Đại học Quốc gia TPHCM: Chủ động tham gia xếp hạng toàn cầu

Việc tăng bậc trong bảng xếp hạng quốc tế là điều không dễ dàng trong bối cảnh các trường đại học (ĐH) ngày càng chú trọng nâng cao vị trí của mình. Vậy đâu là nguyên nhân giúp Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM có sự tiến bộ trong năm 2017?
TS Nguyễn Quốc Chính
TS Nguyễn Quốc Chính
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo của ĐHQG TPHCM đã có cuộc trao đổi với chúng tôi về vấn đề này.
- PHÓNG VIÊN: Thưa ông, mục tiêu của xếp hạng ĐH là gì và hiện nay trên thế giới có những hệ thống xếp hạng nào?

>> TS NGUYỄN QUỐC CHÍNH: Hiện trên thế giới có hơn 50 hệ thống xếp hạng; trong đó, có 24 hệ thống xếp hạng quốc tế (global rankings) như ARWU, THE, US News, QS, SCImango…
Ngoài ra còn có 32 hệ thống xếp hạng cấp quốc gia và khu vực (Regional and National Rankings) như Maclean (Canada), QAA (Anh), CHE (Đức), Hensachi (Nhật)…

Mục tiêu chung của các bảng xếp hạng ĐH thế giới nhằm tạo động lực thúc đẩy cải tiến chất lượng giáo dục ĐH, đóng vai trò là kênh thông tin tham khảo hữu ích cho phụ huynh, học sinh chọn trường và nhà tuyển dụng chọn lựa sinh viên tốt nghiệp. Ở một số quốc gia, kết quả đánh giá xếp hạng được sử dụng như cơ sở để nhà nước sở tại đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục.

- Vậy QS có vai trò, vị trí như thế nào trong hệ thống xếp hạng ĐH trên thế giới? QS Asia có phải là sự lựa chọn hàng đầu của các ĐH châu Á?

Cũng như ARWU (Academic Ranking of World Universities), THE (Times Higher Education World University Rankings), QS thuộc trong số bảng xếp hạng ĐH uy tín trên thế giới, được công nhận ở tất cả quốc gia. Trong khi ARWU và THE coi trọng thành tích khoa học của các trường với những tiêu chí khắt khe về mặt học thuật, phù hợp với các ĐH thiên về nghiên cứu thuộc các nước phát triển, nhất là khu vực nói tiếng Anh thì QS quan tâm nhiều đến tác động của nhà trường tới các bên liên quan, thể hiện qua 2 tiêu chí: danh tiếng về học thuật và danh tiếng với nhà tuyển dụng, chiếm 50% tổng số điểm đánh giá.

Từ năm 2009, QS Asia bắt đầu lựa chọn và công bố các trường ĐH hàng đầu châu Á trên cơ sở so sánh các trường trong cùng khu vực với điều kiện kinh tế - xã hội tương tự nhau. Năm 2017, số lượng các trường ĐH xuất hiện trên bảng xếp hạng này được mở rộng lên đến 400. Các tiêu chí đánh giá của QS và QS Asia góp phần phản ánh sứ mạng cốt lõi của cơ sở giáo dục ĐH gồm đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng.

- Ông có thể đưa ra những phân tích chung từ kết quả của bảng xếp hạng QS Asia năm nay về vị trí các trường ĐH trong khu vực và của Việt Nam?

Theo thống kê, trong Top 10 ĐH dẫn đầu châu Á, có 2 trường của Singapore, 3 trường của Hồng Công, 3 trường của Trung Quốc và 1 trường của Hàn Quốc. Năm 2017, Trường ĐH Nanyang Technological University (NTU) tăng 2 bậc, chiếm vị trí số 1 trong bảng xếp hạng này. Lần đầu tiên trong 3 năm, Trường ĐH National University of Singapore (NUS) rơi xuống vị trí số 2.

Xét về bình quân thứ hạng của các quốc gia Đông Nam Á trong Top 150 của QS Asia, Singapore là quốc gia dẫn đầu về thứ hạng (dù chỉ có 3 trường ĐH). Tiếp theo, Malaysia có 7 trường ĐH, Indonesia 4, Thái Lan 5, Philippines 4 và Việt Nam có 2 trường ĐH.

