Khoảng cách thu nhập giữa nhóm nghèo nhất (nhóm 1) và nhóm giàu nhất (nhóm 5) đang tiếp tục tăng. Tình hình chênh lệch giàu - nghèo ở TPHCM trong lĩnh vực thu nhập, việc làm ngày càng diễn ra gay gắt, mức độ chênh lệch ngày càng lớn.
Diện tích nhà ở bình quân, chất lượng nhà ở có khác biệt lớn giữa nhóm 1 và nhóm 5, cho thấy mức độ thụ hưởng về mặt điều kiện sinh sống của các nhóm dân cư không giống nhau. Phân hóa giàu nghèo cũng thể hiện khá rõ trong việc lựa chọn loại hình giáo dục.
TPHCM đã có nhiều chính sách tác động trực tiếp để giảm chênh lệch giàu - nghèo. Những chính sách này đã đạt nhiều kết quả, chăm lo cuộc sống người nghèo tốt hơn. Tuy vậy, các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi hiện chỉ mới đảm bảo cho cuộc sống của người dân đạt mức cơ bản, tối thiểu, chứ chưa hướng tới mục tiêu mang lại cuộc sống văn minh, hiện đại, chất lượng sống tốt cho rộng rãi các nhóm dân cư. Các nhóm thu nhập cao, các nhóm vị thế nghề nghiệp xã hội cao, các nhóm có trình độ chuyên môn luôn dẫn trước nhóm nghèo, nhóm vị thế xã hội thấp, nhóm trình độ chuyên môn yếu một khoảng cách rất lớn.
Điều này đặt ra suy nghĩ về hướng giải pháp phải khắc phục hố khoảng cách bằng cách tăng tốc làm giàu cho các hộ nghèo, để tốc độ vượt nghèo - làm giàu của nhóm nghèo không quá chậm so với tốc độ làm giàu hơn nữa của nhóm giàu.
Giảm khoảng cách giàu - nghèo là một quá trình và được tiếp cận đa chiều, đa lĩnh vực, nhằm xây dựng và hướng đến sự phát triển một xã hội “công bằng” như đích đến của mọi quốc gia. Cần xác định quá trình giảm khoảng cách giàu - nghèo mang tính chiến lược dài hạn, với các biện pháp đa chiều, bao quát trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, chứ không đơn thuần là giảm khoảng cách trong thu nhập - chi tiêu.
Biện pháp cơ bản giảm chênh lệch giàu - nghèo được cấu thành từ 3 bộ phận: tạo điều kiện cho mọi người có công ăn việc làm, thu nhập khá; hỗ trợ người nghèo bằng các chính sách cụ thể; phát triển mạnh các loại hình dịch vụ cơ bản để mọi người tiếp cận dễ dàng, thuận lợi.
Trong tiếp cận các dịch vụ xã hội, cần nâng cao tỷ lệ thực hiện bảo hiểm y tế tiến đến “y tế toàn dân”, triển khai dịch vụ khám chữa bệnh phải đáp ứng được mục tiêu công bằng của hệ thống y tế. Để đảm bảo công bằng hơn trong giáo dục, TPHCM cần chú trọng nâng cao chất lượng trong giáo dục cho người nghèo và các nhóm yếu thế trong xã hội, xem đây là một trong những trọng tâm của quá trình phát triển và mang tính quyết định đối với công cuộc giảm nghèo. Về an sinh xã hội, TPHCM cần tạo độ “bao phủ” bảo hiểm xã hội nói riêng và an sinh xã hội nói chung nhằm giảm thiểu sự chênh lệch giữa các nhóm dân cư.
Có nâng cao chế độ an sinh xã hội và mạng lưới bảo hiểm xã hội thì mới hình thành được một xã hội công bằng.