Trên dải đất Việt Nam, với 54 dân tộc cùng chung sống bên nhau qua hàng ngàn năm, đã sản sinh một kho tàng âm nhạc truyền thống vô cùng quý báu, trong đó dân ca chiếm một vị trí rất quan trọng. Dân ca Việt Nam rất phong phú, đa dạng, độc đáo về thể loại, cách diễn xướng, hình thức nghệ thuật, sắc thái ngữ điệu…
Có thể nói, kho báu dân ca quả là một nguồn sữa mẹ quý giá cho sự nghiệp sáng tạo âm nhạc nói chung và sáng tác ca khúc nói riêng. Việc xây dựng một nền âm nhạc dân tộc hiện đại không thể không tiếp nối truyền thống đã qua của dân tộc. Đưa cái hay, cái đẹp của dân ca Việt Nam vào âm nhạc, ca khúc hôm nay cần có sự phát triển, sáng tạo, không thể “bê nguyên si”.
Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, thuộc lớp đàn anh tiên phong trong việc sưu tầm, nghiên cứu dân ca và vận dụng vào sáng tác, có nói một câu đáng để cho chúng ta suy ngẫm: “Người nhạc sĩ ngày nay phải như con ong cần cù hút nhụy của hoa thơm dân tộc cổ truyền, để sáng tạo ra một thứ mật ong mới, đậm đặc, vàng óng, thơm lừng…”. Qua ý kiến này, chúng ta cảm nhận rằng ca khúc mang âm hưởng dân ca không thể chỉ là “nhụy hoa” mà phải là “mật ong” qua bàn tay sáng tạo của nhạc sĩ.
Sự phong phú và đa dạng cũng như cái hay và cái đẹp của dân ca Nam bộ là chất liệu nuôi dưỡng sự sáng tạo ca khúc, như những đứa con lớn lên nhờ dòng sữa mẹ, cây cối lớn lên nhờ dòng nhựa sống. Đó cũng là con đường kế thừa vốn cũ dân tộc và sáng tạo cái mới trong âm nhạc. Thời gian qua, nhiều nhạc sĩ đã thành công trong việc sáng tác ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam bộ và những tác phẩm này đã được quần chúng yêu thích đón nhận và lưu truyền rộng rãi.
Có nhạc sĩ lấy cảm hứng từ một điệu dân ca cụ thể, rồi phát triển một cách sáng tạo thành một ca khúc mới hoàn chỉnh. Ta có thể thấy điều này trong một số tác phẩm như Bài ca may áo của Xuân Hồng có âm hình giai điệu được viết theo điệu thức xuân vui tươi, trong sáng, âm hình tiết tấu dựa theo bài vè Bậu lỡ thời mà ông đã được mẹ dạy lúc ấu thơ: “Áo vá vai người ta còn mặc / Bậu lỡ thời như giặc Hà Tiên...”. Từ đó hình thành mấy câu: “Chiến sĩ ta dầm mưa dãi nắng / Mưa rét run người nắng sẫm màu da…”.
Khi tìm mô típ nhạc cho bài Xuân chiến khu, Xuân Hồng chợt nhớ đến bài Bình bán vắn có mấy câu không biết ai đặt lời: “Trăng kìa trăng lú lên / Đôi bạn mình xum xít ngồi chơi…” hay “Liu tồn liu xáng u / Xáng trên đầu ba bữa còn u…”. Nhạc sĩ Xuân Hồng thấy mô típ này vừa vui vừa trong sáng, thích hợp với không khí xuân, thế là ông dựa vào đó viết nên bài Xuân chiến khu sau này trở thành nổi tiếng khắp cả nước: “Mùa xuân về trong chiến khu, tiếng chim rừng vang hót khắp nơi…”.
Khi viết bài Anh Ba Hưng, Trần Kiết Tường đã chịu ảnh hưởng bài dân ca Con chim manh manh: “Con chim manh manh, nó đậu cây chanh …”. Từ đó ông viết: “Có anh Ba Hưng, vốn thiệt nông dân / Đi lính hơn năm trường, vừa mới được huân chương…”. Mặt khác, Trần Kiết Tường đã đưa chất trào lộng của dân ca Nam bộ vào trong bài Anh Ba Hưng.
Cũng có khá nhiều ca khúc tuy không mang một nét nhạc cụ thể của một bài dân ca Nam bộ nào nhưng tác giả đã vận dụng điệu thức, tiết tấu, thủ pháp tiến hành giai điệu, phương pháp chuyển hệ (metabole) để tạo ra những tác phẩm đậm đà màu sắc dân ca Nam bộ được quần chúng hưởng ứng và nhanh chóng lan truyền khắp nơi. Có thể kể các tác phẩm: Trường Sơn đông, Trường Sơn tây (Hoàng Hiệp - Phạm Tiến Duật), Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh (Xuân Hồng), Vàm Cỏ Đông (Trương Quang Lục - Hoài Vũ), Em ở đầu sông, anh cuối sông (Phan Huỳnh Điểu - Hoài Vũ), Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn (Phạm Minh Tuấn)...
Kinh nghiệm của các nhạc sĩ tài hoa cho thấy, khi học tập và vận dụng vốn dân ca cổ truyền để sáng tạo tác phẩm mới, cần nghiên cứu, tìm tòi, thể nghiệm để chắt lọc được chất tinh hoa, loại bỏ nhược điểm, thổi vào đó hơi thở và nhịp sống mới. Từ đó, tạo ra những tác phẩm âm nhạc hiện đại mang đậm bản sắc dân tộc, phục vụ con người mới, xã hội mới hôm nay.
Nhạc sĩ Trương Quang Lục