Đắk Nông nỗ lực thu hút đầu tư

Chặng đường 10 năm
Đắk Nông nỗ lực thu hút đầu tư

Là tỉnh “em út” trong khu vực Tây Nguyên với xuất phát điểm của nền kinh tế thấp nhưng qua 10 năm phát triển, Đắk Nông đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên lĩnh vực kêu gọi đầu tư. Hiện địa phương đang tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để thu hút thêm nguồn lực phát triển.

Chanh dây là loại cây trồng giá trị cao tại Đắk Nông. Ảnh: CÔNG HOAN

Chanh dây là loại cây trồng giá trị cao tại Đắk Nông. Ảnh: CÔNG HOAN

Chặng đường 10 năm

Đắk Nông là tỉnh nằm ở cửa ngõ Tây Nguyên, có quốc lộ 14 nối với vùng Đông Nam bộ và chỉ cách TPHCM 230km, có quốc lộ 28 kết nối với Đà Lạt - Lâm Đồng và mở hướng về các tỉnh duyên hải miền Trung. Bên cạnh đó, Đắk Nông có nhiều tiềm năng, lợi thế về tự nhiên để thu hút đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, du lịch. Đó là đất đai màu mỡ, tiềm năng về rừng và khoáng sản, khí hậu tương đối mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên đẹp với nhiều thác nước hùng vĩ, hoang sơ… Cùng với lợi thế tự nhiên, ngay từ khi thành lập, tỉnh Đắk Nông đã ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư và cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư triển khai dự án tại địa phương.

Sau 10 năm thành lập, tỉnh Đắk Nông đã thu hút 207 dự án đầu tư, trong đó, nhiều nhất là lĩnh vực nông lâm nghiệp và công nghiệp - xây dựng. Theo Sở Công thương tỉnh Đắk Nông, đến nay tỉnh đã thu hút 156 dự án đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp (trong đó 64 dự án đã đi vào hoạt động) và 13 dự án trên lĩnh vực thương mại.

Ông Biện Văn Minh, Giám đốc Sở Công thương Đắk Nông, cho biết, các dự án đi vào hoạt động đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất của ngành công thương, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, đóng góp nguồn thu cho ngân sách, tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao đời sống người lao động.

Những dự án đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp cũng đã có tác động tích cực, trong đó đáng chú ý là ngành trồng trọt của tỉnh đã từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Kỹ sư Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, cho biết, tỉnh đã bước đầu phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, xác định các mô hình sản xuất mới, loại cây trồng có giá trị thu nhập cao như chanh dây, khoai lang Nhật, khoai tây Atlantic, hoa cúc Đà Lạt, hoa lyly, sầu riêng Đắk Mil, cam Cara không hạt, sản xuất rau an toàn trong nhà kính, nhà lưới…

Lực cản cần vượt qua

Theo đánh giá của Sở KH-ĐT Đắk Nông, tình hình thu hút đầu tư vào tỉnh thời gian qua mặc dù có chiều hướng tăng nhưng quy mô vốn đầu tư trên một dự án còn nhỏ (trung bình mỗi dự án chỉ khoảng 89,5 tỷ đồng). Doanh nghiệp đầu tư vào Đắk Nông chủ yếu doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Số dự án ngưng, tạm ngưng và không hoạt động chiếm hơn 40% số dự án đầu tư, chưa tính các dự án hoạt động cầm chừng.

Trong khi đó, theo khảo sát của nhóm nghiên cứu Đề án Chiến lược thu hút đầu tư tại tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 (Trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM), trong số 114 dự án đầu tư ngoài ngân sách được cấp chứng nhận đầu tư giai đoạn 2004 - 2012, chỉ có 68 dự án đang hoạt động (chiếm 59,6%). Nhiều dự án được cấp giấy phép đã tiến hành đầu tư một số hạng mục nhưng phải tạm dừng vì năng lực chủ đầu tư không đảm bảo. Một số lại vướng ở khâu thỏa thuận đền bù giải phóng mặt bằng hoặc tranh chấp với người dân nên nhà đầu tư không đủ kiên nhẫn để tiếp tục triển khai. Có dự án thì sau khi được cấp phép, nhà đầu tư không “động tĩnh” gì.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo nhóm nghiên cứu, ngoài vấn đề năng lực của chủ đầu tư thì công tác hỗ trợ cho nhà đầu tư sau khi cấp phép chưa tốt. Chính sách ưu đãi của tỉnh được nhà đầu tư đánh giá tốt nhưng khâu thực thi còn vướng mắc, làm mất lòng tin của nhà đầu tư. Tình trạng thiếu quỹ đất “sạch” và hạn chế trong công tác hỗ trợ thu hồi, nhiều dự án xảy ra tình trạng dân tái chiếm đất… cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư vào địa phương.

Còn theo ông Nguyễn Tất Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Tất Thắng (huyện Cư Jút), khó khăn lớn nhất khi đầu tư vào Đắk Nông là giao thông khó khăn, hạ tầng kém, nguồn lao động tay nghề thấp, giải phóng mặt bằng chậm. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính còn phức tạp, thủ tục để được hưởng ưu đãi đầu tư còn rườm rà.

Ông Lê Văn Quang, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông, cho rằng, lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư trong thời gian qua của Đắk Nông chủ yếu dựa vào lợi thế tự nhiên và nguồn tài nguyên. Tỉnh chưa nâng cao được các lợi thế có tính bền vững và lâu dài như thị trường tiêu thụ, cơ sở hạ tầng, cũng như hệ thống thể chế thuận lợi cho nhà đầu tư. Vì vậy, thời gian tới, tỉnh cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa. Trong đó, chú ý công tác quy hoạch các ngành, lĩnh vực phải gắn với khai thác, tận dụng tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực giao đất, cho thuê đất; đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và các khu công nghiệp; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung; nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp; tăng cường quảng bá xúc tiến đầu tư.

Định hướng thu hút đầu tư trong thời gian tới của Đắk Nông

Nông nghiệp: Tập trung thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại thị xã Gia Nghĩa và các huyện Đắk Mil, Tuy Đức, gắn với phát triển công nghệ cao, phát triển vùng nguyên liệu, thu hút các dự án bảo quản sau thu hoạch, chế biến, bao tiêu sản phẩm.

Công nghiệp: Tập trung kêu gọi vào khu công nghiệp chế biến khoáng sản, nông sản, thực phẩm, các ngành phụ trợ theo bauxite.

Du lịch: Tập trung vào du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Xã hội hóa: Tập trung vào đào tạo nghề, nhất là lao động có tay nghề cao, y tế chất lượng cao và thể thao.

Cơ sở hạ tầng: Giao thông, hạ tầng đô thị, cụm công nghiệp.

NAM VIÊN

Tin cùng chuyên mục