Thời gian qua, Báo SGGP và nhiều cơ quan báo chí liên tục phản ánh những bất cập ở Đắc Lắc trong việc giao rừng cho các doanh nghiệp trồng cao su, trồng rừng và khoanh nuôi, quản lý bảo vệ rừng. Trong đợt kiểm tra mới đây ở huyện Ea Súp, điểm nóng phá rừng của tỉnh Đắc Lắc, cơ quan chức năng phát hiện hàng ngàn hécta rừng bị chặt phá trái phép tại các dự án giao rừng cho doanh nghiệp.
Mất hơn 2.000ha rừng
Ea Súp là địa bàn thực hiện việc chuyển đổi rừng khộp trồng cao su nhiều nhất tỉnh Đắc Lắc, với khoảng 20 dự án đã giao cho các doanh nghiệp (DN). Trong báo cáo mới đây gửi Chi cục Kiểm lâm Đắc Lắc, ông Lê Văn Trọng (Hạt phó Hạt Kiểm lâm Ea Súp), cho biết: Đến nay, hầu hết các DN đều triển khai dự án rất chậm, một số DN còn buông lỏng công tác quản lý bảo vệ rừng để rừng bị phá, bị lấn chiếm với diện tích lớn.
Qua kiểm tra, Hạt kiểm lâm Ea Súp phát hiện hơn 2.000ha rừng bị phá trái phép. Đứng đầu trong danh sách 9 dự án phá rừng nhiều nhất thuộc về Công ty CP Cao su Trí Đức (dự án ở xã Ea Bung) với hơn 824/996ha rừng được giao, tiếp đó Công ty CP VINAMIT (ở xã Cư M’lan) bị phá 569/925ha rừng được giao, Công ty CP Địa ốc Thái Bình Phát (ở xã Ea Bung) phá 278/708ha rừng được giao và đứng thứ tư là DNTN Phan Hồng (ở xã Ea Bung) bị phá hơn 132/546ha rừng được giao. Các DN còn lại gồm: Công ty Minh Hằng, Công ty Vinh Hoa, Công ty Đức Tâm, Công ty Dệt may Việt Nam và DNTN Phan Thuấn bị phá từ 22-85ha rừng. Hạt kiểm lâm cũng đã khởi tố vụ án phá rừng ở Công ty Minh Hằng và đang thiết lập hồ sơ để khởi tố vụ án phá rừng ở Công ty Vinh Hoa.
Ông Y Rít Buôn Yă, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắc Lắc, cho biết: Nguyên nhân trực tiếp phá rừng chủ yếu do người dân lấn chiếm đất. Đồng thời, không loại trừ các đối tượng, tổ chức đứng đằng sau xúi giục người dân phá rừng.
Theo ông Phạm Văn Thước, Chủ tịch UBND xã Cư M’lan, hầu hết các DN chỉ thuê khoảng 3-5 người bảo vệ rừng nên không thể kiểm tra nổi. Công ty VINAMIT được giao tới hơn 925ha rừng nhưng cũng chỉ có 3 người bảo vệ và khi có tới hàng chục đối tượng đến phá rừng thì bảo vệ cũng bó tay.
Còn ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch UBND xã Ea Bung, cho biết: Trước đây rừng do xã quản lý không hề bị phá, nhưng khi giao cho DN thì người dân không sợ và kéo vào phá rừng, chiếm đất. Trong khi đó, năng lực tài chính và quản lý của DN rất yếu, vì thế, rừng giao rồi là mất.
Xử lý?
Trong cuộc họp đánh giá thực trạng phá rừng tại các vùng dự án trên địa bàn huyện Ea Súp ở Chi cục Kiểm lâm Đắc Lắc, các ban ngành liên quan đều đánh giá tình trạng phá rừng ở Ea Súp rất nghiêm trọng và đề xuất DN phải bồi thường tài nguyên rừng, buộc trồng lại rừng đã mất.
Ông Nguyễn Văn Xuân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắc Lắc, đề nghị: “Đối với các dự án đã có quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh, đề nghị tạm đình chỉ các hoạt động thực hiện dự án để điều tra, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với tình hình phá rừng. Xử lý trách nhiệm bồi thường tài nguyên rừng và buộc DN trồng lại rừng. Đối với các dự án chưa có quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh, đề nghị điều tra, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với tình hình phá rừng và cũng buộc phải bồi thường tài nguyên rừng, trồng lại rừng”.
Ông Hà Công Bình, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Đắc Lắc cũng đồng tình với đề nghị trên và đề xuất: “UBND tỉnh cần thực hiện ngay việc cho thuê đất lâm nghiệp gắn với cho thuê rừng lần đầu theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2011 giữa Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT”.
Việc bắt DN phải bồi thường tài nguyên rừng và buộc trồng lại rừng là một động thái tích cực để hạn chế việc phá rừng tại các dự án. Nhưng trước mắt, UBND tỉnh Đắc Lắc phải xây dựng giá rừng để làm cơ sở cho thuê.
Công Hoan