(SGGPO). – Trường đại học FPT vừa hoàn tất ký kết hợp tác với Trường Đại học Victoria (Myanmar), chính thức triển khai một cơ sở giáo dục mang tên Victoria - FPT University tại Yangon, thủ đô Myanmar. Với việc chịu trách nhiệm toàn bộ về chương trình đào tạo đại học, giảng viên, quản lý chất lượng, cấp bằng, ĐH FPT trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam triển khai hợp tác quốc tế theo phương án xuất khẩu giáo dục.
Cụ thể, ĐH FPT đã ký thỏa thuận hợp tác với Trường ĐH Victoria cùng thành lập ĐH Victoria - FPT tại Myanmar. Theo nội dung thỏa thuận hợp tác, ĐH FPT sẽ triển khai chương trình đào tạo cấp bằng đại học, chịu trách nhiệm về giảng viên, tổ chức giảng dạy, quản lý chất lượng trong suốt thời gian đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp. Quy mô đào tạo dự kiến bắt đầu từ 120 sinh viên trong năm 2014, tăng lên 1.000 sinh viên vào năm 2016. Chương trình đào tạo tại ĐH Victoria - FPT sẽ tương đồng với chương trình đào tạo ngành kỹ thuật phần mềm đang triển khai tại ĐH FPT tại Việt Nam. Nhiều giảng viên tại ĐH FPT sẽ trực tiếp tham gia giảng dạy tại ĐH Victoria - FPT. Đây là một trong những lợi thế về nguồn lực của ĐH FPT vì ngay tại ĐH FPT (Việt Nam), các giảng viên cũng giảng dạy, trao đổi trực tiếp bằng tiếng Anh với các sinh viên quốc tế và sinh viên Việt Nam theo học tại trường.
Ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học FPT, cho biết, quốc tế hóa là mục tiêu của Trường Đại học FPT. Năm 2013 Trường Đại học FPT đã tuyển sinh thành công sinh viên quốc tế (đón 41 sinh viên quốc tế đầu tiên theo học chương trình đại học chính quy, kéo dài 4 năm do trường cấp bằng), trở thành trường đại học Việt Nam đầu tiên có sinh viên quốc tế theo học hệ chính quy và năm 201, trường chính thức thành lập ĐH Victoria- FPT ở Myanmar. Hiện tại, Đại học FPT có mạng lưới hợp tác liên kết đào tạo với hàng chục trường đại học nổi tiếng trên thế giới. Từ năm 2009, trường đã bắt đầu có những sinh viên quốc tế từ Nhật, Đức, Pháp, Bồ Đào Nha, Thái Lan, Triều Tiên, Myanmar, Brunei… đến học tập theo các chương trình trao đổi sinh viên, giao lưu văn hóa.
PHAN THẢO