Đắk Nông: Hồ thủy lợi bị lấn chiếm

Cấp sổ đỏ trên bờ đập hồ thủy lợi
Đắk Nông: Hồ thủy lợi bị lấn chiếm

Trong những năm qua, công trình thủy lợi ở Đắk Nông do nhiều đơn vị quản lý và việc quản lý lỏng lẻo dẫn đến tình trạng hồ thủy lợi bị lấn chiếm tràn lan. Khi Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông được giao lại quản lý các hồ thủy lợi vào năm 2011 thì phát hiện 91 công trình thủy lợi bị lấn chiếm, vi phạm hành lang bảo vệ và tự ý nuôi trồng thủy sản.

Một hộ dân lấn chiếm chân đập hồ thủy lợi Đắk Ru II, để trồng cây và nuôi cá.

Một hộ dân lấn chiếm chân đập hồ thủy lợi Đắk Ru II, để trồng cây và nuôi cá.

Cấp sổ đỏ trên bờ đập hồ thủy lợi

Cùng đi với Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông Nguyễn Văn Toàn và cán bộ Công ty Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông, ngày 21-12, chúng tôi đã có mặt tại hồ thủy lợi Đắk Ru II (ở xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp). Ngay trên bờ đập công trình, ông Trần Bình Điệp đã lấn chiếm để trồng mì và cà phê, còn phía dưới bờ đập làm nhà ở, nuôi cá. Trước tấm bảng cấm lấn chiếm hồ, ông Nguyễn Công Thoại đã xây nhà, làm tường rào kiên cố và sân phơi mì. Theo ông Toàn, các hộ dân này đã trồng cây, làm nhà trong hành lang bảo vệ đập thủy lợi Đắk Ru II. Nhưng cả ông Điệp và ông Thoại đều cho biết đã được cấp sổ đỏ từ năm 2008.

Ông Thoại cho biết: “Khu đất này tôi mua lại từ 2 cô giáo trong xã vào năm 2002 và làm nhà từ năm 2006. Đến năm 2008, xã và huyện đã cấp sổ đỏ cho gia đình chúng tôi sử dụng khu đất này”. Ông Lê Công Vỹ, Trưởng phòng TN-MT huyện Đắk R’lấp, cũng xác nhận việc cấp sổ đỏ cho gia đình ông Thoại và ông Điệp ngay trong hành lang bảo vệ hồ đập thủy lợi Đắk Ru II là sai. “Phòng cũng đã cử cán bộ đi kiểm tra. Sắp tới, chúng tôi sẽ kiến nghị huyện thu hồi khu đất này để trả lại hành lang bảo vệ. Hai hộ dân nói trên cũng đã có đất ở nơi khác và họ cũng đồng ý với phương án thu hồi và đền bù”, ông Lê Công Vỹ cho hay.

Chúng tôi cũng đã tìm đến hồ thủy lợi Nhân Cơ (xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp). Nằm ngay bên hồ, quán cà phê Dốc Tình được xây dựng lấn ra cả mặt nước hồ. Phía trên quán khoảng 200m, nhiều nhà dân cũng đang đua nhau xây lấn ra hồ. Không riêng gì ở huyện Đắk R’lấp, nhiều công trình thủy lợi trên khắp tỉnh Đắk Nông cũng đang bị lấn chiếm.

Ông Trịnh Văn Tường, Phó Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông, cho biết: Hệ thống công trình thủy lợi của tỉnh nói chung và các công trình thủy lợi do công ty quản lý nói riêng đang bị người dân lấn chiếm rất nhiều. Họ xây dựng nhà ở, nhà kho, công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi, trồng cây lâu năm, hoa màu, và cả làm thủy điện nhỏ... ngay trong hành lang bảo vệ công trình. Hiện có 74/156 công trình thủy lợi do công ty quản lý ở 8 huyện, thị trong tỉnh bị lấn chiếm. Ngoài ra, đang có 17 công trình thủy lợi, người dân tự ý lấn chiếm hoặc hợp đồng với xã để nuôi cá.

Trả lại đúng chức năng

Phần lớn các công trình thủy lợi ở Đắk Nông được đầu tư từ rất lâu, một số công trình do các nông lâm trường trước đây đầu tư xây dựng, qua thời gian dài buông lỏng quản lý nên bị lấn chiếm. Trong khi đó, các xã lại thiếu cán bộ chuyên môn làm công tác quản lý, vận hành công trình thủy lợi. Khi Công ty Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông được giao lại quản lý vào năm 2011, các công trình này đã bị lấn chiếm gần hết. “Thực trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi cũng như việc khai thác mặt hồ chứa nuôi trồng thủy sản đang là những trở ngại rất lớn cho công tác quản lý, bảo vệ, duy tu sửa chữa và vận hành các công trình thủy lợi. Trước thực trạng đó, công ty đã chỉ đạo các chi nhánh làm việc với chính quyền các xã để thống nhất giải quyết. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn do thiếu hồ sơ công trình, công tác đền bù chưa rõ ràng và tinh thần hợp tác của chính quyền xã cũng như người dân còn hạn chế”, ông Trịnh Văn Tường chia sẻ.

Đắk Nông là địa phương chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và các công trình thủy lợi đã góp phần quan trọng đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng. Việc người dân lấn chiếm các công trình thủy lợi đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của các công trình này trong mùa mưa và gây khó khăn cho Công ty Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông trong việc quản lý, vận hành, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu trong mùa khô. Vì thế, tỉnh Đắk Nông cần phải nhanh chóng giải quyết “tồn tại lịch sử” này để trả lại đúng chức năng cho các công trình thủy lợi.

Công Hoan

Tin cùng chuyên mục