Tại dự thảo luật này, Chính phủ trình bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn đảm bảo cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội) tại 8/18 tội danh có khung hình phạt tử hình.
Các tội đề xuất bỏ tử hình gồm: tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội vận chuyển trái phép chất ma túy; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược.
Thảo luận về nội dung này, ĐB Nguyễn Thanh Sang (TPHCM) nêu quan điểm đồng ý bỏ tử hình một số tội danh, nhưng không đồng ý bỏ cả 8 tội danh như đề xuất. Theo đó, không nên bỏ án tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy – một khâu then chốt trong đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia. Theo ông, nếu luật không đủ nghiêm, Việt Nam có thể trở thành điểm trung chuyển ma túy.

Tương tự, đề xuất bỏ tử hình với tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ cũng cần được cân nhắc, bởi sai phạm hiện nay vẫn còn nhiều. “Ví dụ vụ án Trương Mỹ Lan, dù bị kết án tử hình nhưng bị cáo vẫn nỗ lực khắc phục hậu quả để được xem xét giảm nhẹ. Nếu biết không tử hình, thì liệu họ có khắc phục không”, ĐB Nguyễn Thanh Sang nêu.
Đáng chú ý, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh không nên bỏ án tử hình đối với tội sản xuất và buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Bà khẳng định đây là hành vi táng tận lương tâm, cần xử lý nghiêm khắc vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người dân.
“Nếu chúng ta nhân đạo với tội phạm thì vô hình trung lại tàn nhẫn với người dân – những người tuân thủ pháp luật, đặc biệt là nạn nhân, gia đình nạn nhân của các tội phạm này”, bà nói và cho rằng, mặc dù từ trước đến nay chưa có ai bị tử hình vì tội danh này, nhưng trong bối cảnh hàng giả, thuốc giả ngày càng tràn lan, khung hình phạt cao nhất vẫn cần được giữ để bảo đảm tính răn đe.
“Không phải để án cao thì có thể giảm tội phạm, nhưng cần giữ để thể hiện thái độ nghiêm khắc của pháp luật đối với loại tội phạm này, vì nó liên quan đến tính mạng người dân. Và cũng là câu trả lời cho nhân dân rằng Đảng, Nhà nước ta quyết tâm trừng trị loại tội phạm này”, ĐB Phạm Khánh Phong Lan nêu.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng không đồng tình với đề xuất bỏ tử hình đồng loạt đối với 8 tội danh. Ông đề nghị chỉ nên cân nhắc bỏ án tử với những tội không trực tiếp gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng người dân, chẳng hạn như tội gián điệp hay phá hoại cơ sở vật chất kỹ thuật. Riêng các tội danh liên quan đến ma túy, tham nhũng lớn, sản xuất thuốc giả... thì phải giữ hình phạt cao nhất. Ông cũng lưu ý không nên nhìn nhận tội nhận hối lộ dưới một lăng kính chung, bởi nếu người nhận hối lộ để bỏ qua cho thuốc giả, ma túy – gián tiếp gây chết người – thì cần xem xét với mức độ tương đương như các tội xâm hại đến sức khỏe, tính mạng công dân.

Một nội dung khác cũng nhận được nhiều ý kiến là với hình phạt tù chung thân không xét giảm án. Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, quy định này có thể không hợp lý vì không tạo động lực cải tạo cho người phạm tội, trong khi Nhà nước vẫn phải nuôi tù nhân đến suốt đời. Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đồng quan điểm, ví von đây là “án tử hình treo” và cần được cân nhắc kỹ để tránh tạo ra hình thức không hiệu quả cả về mặt răn đe lẫn chi phí xã hội.
Dự thảo cũng nâng mức hình phạt tù, hình phạt tiền với một số tội danh để bảo đảm tính răn đe như tội phạm về môi trường, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, ma túy. Nội dung này các ĐB đều đồng tình.
Liên quan đến đề xuất hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, đa số đại biểu đều không đồng tình. Các đại biểu nhắc lại, từ năm 2010, Bộ luật Hình sự đã bỏ quy định xử lý hình sự với người sử dụng ma túy, xem đây là người bệnh cần điều trị thay vì xử phạt hình sự. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng cần có giải pháp cách ly người nghiện ra khỏi cộng đồng, chẳng hạn như đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nhằm giảm nguy cơ phát sinh các hành vi phạm tội khác và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.