Nhiều ý tưởng, dự án mới mẻ
Chương trình Demoday - Kết nối và gọi vốn đầu tư của các công ty khởi nghiệp (startup) vừa diễn ra tại tỉnh Gia Lai, là một sự kiện tiêu biểu trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang hình thành tại tỉnh này. Đây là chương trình nhằm “ươm tạo” các ý tưởng gắn với văn hóa bản địa, mô hình kinh doanh bền vững, đội ngũ sáng lập ngày càng trưởng thành và bản lĩnh hơn khi bước ra thị trường.

Hôm 22-7, tại sự kiện Demoday, 7 dự án tiêu biểu được chọn từ mùa 3 chương trình đã có cơ hội giới thiệu sản phẩm, gọi vốn và tiếp nhận góp ý từ chuyên gia, nhà đầu tư. Trong số đó, dự án khởi nghiệp “Gốm Vân Sơn” được đánh giá mang nhiều giá trị từ truyền thống đến âm hưởng cộng đồng, hứa hẹn sẽ tạo ra sinh kế bền vững cho các làng nghề truyền thống vốn đang suy thoái, mai một.
Nhà khởi nghiệp trẻ Đỗ Thị Thanh Vân, Giám đốc DN tư nhân Gốm Vân Sơn, chia sẻ: “Tôi đam mê gốm cổ và nhận thấy khách hàng ngày càng ưa chuộng kiến trúc mộc mạc, cổ kính. Tôi luôn trăn trở làm sao để đưa gốm đến gần hơn với đời sống hiện đại - vừa bền, đẹp, vừa giữ được hồn xưa”.

Theo chị Thanh Vân, dự án “Gốm Vân Sơn” lấy cảm hứng từ làng nghề thủ công gốm cổ Vân Sơn (nay thuộc phường An Nhơn, tỉnh Gia Lai). Đây là làng gốm có bề dày lịch sử lâu đời, có nhiều yếu tố giao thoa văn hóa Chăm Pa và Việt. Ngay từ đầu, dự án “Gốm Vân Sơn” đã định vị khách hàng rõ ràng: những người yêu văn hóa truyền thống, chủ đầu tư resort, spa, khách sạn hay khu du lịch.
Sau hơn 6 tháng tham gia chương trình tăng tốc do Sở KH-CN tổ chức, dự án “Gốm Vân Sơn” đã có những chuyển biến rõ nét, đặc biệt trong chiến lược sản phẩm và cách tiếp cận thị trường. “Các cố vấn giúp tôi nhìn rõ điểm mạnh – điểm yếu và tiềm năng của sản phẩm. Tôi bắt đầu hợp tác với kiến trúc sư, kỹ sư nội thất và đội ngũ truyền thông để đáp ứng tốt hơn từng nhu cầu cụ thể của công trình”, chị Vân tâm sự thêm.
Tương tự, chương trình Demoday cũng ghi nhận dấu ấn của chuỗi khách sạn tầm trung HAKU Hotel, thuộc Công ty TNHH Tư vấn Quản lý Tập đoàn Hakuen.
Anh Ngô Thế Long, Giám đốc công ty, cho biết: “Chúng tôi khởi sự từ chính trải nghiệm không hài lòng khi đi du lịch. Với HAKU, chúng tôi xây dựng một mô hình khách sạn tiện nghi, giá hợp lý, hướng đến nhóm khách trẻ”.
Khởi đầu tại Quy Nhơn năm 2022, đến nay HAKU đã có mặt tại Tuy Hòa, Vũng Tàu và đang hướng tới các thành phố lớn như Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng. Theo anh Long, Demoday không chỉ là dịp trình bày dự án, mà còn là “phòng thí nghiệm thực tế” để tiếp nhận góp ý, định vị lại chiến lược, đồng thời tiếp cận các nguồn lực mới.

