Đa ứng dụng với tàu đệm khí

Với chủ đề “Chế tạo tàu đệm khí tại Việt Nam phục vụ dân sinh” do Tiến sĩ Lê Đình Tuân - Khoa Kỹ thuật giao thông - ĐH Bách khoa TPHCM giới thiệu được Trung tâm Thông tin KH-CN TPHCM tổ chức, chương trình “Phân tích xu hướng công nghệ” tiếp tục cho thấy tàu đệm khí mang lại nhiều giá trị trong đời sống.

Với chủ đề “Chế tạo tàu đệm khí tại Việt Nam phục vụ dân sinh” do Tiến sĩ Lê Đình Tuân - Khoa Kỹ thuật giao thông - ĐH Bách khoa TPHCM giới thiệu được Trung tâm Thông tin KH-CN TPHCM tổ chức, chương trình “Phân tích xu hướng công nghệ” tiếp tục cho thấy tàu đệm khí mang lại nhiều giá trị trong đời sống.

Chiếc tàu đệm khí đầu tiên tại Việt Nam vừa được chế tạo và chạy thử nghiệm thành công trên mặt đất và nước là dự án nghiên cứu trong 2 năm ròng của Tiến sĩ Lê Đình Tuân cùng các cộng sự khoa kỹ thuật giao thông - Đại học Bách khoa TPHCM. Với vỏ tàu màu xanh cốm, được thiết kế bằng các vật liệu nhẹ như composite, ván ép và sợi cacbon theo nguyên lý hoạt động: dùng một luồng khí nén áp lực cao nâng con tàu lên, do đó, đế tàu hoàn toàn không tiếp xúc với mặt nước hoặc mặt đất, đồng thời cánh quạt gió phía sau sẽ đẩy tàu tiến về phía trước.

Theo Tiến sĩ Lê Đình Tuân, để đóng tàu đệm khí và ứng dụng được phải hội đủ các điều kiện: thiết kế tin cậy, công nghệ đóng tàu phù hợp cho loại hình này, khả năng về kiểm định chất lượng bên trong (tổ chức đo lường, thực nghiệm, đánh giá), bên ngoài (đăng kiểm, trung tâm đo lường) và trên hết giá cả hợp lý. Việc Tiến sĩ Lê Đình Tuân chế tạo thành công tàu đệm khí BAKVEE cho thấy tàu đệm khí sản xuất trong nước sẽ có giá thành thấp nhờ chủ động kỹ thuật đóng, sửa chữa, bảo trì và cải tiến. Qua đây cũng tạo ra nguồn tư liệu khoa học kỹ thuật quý trong lãnh vực thiết kế và chế tạo tàu đệm khí phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực kỹ thuật tàu thủy - hàng không… và phát triển, sản xuất tàu đệm khí phục vụ dân sinh hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Tàu đệm khí đã được khẳng định làm phương tiện cứu hộ, cứu nạn sau lũ, góp phần khai thác các vùng nước nông hoặc rừng ngập mặn, hải đảo… hiệu quả hơn và phục vụ an ninh, quốc phòng. Chính vì thế các sáng chế về tàu đệm khí khá dồi dào. Theo bà Vũ Thụy Minh Thư (Trung tâm Thông tin KH-CN TPHCM), cuối thập niên 50 bắt đầu có sáng chế về tàu đệm khí đăng ký và lượng sáng chế đăng ký về vấn đề này có chiều hướng tăng dần qua mỗi năm, và hiện nay vẫn còn tiếp tục tăng. Sáng chế về tàu đệm khí đăng ký theo 3 hướng nghiên cứu chính, tuy nhiên, hướng nghiên cứu về chất liệu, cấu trúc và hình dạng của đệm khí chiếm tỷ lệ cao nhất 70,8%. Đây cũng là hướng nghiên cứu chính ở các quốc gia dẫn đầu về số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ. Cho đến nay có hơn 1.200 sáng chế đăng ký ở khoảng 30 quốc gia trên toàn thế giới.

TS Lê Đình Tuân nhấn mạnh: “Chúng tôi hướng đến khả năng áp dụng chiếc tàu này không chỉ vào du lịch mà còn phục vụ cứu nạn, cứu hộ trong mùa mưa bão, nên bất kỳ bộ phận nào không cần thiết làm tăng trọng lượng, hoặc các chi tiết nào không đảm bảo độ cân bằng cho tàu đều được loại bỏ. Theo tính toán, chiếc tàu có thể đạt tốc độ 60km/giờ, khởi động và tăng tốc rất nhanh. Tàu có thể đi trên cạn lẫn dưới nước, đặc biệt là những nơi có nhiều vật cản như rong rêu, cành khô, đá ngầm hay đầm lầy, nơi chân vịt tàu không hoạt động được”

Bá Tân

Tin cùng chuyên mục