Trong Top 400 trường ĐH châu Á, Việt Nam góp mặt 5 đơn vị, gồm: ĐHQG Hà Nội hạng 139, ĐHQG TPHCM hạng 142, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội hạng 291-300, ĐH Cần Thơ hạng 301-350, ĐH Huế hạng 351-400. Trong đó, ĐHQG Hà Nội duy trì hạng 139 như năm 2016; trong khi ĐHQG TPHCM tăng 5 bậc, từ 147 lên 142 so với năm 2016. 

Kết quả Top 150 của bảng xếp hạng QS Asia năm 2017 cho thấy, 9 cơ sở giáo dục ĐH có bước tiến vượt bậc khi lần đầu tiên vươn lên nhóm này. Đồng thời, 9 đơn vị khác bị loại khỏi Top 150. Như vậy, thứ hạng các trường ĐH rất dễ bị thay thế nếu không có sự cố gắng tối đa.

- Những đánh giá của QS dành cho ĐHQG TPHCM như thế nào, thưa ông?

Bảng xếp hạng QS Asia đánh giá một cơ sở giáo dục trên 10 tiêu chí, với tổng số điểm 100. Trong đó, 2 tiêu chí chiếm trọng số cao nhất (50%) là “danh tiếng học thuật” (chiếm 30%) và “danh tiếng đối với nhà tuyển dụng” (20%). Năm 2017, ĐHQG TPHCM đạt 58,3 điểm về “danh tiếng học thuật” và 47,8 điểm về “danh tiếng đối với nhà tuyển dụng”. Kết quả trên đã đưa ĐHQG TPHCM vào Top 100 châu Á ở 2 tiêu chí này.

Trong phạm vi quốc gia, ĐHQG TPHCM đang dẫn đầu cả nước ở 3 tiêu chí: danh tiếng học thuật, danh tiếng nhà tuyển dụng và tỷ lệ sinh viên quốc tế.

Đây là thành công bước đầu của ĐHQG TPHCM khi chính thức tham gia “cuộc chơi xếp hạng”, khẳng định uy tín và chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của ĐHQG TPHCM trong khu vực và trên thế giới. 

- Việc tăng bậc trong bảng xếp hạng là điều không dễ dàng, vậy nhưng năm qua, ĐHQG TPHCM đã tăng 5 bậc, theo ông tại sao ĐHQG TPHCM đạt kết quả đáng khích lệ đó chỉ sau thời gian ngắn?

Năm nay, tiêu chí về danh tiếng nhà tuyển dụng của ĐHQG TPHCM tăng 11 điểm so với năm 2016. Bên cạnh đó, những tiêu chí như giảng viên quốc tế, sinh viên quốc tế, năm trước ĐHQG TPHCM có điểm rất thấp, nhưng năm nay đã tăng điểm một cách đáng kể. Mặc dù có vài tiêu chí không được đánh giá cao bằng năm 2016, nhưng xét tổng thể, ĐHQG TPHCM tăng bậc trong bảng xếp hạng.

Sự thay đổi về điểm số của các tiêu chí trên là do từ năm 2016, ĐHQG TPHCM đã bước đầu có những hoạt động tham gia xếp hạng thông qua việc chủ động cung cấp thông tin cho tổ chức QS và tăng cường tương tác với các bên liên quan. Kết quả này góp phần khẳng định chủ trương “chủ động tham gia xếp hạng” của ĐHQG TPHCM là hoàn toàn đúng đắn.

- ĐHQG TPHCM từ năm 2013 đến nay tăng 159 hạng. Vậy theo ông, với tình hình hiện nay, ĐHQG TPHCM cần phấn đấu như thế nào để tiếp tục tăng hạng và phát triển bền vững?

Để đảm bảo sự phát triển liên tục và  bền vững, ĐHQG TPHCM tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để nâng cao năng lực trong toàn hệ thống. Từ đó, nâng cao chất lượng các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng. Đồng thời, tiếp tục chủ động cung cấp thông tin, số liệu có hệ thống cho các bên liên quan để tăng cường sự hiểu biết và phát triển các mối quan hệ hợp tác.

Cần lưu ý rằng, trong cuộc đua tranh thứ hạng, càng lên cao sẽ càng khó khăn do tất cả các trường đều nỗ lực. Chặng đường phía trước sẽ còn nhiều gian nan, thử thách. Để đạt mục tiêu lọt vào Top 100 trường xuất sắc nhất châu Á, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của ĐHQG TPHCM trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục