Nghề làm củ cải muối (xái pấu) mang danh “Chịt Sa” của dòng họ Vương bắt đầu từ năm 1947, khi ông Vương Thế Hòa, gốc người Tiều rời Trung Quốc đến vùng đất Trà Kháo - Cầu Kè (Trà Vinh) lập nghiệp. Trong 8 người con, hiện chỉ có Vương Tiển Khanh, người con trai út nối nghiệp cha.
Nhưng cái hay của ông chủ nhỏ là sớm nhận ra con đường để đưa sản phẩm của mình vượt ra khỏi chợ làng. Nhờ cách làm căn cơ, bài bản nên thương hiệu “Chịt Sa - củ cải muối đặc sản Cầu Kè - Trà Vinh” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) chứng nhận và đã có mặt tại các phiên chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, vô siêu thị rồi được dân sành ăn đặt cả trăm ký mang ra nước ngoài…
“Nhất nghệ tinh”, làm nghề phải kỹ tính mới ra được hàng tốt, ông Khanh nói vậy. Củ cải trắng, nguyên liệu chính phải lấy từ vùng đất giồng Cầu Ngang hay huyện Duyên Hải ven biển mới chắc thịt, không bị hà, xốp hay rỗ mặt và chỉ chọn cỡ gang tay. Nhưng bí quyết lại nằm ở khâu “đi muối” cho sâu vào cải. Phơi cải phải dùng sân xi măng, dưới trải rơm lúa rồi phủ lưới lên trên. Sáng phơi, đêm ướp bằng muối hột Bạc Liêu chính gốc.
Hôm sau lại theo quy trình đó nhưng cải phải rửa lại bằng nước mới. Làm liên tục như vậy trong một tuần mới ra được sản phẩm. Cứ 7kg củ cải tươi cho ra 1kg xái pấu. Xái pấu Chịt Sa khi cầm lên không dính tay, có mùi thơm đặc trưng; ăn giòn, vị đậm đà chứ không mặn chát phải ngâm nước nhiều lần như ở nơi khác.
Mỗi năm cơ sở Chịt Sa cho ra lò khoảng 2 tấn sản phẩm. Giá xái pấu rời khoảng 40.000 đồng/kg. Gần đây “điệu nghệ” hơn, ông đóng bịch, dán nhãn, hút chân không, đưa vô siêu thị với giá 17.500 đồng/bịch 250gr, loại trộn giấm đường ớt 12.000 đồng/bịch 200gr.
Đã gọi đặc sản thì phải hiếm nhưng để đặc sản lên ngôi mới khó và là cả một câu chuyện dài. Ngoài giờ làm việc, ngồi vui cùng anh em nhưng Bí thư Huyện ủy Cầu Kè Nguyễn Thành Tâm và Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Phước vẫn chỉ trăn trở xoay quanh chuyện làm gì để các đặc sản trong vùng như dừa sáp, xái pấu, chuối tá quạ, sapo trứng ngỗng, măng cụt lưu niên… khẳng định thương hiệu, vươn ra thị trường, làm điểm tựa phát triển ngành nghề ở nông thôn?
Trà Vinh là tỉnh nghèo ở ĐBSCL, nhưng lại là một trong số ít địa phương đầu tư lưu giữ giá trị làng nghề. Cơ sở Xái pấu Chịt Sa đang nằm trong Câu lạc bộ đặc sản Trà Vinh cùng với các sản phẩm nổi tiếng đồng bằng (rượu Xuân Thạnh, bánh tét Trà Cuôn, nước mắm rươi Phong Vinh, chả lụa Năm Thụy, bột mứt bần Thủy Tiên, tôm, cá khô Tiến Hải)... Đó cũng là cách nhằm lưu giữ tinh túy gia truyền; khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam; xây dựng thương hiệu, kỹ năng tiếp thị, bán hàng và quảng bá đặc sản Việt Nam.
Câu lạc bộ đặc sản Trà Vinh còn ký kết với Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao về thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ lâu dài nhằm nâng cao ý thức cộng đồng, kết nối thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của các cơ sở nhỏ lẻ. Sau An Giang, Trà Vinh là tỉnh thứ hai thành lập câu lạc bộ đặc sản ở ĐBSCL.
Vũ Thống Nhất