Gia Lai tạo dựng thương hiệu du lịch "đại ngàn - biển xanh hội tụ"

Chiều 9-7, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị gặp mặt nhân kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9-7-1960 – 9-7-2025). Sự kiện nhằm nhìn lại chặng đường phát triển của ngành du lịch địa phương, đồng thời thảo luận các định hướng phát triển du lịch phù hợp trong giai đoạn mới.

Đề xuất đồng bộ về thương hiệu và nhân lực

Tại sự kiện, các đại biểu, chuyên gia, đại diện hiệp hội, doanh nghiệp du lịch trình bày tham luận, nêu ý kiến, kiến nghị giải pháp để xây dựng và phát triển du lịch tỉnh Gia Lai và toàn vùng miền Trung – Tây Nguyên, giai đoạn sau hợp nhất các tỉnh, thành.

z6787598768881_9d75a62619afdaae7968647676859841.jpg
Toàn cảnh hội nghị

Đại diện Hiệp hội Du lịch Bình Định (cũ) cho rằng, Gia Lai mới sở hữu lợi thế tài nguyên rừng - biển phong phú, khí hậu đa dạng và di sản văn hóa đậm đà bản sắc. Tuy nhiên, yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần xây dựng hệ sinh thái sản phẩm du lịch theo từng phân khúc thị trường, đồng thời sớm hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu gồm logo và khẩu hiệu để quảng bá hiệu quả.

Hiệp hội cũng kiến nghị tỉnh tổ chức khảo sát tổng thể tuyến điểm hiện hữu, từ đó thiết kế các tour mới, lựa chọn sản phẩm đặc trưng, đặc sắc phục vụ xúc tiến du lịch. Về hỗ trợ doanh nghiệp, cần tiếp tục áp dụng chính sách ưu đãi từ hai tỉnh cũ, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm quốc tế, đồng thời đẩy mạnh số hóa di tích, sản xuất clip quảng bá, phát triển kênh truyền thông trên các nền tảng số như Facebook, Tiktok, Zalo…

ẢNH (12).jpg
Nhiều lễ hội, nét đẹp văn hóa độc đáo của người dân. Ảnh: MAI HƯƠNG

Đặc biệt, tỉnh Gia Lai mới cần hỗ trợ đào tạo, cấp thẻ và phát triển đội ngũ 500 hướng dẫn viên du lịch quốc tế trong vòng 3 năm, nhằm phục vụ khách quốc tế và phát triển thị trường du lịch nước ngoài.

Phát huy tiềm năng, hướng đến phát triển bền vững

Phát biểu tại hội nghị, bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, nhấn mạnh: “Ngành du lịch không chỉ là một ngành kinh tế mà còn là cầu nối văn hóa – đối ngoại, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới”.

z6776471249677_f327b314bd03d9f07cf033fb45345fa4.jpg
Cá voi khổng lồ săn mối ở vùng biển Hòn Sẹo – Nhơn Lý (thuộc phường Quy Nhơn Đông, tỉnh Gia Lai). Ảnh: ĐẶNG VĂN HẢI

Với diện tích hơn 21.500km², tỉnh Gia Lai sau sáp nhập có hệ sinh thái du lịch độc đáo, kết hợp du lịch biển tại Quy Nhơn với du lịch sinh thái, văn hóa đại ngàn Tây Nguyên và di sản Chămpa. Trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh đón gần 7,4 triệu lượt khách, doanh thu hơn 17.340 tỷ đồng. Hiện tỉnh có hơn 1.250 cơ sở lưu trú, hơn 23.000 phòng, 89 doanh nghiệp lữ hành (18 quốc tế). TP Quy Nhơn được công nhận “Thành phố du lịch sạch ASEAN” lần thứ hai.

z6787599014305_926bec2063c6feb51c59422c390ac2a0.jpg
Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Gia Lai phát biểu

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 đón 11,8 triệu lượt khách, doanh thu 28.500 tỷ đồng; đến năm 2030 đón 18,5 triệu lượt khách, trong đó 1,1 triệu khách quốc tế. Du lịch tiếp tục được xác định là 1 trong 5 trụ cột tăng trưởng chủ lực, phát triển trên nền tảng tài nguyên biển, núi rừng, văn hóa Tây Nguyên – Chămpa, và du lịch cộng đồng.

z6787773203924_585385b1abb784d262fe715528579111.jpg
Vẻ đẹp quyến rũ, kiêu hãnh của thác K50 ở đại ngàn Gia Lai

Tỉnh đang tập trung quy hoạch các khu du lịch trọng điểm như Biển Hồ – Chư Đăng Ya, bán đảo Phương Mai; phát triển du lịch xanh, du lịch thông minh, tăng cường liên kết vùng – liên quốc gia; đẩy mạnh chuyển đổi số với các ứng dụng quản lý, mã QR thuyết minh điểm đến và triển khai thông điệp du lịch 3K – 3A nhằm xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn.

“Hội nghị hôm nay là bước đệm để ngành du lịch Gia Lai khẳng định vị thế, vươn lên trở thành động lực tăng trưởng mới của vùng miền Trung – Tây Nguyên”, bà Đỗ Thị Diệu Hạnh khẳng định.

Tin cùng chuyên mục