Đàn bà nội trợ

Chẳng nói thì ai cũng biết từ Hán Việt “nội trợ” được hiểu như thế nào. Đại khái nó nói về người đàn bà thành phố chuyên lo việc bếp núc gia đình, không có nhiều liên hệ lắm với thế giới bên ngoài. Thế nhưng mỗi thời, mỗi nơi mỗi khác.

Chẳng nói thì ai cũng biết từ Hán Việt “nội trợ” được hiểu như thế nào. Đại khái nó nói về người đàn bà thành phố chuyên lo việc bếp núc gia đình, không có nhiều liên hệ lắm với thế giới bên ngoài. Thế nhưng mỗi thời, mỗi nơi mỗi khác.

Ở miền Bắc thời còn chia cắt hai miền không có đàn bà nông thôn làm nội trợ. Đã ở nông thôn thì buộc phải là nông dân bởi không còn danh hiệu nào thấp hơn thế nữa. Ở thành thị mới chia phụ nữ ra làm hai loại. Cán bộ công nhân viên chức và nội trợ. Đàn bà được khai trong lý lịch cán bộ của đàn ông với chức danh “nội trợ” có nghĩa là ở nhà. Không lĩnh lương. Tiêu chuẩn tem phiếu dân thường. Đó là cách định dạng nhân khẩu có từ thời Pháp thuộc. Vợ công chức dĩ nhiên là nội trợ cũng như đàn bà nông thôn thì hẳn là nông dân.

Đàn bà nội trợ thời chiến tranh bao cấp không còn được cái nhàn tản thư thái khuê các như các mợ thời Pháp thuộc. Họ mới chính là người chèo lái con thuyền gia đình. Lo toan, tính toán mọi bề sao cho cái gia đình ấy cầm cự được hết một tháng lương chồng luôn thiếu trước hụt sau. Phải tổ chức làm kinh tế phụ gia đình để tìm những khoản thu nhập chính. Đan len, dệt áo, quấn thuốc lá, dán túi ni lông, gấp sách… những việc người lớn trẻ con trong nhà đều làm được và thu nhập luôn cao hơn khoản lương công chức của chồng. Làm bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho cả nhà. Làm thợ may phụ trách toàn bộ quần áo lót gia đình. Làm đầu bếp nấu những món ngon cả nhà thích chỉ bằng nguyên liệu thực phẩm rất ít mua bằng tem phiếu. Có những món như tác phẩm “nghệ thuật tối giản” bây giờ. Đập một quả trứng vịt đánh kỹ với nước lã, chờ nồi canh cà chua sôi bùng lên hẵng đổ vào. Trứng “mắc màn” trong nồi canh bảy người ăn. Nhìn đâu cũng trứng nhưng chỉ mất một quả thôi.

Đàn bà nội trợ lúc ấy còn phải đảm đương một nửa công việc của ngành giáo dục. Dạy dỗ con cái học hành, lao động. Đi họp phụ huynh. Sửa soạn, bọc dán lại sách vở của đứa lớn cho đứa bé. Phân công con chị kèm thằng em kém toán. Phạt thằng anh chép bài bằng bút chì vì đánh mất bút mực. Vài năm mới có một lúc cười tươi vào ngày bế giảng năm học. Một trong số những đứa con được nhận phần thưởng cho thành tích học tập xuất sắc.

Chắc sẽ có rất nhiều người đặt câu hỏi, thế đàn ông lúc ấy làm gì? Không thể biết được. Chỉ biết rằng ông ấy không làm nội trợ. Ông ấy mặc quần áo vợ là sẵn đến cơ quan đôi khi chỉ để uống trà đọc báo. Yêu văn học hơn có thể giấu trong cặp đi làm cuốn “Chiến tranh và hòa bình” dày hàng ngàn trang đến cơ quan cho vào ngăn kéo mở ra đọc. Kỹ thuật đọc sách trong ngăn bàn được hoàn thiện đáng kể trong thời kỳ này. Chỉ một khe bàn hẹp mà bao quát nền văn học khắp thế giới. Chiều ở cơ quan về đã có chậu nước vợ hứng sẵn xếp hàng ở cửa buồng tắm công cộng. Tắm rửa ăn uống xong lại chuẩn bị mặc bộ đồ cơ quan đi họp tổ dân phố. Nhìn chung thì đàn ông lúc ấy phụ trách những công việc kiến trúc thượng tầng bao la xã hội có rất ít liên hệ đến cuộc sống gia đình. Họ nhìn đống tem phiếu biết là nó quý nhưng không bao giờ biết ô nào bán cái gì. Thỉnh thoảng “nội trợ” sai đi mua đường phải dặn kỹ cắt ô số mấy. Cũng chỉ sai được ông ấy đi mua những thứ xa xỉ phẩm như đường kính, bóng đèn, sách bút cho trẻ và túi hàng tết mà không thể nhờ mua đậu phụ, nước mắm.

Những gia đình cả hai vợ chồng là viên chức nhà nước đương nhiên bà vợ phải làm thêm việc nội trợ. Việc làm thêm của bà ấy vất vả gấp mấy lần làm công chức. Chỉ hết ngày chứ không bao giờ hết việc. Nhưng những gia đình như thế thường thì ông chồng cán bộ cũng sẵn sàng cắp rổ đi xếp hàng mua thực phẩm. Các ông ấy thường đi xếp hàng rất sớm không phải vì sợ không đến lượt. Chỉ là không muốn danh dự của công chức bị tổn thương.

Nếu cứ xét theo nội dung công việc của một bà nội trợ nơi thị thành thì bây giờ chẳng có ai đáng gọi là “nội trợ”. Những hoa hậu đẹp người đẹp nết tầm quốc tế thỉnh thoảng khoe, em sẽ chiêu đãi mọi người một bữa canh cua rau dút! Thì ai cũng phải hiểu là cô ấy chiêu đãi trên facebook. Món canh cua rau dút không có trong bất kỳ chương trình đào tạo hoa hậu nào. Không thiếu các osin chuyên nghiệp có đủ kỹ năng của một bà nội trợ nhưng chỉ thiếu một yếu tố để không trở thành mà thôi. Họ không phải là bà chủ. Nếu cố gắng phấn đấu để trở thành bà chủ thì lại quên mất kỹ năng nội trợ. Đằng nào cũng thế!!!

ĐỖ PHẤN
 

Tin cùng chuyên mục