Đàm phán hạt nhân Iran vào giai đoạn nước rút

Cuộc đàm phán hạt nhân của Iran kéo dài nhiều tháng qua đang bước vào giai đoạn nước rút khi thời hạn chót nửa đêm 31-3 (giờ GMT) cho một thỏa thuận khung đến gần. Các nhà đàm phán vẫn hy vọng về một hiệp ước nhằm giải quyết căng thẳng trong chương trình hạt nhân của Iran.
Đàm phán hạt nhân Iran vào giai đoạn nước rút

Cuộc đàm phán hạt nhân của Iran kéo dài nhiều tháng qua đang bước vào giai đoạn nước rút khi thời hạn chót nửa đêm 31-3 (giờ GMT) cho một thỏa thuận khung đến gần. Các nhà đàm phán vẫn hy vọng về một hiệp ước nhằm giải quyết căng thẳng trong chương trình hạt nhân của Iran.

Ngoại trưởng 5 thành viên thường trực HĐBA LHQ và Đức họp về thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Tia sáng cuối đường hầm

Sau 18 tháng đàm phán, ngoại trưởng Iran, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Đức hy vọng vào một hiệp ước sẽ giúp chấm dứt bế tắc trong chương trình hạt nhân Iran vốn gây căng thẳng suốt 12 năm qua. Theo Reuters, cho đến ngày cuối cùng 31-3, nhóm các chuyên gia kỹ thuật vẫn đang làm việc ở Lausanne, Thụy Sĩ để trao đổi tài liệu và tìm cách phác thảo về thỏa thuận lịch sử này. Một nhà đàm phán của Iran cho biết, những cuộc họp “marathon” chia làm nhiều nhóm, một số vấn đề bất đồng chưa được các bên giải quyết là những vấn đề quan trọng. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc gặp mới nhất với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif cho biết vẫn còn nhiều việc phải làm. Theo CNN, ông Kerry nói rằng có một ít “tia sáng cuối đường hầm”.

Các ngoại trưởng 4 nước thành viên thường trực HĐBA LHQ và Đức đàm phán với người đồng cấp Iran, trong khi đến ngày 31-3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới tham gia cuộc đàm phán khi Nga thấy vẫn còn cơ hội cho một thỏa thuận.

Dự kiến, thỏa thuận mới giữa Iran và các nước phương Tây yêu cầu Iran giảm làm giàu uranium khoảng từ 40% đến 60% nhiên liệu hạt nhân nước này trong thời hạn 10 năm và sẽ chấp nhận các thanh sát viên hạt nhân kiểm tra thường kỳ. Đổi lại, phương Tây và HĐBA LHQ sẽ nới lỏng lệnh cấm vận Iran.

Sức ép đàm phán

Nếu phương Tây và Iran không đạt được thỏa thuận khung thì các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ sẽ được áp đặt với Iran. Với Iran, nỗ lực của Tổng thống Hassan Rouhani nhằm đưa Iran thoát cấm vận và xích lại gần với phương Tây khi đó sẽ chấm dứt. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Marie Harf kêu gọi người dân Iran ủng hộ Chính phủ vượt qua những rào cản cuối cùng.

Quan chức phương Tây cho biết Tehran gần đây đã từ chối đề nghị trước đó họ từng đồng ý là việc vận chuyển uranium sang Nga làm giàu. Mục tiêu của các cuộc đàm phán là tìm cách để đảm bảo rằng ít nhất 10 năm tới, Iran không có khả năng sản xuất đủ vật liệu phân hạch cho vũ khí nguyên tử. Nếu nhiên liệu của Iran được chuyển đến Nga thì mức độ làm giàu chỉ đủ dùng cho nhà máy điện hạt nhân Bushehr và rất khó để Iran nâng cấp trở thành vũ khí hạt nhân.

Một số nhà ngoại giao phương Tây cho rằng, nếu lần này hai bên không đạt thỏa thuận thì sẽ rất khó khăn cho các cuộc đàm phán về sau. Iran và 6 cường quốc đã hai lần gia hạn thời gian cho một thỏa thuận lâu dài sau khi đạt được một thỏa thuận tạm thời vào tháng 11-2013. Với Quốc hội Mỹ, các nghị sĩ đảng Cộng hòa chiếm đa số tại đây cảnh báo sẽ xem xét áp đặt lệnh trừng phạt mới chống Iran, nếu không có thỏa thuận trong tuần này càng làm cho các nhà đàm phán thêm áp lực. Vì vậy, một nhà ngoại giao phương Tây nói với Reuters rằng, áp lực từ Quốc hội Mỹ, lực lượng cứng rắn ở Iran và tình hình Trung Đông khiến cho thỏa thuận hạt nhân trở nên khó khăn hơn. Tổng thống Mỹ Barack Obama đe dọa sẽ phủ quyết bất kỳ lệnh trừng phạt nào nhắm vào Iran do Quốc hội thông qua.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đã vận động chống lại các cuộc đàm phán, cho rằng thỏa thuận hạt nhân Iran nếu trở thành sự thật sẽ mang lại lợi ích cho Iran. Các nước Ảrập Sunni như Saudi Arabia cũng phản đối Iran sở hữu mọi hình thức hạt nhân mà không có sự giám sát của quốc tế. Tuy nhiên, ngay cả khi đạt được thỏa thuận, các nhà đàm phán Mỹ nói rõ rằng đây chỉ là một bước tạm thời, bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào sẽ đòi hỏi thêm nhiều tháng đàm phán về “các hiệp định kỹ thuật”.

THỤY VŨ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục