nên việc tổ chức họp dễ dàng, không cần phải xây dựng các nhà sinh hoạt tổ; tăng hiệu quả quản lý địa bàn dân cư; dễ dàng cho việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước…

Ông Trần Văn Huy, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho biết về vấn đề phòng chống tội phạm hiệu quả hơn vì việc kiểm soát từng tổ dân phố chặt hơn. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ là năng lực của tổ trưởng tổ dân phố mới như thế nào, vì nó quyết định sự thành - bại của chủ trương này.

Chỉ trong thời gian ngắn, Đà Nẵng đã phát triển như một hiện tượng nhờ vào một số chính sách “rất Đà Nẵng”. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Chỉ trong thời gian ngắn, Đà Nẵng đã phát triển như một hiện tượng nhờ vào một số chính sách “rất Đà Nẵng”. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

  • Còn nhiều lo ngại

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ còn nhiều ý kiến lo ngại trong việc chia tách tổ dân phố theo tiêu chí mới với quy mô 30 hộ/tổ. Nhiều nơi bà con nhân dân có ý kiến xin giữ nguyên tổ dân phố như hiện nay vì… đã quen, đã đoàn kết với nhau và không cần chia tách; việc chia tách tổ dân phố quá nhỏ có nguy cơ phá vỡ mối quan hệ xóm giềng trong nhân dân. Thậm chí, có trường hợp ở phường Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu), hai anh em chung vách chung tường, sống trong cùng một khuôn viên đất của cha mẹ nhưng lại ở… 2 tổ dân phố khác nhau.

Trong khi đó, tại các khu chung cư, trong cùng một tòa nhà chỉ 70 hộ sống khép kín với nhau nhưng lại chia làm 2 tổ dân phố khác nhau, mặc dù việc sử dụng hành lang, khu công cộng, khuôn viên là chung với nhau.

Theo thống kê chưa đầy đủ, sau khi chia tách tổ dân phố theo tiêu chí mới, 5 quận gồm: Thanh Khê, Hải Châu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà có hơn 5.488 tổ dân phố, tăng hơn 3.300 tổ dân phố so với trước khi chia tách. Từ đây, có ý kiến lo ngại rằng, việc chia tách tổ dân phố như hiện nay sẽ làm tăng số lượng tổ dân phố lên gấp nhiều lần, dẫn đến tăng số lượng tổ trưởng tổ dân phố. Việc tăng số lượng tổ dân phố cũng đồng nghĩa với việc tăng tiền phụ cấp cho tổ trưởng tổ dân phố với một số tiền không nhỏ.

Bên cạnh đó, việc tăng số lượng tổ trưởng tổ dân phố dẫn đến việc triển khai hội họp tổ trưởng tổ dân phố với cấp phường sẽ gặp nhiều khó khăn vì… những phường có số lượng tổ trên 150 không hội trường nào đủ rộng để chứa đủ số lượng tổ trưởng tổ dân phố về họp. Không những thế, việc tăng số lượng tổ trưởng tổ dân phố sẽ làm bộ máy nhà nước trở nên cồng kềnh (!?).

Việc phân chia nhỏ tổ dân phố ở Đà Nẵng hiện nay là thêm một chính sách “rất Đà Nẵng”. Trước đây, Đà Nẵng tiên phong có nhiều chính sách mới, lạ như chính sách “hạn chế nhập cư vào nội thành”, “5 không 3 có” và nhiều chính sách mang tính đột phá khác trong công tác quản lý nhà nước và cải cách hành chính. Trước một chính sách mới - lạ, việc đúng - sai còn chờ thực tế và thời gian thẩm định.

Bộ Nội vụ quy định: Tổ dân phố ở đồng bằng phải có từ 250 hộ trở lên

Bộ Nội vụ ngày 31-8-2012 ban hành Thông tư số 04/2012/TT-BNV hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15-10-2012. Theo đó, tại khoản 1 Điều 7 quy định việc thành lập thôn mới, tổ dân phố mới phải bảo đảm có đủ các điều kiện quy mô số hộ gia đình: Đối với thôn ở vùng đồng bằng phải có từ 200 hộ gia đình trở lên; ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo phải có từ 100 hộ gia đình trở lên.

Tại khoản 2, 3 Điều 3, thông tư này cũng quy định: Không chia tách các thôn, tổ dân phố đang hoạt động ổn định để thành lập thôn mới, tổ dân phố mới; khuyến khích việc sáp nhập thôn, tổ dân phố để thành lập thôn mới, tổ dân phố mới nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã và nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của thôn, tổ dân phố.

NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục