Đại Huệ non thiêng…

Đại Huệ là núi thiêng, không chỉ của huyện Nam Đàn mà của cả Nghệ An. Đại Huệ cùng với sông Lam đã tạo nên vùng đất Nam Đàn với bao “trầm tích” về lịch sử, văn hóa, con người… Với người xứ Nghệ, Đại Huệ chính là nơi để hướng đến mỗi dịp tết đến, xuân về.

1-831.jpg
Đại Huệ - núi thiêng của vùng đất Nam Đàn và Nghệ An

Dãy núi Đại Huệ chạy dọc từ phía Bắc đến phía Đông của huyện Nam Đàn. Trên dãy núi này có nhiều danh lam, thắng tích, trong đó có các ngôi chùa nổi tiếng như chùa Vĩnh Phúc (xã Nam Xuân), chùa Viên Quang (xã Nam Thanh) và đặc biệt là chùa Đại Tuệ (xã Nam Anh).

Chùa Đại Tuệ nằm trên đỉnh Thăng Thiên của dãy núi Đại Huệ. Chùa thờ Phật Bà Đại Tuệ - Phật Mẫu Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa (nghĩa là Trí tuệ lớn). Đây là ngôi chùa duy nhất trên đất nước ta thờ Phật Bà Đại Tuệ, cũng là nơi lưu dấu Phật giáo lâu đời trên vùng đất Nghệ An.

Tương truyền, chùa Đại Tuệ có từ thời vua Mai Hắc Đế. Đến thế kỷ XV, chùa được Hồ Quý Ly xây cất lại để thờ Phật Bà Đại Tuệ - người có công phù hộ cho nhà Hồ xây thành đắp lũy trên núi Đại Huệ nhằm chống lại giặc Minh. Khi hành quân ra Bắc đại phá quân Thanh, vua Quang Trung đã lên chùa Đại Tuệ dâng hương và được chỉ đường ra Bắc một cách nhanh nhất. Chiến thắng trở về, vua đã xuống chiếu cắt thêm 20 mẫu đất cho chùa để lo việc hương khói.

Trên dãy núi Đại Huệ, một chốn tâm linh nhiều người không thể không hướng tới, đó chính là nơi yên nghỉ của bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Bác Hồ. Trên núi còn có mộ bà Hà Thị Hy - bà nội Bác Hồ và mộ cậu Nguyễn Sinh Xin - em trai Bác.

Bà Hoàng Thị Loan mất tại Huế năm 1901. Năm 1922, hài cốt của bà được đưa về quê nhà ở làng Sen (xã Kim Liên), đến năm 1942 được đưa lên núi Động Tranh (xã Nam Giang). Khi đưa mẹ lên núi, ông Cả Khiêm - Nguyễn Sinh Khiêm cho đào 9 huyệt mộ để chôn cất mẹ mình một cách bí mật. Cuối năm 1946, sau khi ra Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về, ông Khiêm mới nói cho bà con họ hàng biết nơi chôn cất mẹ mình.

Trong dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ ngày 19-5-1984, Đảng bộ, nhân dân Nghệ Tĩnh và Lực lượng vũ trang Quân khu IV đã khởi công xây dựng mộ bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh thuộc dãy núi Đại Huệ. Ngày 16-5-1985, khu mộ được khánh thành. Đến năm 2010, khu mộ được tôn tạo và khánh thành ngày 3-6-2011.

Mộ bà Hoàng Thị Loan được bao bọc bởi rừng cây xanh mướt, với nhiều loài cây quý bản địa và các giống cây từ khắp vùng miền trong cả nước đưa về. Khu mộ được thiết kế cách điệu với hình tượng khung cửi. Phía sau mộ là bức phù điêu bằng đá trắng khắc họa hoa sen. Phía trước mộ có 33 bậc đi xuống sân bia, tượng trưng cho 33 năm tuổi đời của bà. Hai bên mộ trồng hai cụm hoa giấy được lấy giống từ Huế và từ mộ ông Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp.

Từ núi Đại Huệ, hướng về Nam là dòng sông Lam hiền hòa uốn lượn, bên kia là dãy núi Thiên Nhẫn. Không gian Đại Huệ - Lam Giang - Thiên Nhẫn đã tạo nên vùng đất “địa linh nhân kiệt” với những người con xứ Nghệ đã làm rạng danh non sông đất Việt: Vua Mai Hắc Đế, Chủ tịch Hồ Chí Minh, chí sĩ Phan Bội Châu, Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng, Tổng Bí thư Trần Phú, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong,… và nhiều danh nhân, lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; các nhà khoa học, tướng lĩnh, nhà văn, nhà thơ,…

1b-5527.jpg
Một góc núi Đại Huệ
2-227.jpg
Đường lên chùa Đại Tuệ trên núi Đại Huệ
3-4898.jpg
Chùa Đại Tuệ nằm trên đỉnh Thăng Thiên của núi Đại Huệ
3b-8319.jpg
4-2259.jpg
Chùa Đại Tuệ - ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam thờ Phật Bà Đại Tuệ
5-9310.jpg
Tượng Phật Bà Đại Tuệ trong chùa Đại Tuệ
6-2981.jpg
Dưới chân núi Động Tranh thuộc dãy Đại Huệ
7-2556.jpg
Khu mộ bà Hoàng Thị Loan được bao bọc bởi rừng cây xanh mướt
10-9962.jpg
Mộ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Bác Hồ
8-5522.jpg
Nhân dân đến thắp hương viếng mộ bà Hoàng Thị Loan
9-6407.jpg
11-2094.jpg
Phối cảnh Thác 9 tầng tại khu mộ bà Hoàng Thị Loan. Hiện dự án đang được triển khai và dự kiến hoàn thành vào dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-2025)

Tin cùng chuyên mục