Đảm bảo an toàn thông tin

Kết quả khảo sát “Nghiên cứu sự hài lòng của người dùng 3G tại Việt Nam năm 2014” vừa được công bố cho thấy hầu hết người dùng được khảo sát cho rằng cước dịch vụ 3G hiện tại là chấp nhận được (60%) và phản ánh đúng chất lượng mà họ nhận được (84%).

Kết quả khảo sát “Nghiên cứu sự hài lòng của người dùng 3G tại Việt Nam năm 2014” vừa được công bố cho thấy hầu hết người dùng được khảo sát cho rằng cước dịch vụ 3G hiện tại là chấp nhận được (60%) và phản ánh đúng chất lượng mà họ nhận được (84%).

Tuy nhiên, khi phải đối mặt với giả định về việc tăng giá cước 3G trong thời gian tới, 8% tuyên bố họ tuyệt đối không chấp nhận. Nếu tăng giá, 82% người dùng cho biết họ chỉ “chịu” được mức tăng 5% hoặc thấp hơn. Với mức tăng từ 5% - 10%, 59% người dùng sẽ chuyển qua gói cước rẻ hơn. Trong trường hợp mức tăng vượt trên 10%, có tới 47% người dùng khẳng định họ sẽ đổi sang nhà cung cấp khác. Điều này, vô hình trung được hiểu 92% số lượng người tham gia khảo sát đồng ý với việc tăng cước 3G!? Câu chuyện này đã trở thành tâm điểm của truyền thông, nhất là của cộng đồng mạng trong những ngày qua. Thậm chí một loạt các báo điện tử, trang mạng đã làm thăm dò bạn đọc và hơn 99% người tham gia khảo sát đã không đồng ý với việc tăng cước 3G. Mặc dù ngay tại buổi công bố kết quả, trước sự chất vấn của phóng viên, đại diện đơn vị khảo sát là Báo Bưu điện Việt Nam và Công ty nghiên cứu thị  trường GFK đã trả lời, nhưng là một kiểu trả lời thiếu thuyết phục. Thậm chí phương pháp khảo sát mà GFK đưa ra, theo nhiều nhà nghiên cứu, cũng là phiến diện và không có tính thuyết phục.

Không rõ cuộc khảo sát vừa công bố do GFK thực hiện lần này có được ai “đặt hàng” không; nhưng chắc chắn một điều, xã hội, cộng đồng có quyền nghi ngờ về các số liệu và cách làm của GFK. Cho dù, ai cũng biết, kết quả khảo sát này chỉ là một kênh thông tin tìm hiểu về thị trường; các con số chỉ đại diện cho một tập khách hàng ở một khu vực nhất định, chứ chưa mang tính phổ quát, đại diện cho số đông ở thị trường Việt Nam hiện nay.

Cũng trong ngày 23-4, đã xảy ra sự cố “rò nguồn” trên hệ thống cáp quang biển quốc tế AAG đoạn từ Vũng Tàu (Việt Nam) đi Hongkong và Singapore, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng trên 300km. Sự cố đã gây ảnh hưởng đến tốc độ đường truyền Internet giữa Việt Nam và quốc tế. Dự kiến mất 10 ngày đến 2 tuần, sự cố này mới có thể khắc phục được. Đây là lần thứ 2 trong năm 2015 tuyến cáp AAG bị đứt. Tại Việt Nam, các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đều sử dụng tuyến cáp quan trọng này để kết nối với quốc tế. Năm 2014, tuyến cáp quang biển AAG bị đứt 3 lần, khiến Internet đi quốc tế tại Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề.

Sự cố đứt cáp quang biển thì khá nhiều nguyên nhân, như: do tàu bè đi lại, thả neo vướng vào cáp, do động đất, sóng thần... Nhưng với tuyến cáp AAG, từ ngày đi vào hoạt động đến nay, tần suất gặp sự cố khá nhiều, mà hầu hết đều không phải nguyên nhân tự nhiên. Chính vì vậy, một số chuyên gia cho rằng, có thể quá trình khảo sát, xây dựng và vận hành AAG chưa thật tốt, nên mới thường xuyên xảy ra sự cố như vậy. Một điều khó hiểu, là trong 5 lần sự cố AAG gần đây, thì 3 lần đều bị ở trên vùng biển Vũng Tàu, nơi có trạm cập bờ của tuyến cáp này vào Việt Nam. Có thể ngẫu nhiên, nhưng ai cũng có thể đặt câu hỏi: vì sao như vậy? Còn nhớ vào năm 2006-2007 tuyến cáp TVH nối liền Thái Lan - Việt Nam - Hongkong liên tục bị sự cố. Sau đó phát hiện là do ngư dân Việt Nam nhầm tưởng cáp quang với cáp đồng nên đã cắt trộm để bán phế liệu. Đỉnh điểm là vụ cắt trộm 11km cáp quang biển tuyến TVH đầu năm 2007 trên vùng biển Cà Mau. Việc đứt cáp TVH vào thời điểm đó đã gây ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến việc truyền dẫn tín hiệu Internet quốc tế với Việt Nam do phải phụ thuộc vào tuyến SMW3 duy nhất còn lại. Với sự cố liên tục trên AAG vừa qua, nhiều người tin rằng có nguyên nhân do con người hơn là nguyên nhân tự nhiên. Đây là điều mà các cơ quan chức năng cần xem xét kỹ.

Internet bây giờ không còn là của riêng ai và mang tính bí mật nữa. Dù là hình thức kết nối như thế nào: 3G qua di động; cáp quang; cáp đồng... thì tất cả đều hướng tới mục tiêu phục vụ cuộc sống, nhu cầu con người. Một sự cố đứt cáp quang biển, hay sập mạng, nghẽn mạng 3G đều ảnh hưởng to lớn tới cuộc sống hiện nay. Ngoài những nhu cầu cá nhân, thì những sự cố như vậy tác động nhiều tới việc đảm bảo an toàn thông tin, cũng như việc tiếp nhận, điều hành, giao dịch của rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam. 4G thì chưa đến Việt Nam và 3G thì vẫn chưa thật sự tốt như mong đợi; thậm chí ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, hơn 50% người dân vẫn chưa dùng 3G. Đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp viễn thông Việt Nam cần nhìn nhận lại những vấn đề này một cách toàn diện, đặc biệt là vấn đề kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế. Trong khi cả thế giới đang cố hạ thấp cước các dịch vụ viễn thông cho mọi người, dù ở điều kiện nào cũng có thể kết nối mạng Internet toàn cầu; thì việc Việt Nam đừng làm ngược lại, vì những lý do, con số thiếu thuyết phục như GFK đưa ra!

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục