

Giá cả nhiều mặt hàng tươi sống tăng ít nhất 10%-20%. Ảnh: H.K.
Những ngày gần đây, xách giỏ đi chợ, chúng tôi - những người nội trợ lại thấy đau đầu, chóng mặt, vì tất cả các mặt hàng từ thực phẩm, lương thực đến nông sản đều tăng giá.
Chỉ so với tháng trước, giá cả các loại rau, củ quả, thịt, cá, hải sản, dầu ăn, nước mắm, nước tương… đều tăng thêm ít nhất 2.000 - 5.000 đồng/món. Không thể tin được là đụng tới mặt hàng nào cũng bị người bán “kêu giá”, “làm giá” với đủ lý do. Ngay cả những loại rau củ như bắp cải, cà chua, dưa leo, đậu côve… được coi là mặt hàng bình dân nhất cũng tăng 30% - 50%/kg.
Quả thật, chưa bao giờ người dân lại cảm thấy mệt mỏi, phập phồng lo âu vì vật giá leo thang từng ngày, từng tháng như con ngựa bất kham. Trong cơn lốc tăng giá, bị ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là những người có thu nhập trung bình và thấp, công nhân lao động, sinh viên, người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Với họ, nỗi ám ảnh về giá cả leo thang ngày càng đè nặng hơn, khi mà đồng lương và thu nhập được điều chỉnh không theo kịp tốc độ lạm phát. Thay vì cố gắng nâng cao, cải thiện cuộc sống như kỳ vọng, nhiều gia đình phải tiếp tục chắt bóp, cắt giảm những khoản chi phí tiêu dùng, nhất là cho bữa ăn hàng ngày để khỏi lâm vào cảnh túng thiếu.
Với tình trạng giá cả tăng và không thể kiểm soát nổi như nêu trên, bao giờ người dân chúng tôi cảm thấy hết lo âu, phập phồng? Như thế, những điều mà Chính phủ, các cơ quan chức năng đã từng cam kết cách đây không lâu là sẽ kìm hãm lạm phát và kéo giảm cơn sốt tăng giá xem ra không làm được. Dự báo vào dịp cuối năm và đầu năm mới, giá tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa. Nếu tốc độ tăng giá cao hơn cả tốc độ tăng trưởng kinh tế là điều không thể chấp nhận được. Vậy liệu pháp nào khả thi để giá cả không tăng đến hai chữ số? Mong Chính phủ và các ngành chức năng có giải pháp kịp thời giải mã cơn sốt giá đang bùng phát.
Hoàng Nguyễn (TPHCM)