Đề nghị tử hình tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh"

Theo các đại biểu Quốc hội, nếu xem nhẹ tội này, người dân, xã hội sẽ mất niềm tin. Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả không gây chết người ngay mà giết người âm thầm, lâu dài, sản sinh các bệnh hiểm nghèo. 

Chiều 20-5, thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, đa số đại biểu đề nghị giữ nguyên mức án tử hình đối với 8 tội danh.

DSC_3426.JPG
Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Khánh Hòa, Bắc Giang, Đồng Tháp... Ảnh: ĐỖ TRUNG

Theo đó, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự đề xuất bỏ hình phạt tử hình ở các tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân"; tội "Gián điệp"; tội "Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam"; tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh"; tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy"; tội "Tham ô tài sản"; tội "Nhận hối lộ"; tội "Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược".

ĐB Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) không đồng ý và đề nghị giữ nguyên hình phạt tử hình với các tội danh trên.

Quan tâm tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh", ĐB Lê Hữu Trí phân tích: "Việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh phải được xem như một tội ác và phải được xếp ngang với tội giết người, đây là hành vi giết người gián tiếp".

DSC_3428.JPG
ĐB Lê Hữu Trí phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Theo ĐB, nếu xem nhẹ tội này, người dân, xã hội sẽ mất niềm tin. Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả không gây chết người ngay, mà giết người âm thầm, lâu dài, sản sinh các bệnh hiểm nghèo. Ngoài ra, nếu xem nhẹ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là đi ngược với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về phát triển chất lượng nhân lực, chất lượng con người Việt Nam.

ĐB Lê Hữu Trí cũng đề nghị phải xem một số hành vi tương đương với tội phạm hình sự, như "sản xuất, chế biến thức ăn có chứa độc tố mạnh, gây nguy hiểm cho con người".

Cùng với đó, ĐB bày tỏ ủng hộ đề xuất không thi hành án tử hình đối với người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, người nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS… bởi điều này thể hiện sự nhân văn, nhân đạo của pháp luật.

DSC_3532.JPG
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: ĐỖ TRUNG

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị, chỉ áp dụng không tử hình đối với một số tội danh. Riêng các tội "Tham ô tài sản", "Nhận hối lộ" và "Vận chuyển trái phép chất ma túy" phải giữ nguyên hình phạt tử hình. ĐB cho biết, qua các buổi tiếp xúc cử tri, ông nhận thấy cử tri rất phiền hà với nạn tham ô, nhận hối lộ và đề nghị xử tội này thật nặng.

"Đây là những tội gây phản cảm trong xã hội rất lớn. Ở Việt Nam thời gian qua chưa tử hình ai liên quan tham ô tài sản hay nhận hối lộ. Mới đây là vụ bà Trương Mỹ Lan, viện kiểm sát đề nghị tử hình thì bà Lan đã nộp khắc phục rất nhiều tiền để được giảm án. Trên cơ sở đó, tôi không muốn bỏ tử hình tội "Tham ô tài sản" hay "Nhận hối lộ". Giữ mức án này, khi viện kiểm sát đề nghị tử hình hay tòa tuyên tử hình, các cá nhân sẽ phải khắc phục", ĐB Phạm Văn Hòa nêu.

ĐB Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) cho rằng, không nên bỏ hình phạt tử hình đối với tội phạm vận chuyển trái phép chất ma túy. Ông nói: "Không thể nhân nhượng, loại tội phạm này diễn biến phức tạp cả trên thế giới và khu vực, trong nước. Việc giữ lại án tử hình mới đảm bảo răn đe, trong quá trình thực hiện đảm bảo các thủ tục, quy định sẽ không xâm phạm tới quyền con người".

DSC_3584.JPG
ĐB Trần Văn Sáu (Đồng Tháp). Ảnh: ĐỖ TRUNG

Khi nghiên cứu dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đặt câu hỏi, dự thảo đề nghị tăng hình phạt đối với một số tội danh, vậy 8 tội danh được đề nghị không tử hình phải chăng là giảm răn đe?

DSC_3605.JPG
ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang). Ảnh: ĐỖ TRUNG

"Trong khi chúng ta đang đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn bán ma túy, đấu tranh với tham ô, hối lộ, nhận hối lộ. Giờ chúng ta đề xuất không tử hình những loại tội phạm này, về lý thuyết có thuyết phục hay không", ĐB Trần Văn Sáu băn khoăn.

ĐB còn cho rằng, việc chuyển một số tội từ tử hình sang chung thân không xét giảm án có thể sẽ mâu thuẫn với Luật Thi hành án.

DSC_3555.JPG
ĐB Trần Văn Tuấn (Bắc Giang). Ảnh: ĐỖ TRUNG

Trong khi đó, ĐB Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) khẳng định, việc sửa đổi theo hướng thu hẹp án tử hình, bổ sung hình phạt tù chung thân mà không xét giảm án là bảo đảm tính nghiêm minh pháp luật, đồng thời bảo đảm tính nhân văn, phù hợp xu hướng thế giới là giảm bớt tử hình.

Tuy nhiên, ĐB cũng cho rằng, với đề xuất 8/18 tội danh được đề nghị bỏ hình phạt tử hình, cần cân nhắc kỹ, nhất là trong điều kiện xã hội hiện nay. Đặc biệt là tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy", mặc dù đã xử lý mạnh, nhưng loại tội phạm này vẫn lộng hành.

ĐB Trần Văn Tuấn bày tỏ sự đồng tình với đề xuất nâng các mức hình phạt tù, phạt tiền đối với một số tội danh để bảo đảm tính răn đe; làm rõ loại hình phạt bằng tiền bổ sung và việc áp dụng hình phạt bằng tiền chính.

Tờ trình của Chính phủ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự đề xuất: bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân, không xét giảm án tại 8/18 tội danh, gồm: Tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân"; tội "Gián điệp"; tội "Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam"; tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh"; tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy"; tội "Tham ô tài sản"; tội "Nhận hối lộ"; tội "Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược".

Đề xuất nâng mức hình phạt tù, hình phạt tiền đối với một số tội danh để đảm bảo tính răn đe, nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng chống tội phạm, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, công dân, phù hợp với các quy định quốc tế như tội phạm về môi trường; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; ma túy.

Tin cùng chuyên mục