Theo bà Phan Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố an toàn môi trường – một trong những nhà đầu tư thiên thần của chương trình, giá trị lớn nhất của Demoday không nằm ở con số vốn rót ra, mà là cơ hội cố vấn chiến lược và tạo mạng lưới liên kết. “Tôi từng đồng hành với các dự án như Gốm Vân Sơn, kem bơ Aloo hay Hakuen ngay cả khi chưa đầu tư, bởi những ý tưởng ấy có tiềm năng phát triển dài hạn nếu đi đúng hướng”, bà Vân bày tỏ.
Ươm tạo được 90 ý tưởng, 12 dự án tăng tốc
Chính những kết quả tích cực trên đang cho thấy hướng đi đúng đắn của Đề án “Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Gia Lai giai đoạn 2019 – 2025” do Sở KH-CN triển khai. Theo thống kê, đến nay đã có hơn 1.800 lượt người được đào tạo khởi nghiệp, 90 ý tưởng/dự án được ươm tạo, 12 dự án được cố vấn tăng tốc. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đạt kết quả đáng ghi nhận: tăng doanh thu, mở rộng quy mô, sản phẩm đạt chuẩn OCOP, được xuất khẩu và đặc biệt là gọi vốn thành công.

Một số dự án nổi bật có thể kể đến như Công ty TNHH Dulah, Công ty CP IPP Sachi, Công ty CP Bidicomed hay Công ty CP Dịch vụ KH-CN Bình Định. Trong đó, IPP Sachi còn lọt vào vòng ghi hình chương trình “Thương vụ bạc tỷ” (Sharktank Việt Nam). Mạng lưới hệ sinh thái cũng ngày càng định hình rõ hơn với 74 nhà tư vấn khởi nghiệp và hơn 80 nhà đầu tư kết nối.
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Gia Lai, hệ sinh thái vẫn đối mặt với một số thách thức: thiếu nguồn tài chính bền vững, năng lực của các đội ngũ sáng lập còn hạn chế, và mạng lưới nhà đầu tư hoạt động chưa đều.

“Demoday không chỉ là điểm đến, mà là điểm khởi đầu để các dự án thử sức, điều chỉnh và mở đường ra thị trường. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái từ chính sách, nguồn lực con người, đến công cụ hỗ trợ thị trường trong và ngoài nước. Hy vọng sự cộng hưởng giữa chính quyền, doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức hỗ trợ sẽ tạo nên lực đẩy mới cho phong trào khởi nghiệp tại Gia Lai”, ông Hà khẳng định.
Đào tạo, thúc đẩy doanh nghiệp xanh
Theo Tiến sĩ Trần Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm ICISE (tỉnh Gia Lai), cho biết, hằng năm đơn vị thường xuyên tổ chức các hội nghị, diễn đàn kết nối nhà khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Gia Lai và cả nước. Một trong những hoạt động tiêu biểu là dự án “Phát triển Doanh nghiệp xanh tại Việt Nam”, do ICISE phối hợp với Quỹ Châu Á (The Asia Foundation) phối hợp, triển khai.

Mới đây, trong khuôn khổ dự án, ICISE và Quỹ Châu Á đã tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu với chủ đề “Hoàn thiện mô hình kinh doanh sáng tạo xanh” cho 20 doanh nghiệp, cá nhân có định hướng khởi nghiệp xanh. Chương trình có sự tham gia của nhiều chuyên gia, như: ông Trương Thanh Hùng, PGS.TS Nguyễn Ngọc Dũng, bà Trương Thị Hương Giang (Công ty CP Tư vấn Đổi mới Sáng tạo FiNNO).
Tiến sĩ Trần Thanh Sơn cho biết thêm, dự án đặt mục tiêu hỗ trợ 40 startup xanh giai đoạn sớm, 20 doanh nhân, 5 chuyên gia và các cơ quan liên quan. Chương trình tập trung nâng cao năng lực thông qua đào tạo, tư vấn, kết nối thị trường và tiếp cận nguồn vốn. Đặc biệt, dự án hướng tới hình thành hạ tầng hỗ trợ khởi nghiệp xanh, thúc đẩy mạng lưới đầu tư thông qua các hoạt động kết nối và Hội chợ Thương mại Xanh.