Nghệ sĩ Kim Quang

Đàn nam trầm dàn nhạc dân tộc

Đàn nam trầm dàn nhạc dân tộc

Nói về nghệ sĩ Kim Quang, ông Nguyễn Hữu Phần - Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen - nhận xét: “Anh là nhạc công chủ chốt của Nhà hát Bông Sen. Anh có khả năng chơi nhiều loại nhạc cụ... Anh còn là nhạc sĩ hòa âm, phối khí và là người chơi tứ đại, nam trầm của nhà hát”.
 

Đàn nam trầm dàn nhạc dân tộc ảnh 1
Với cây đàn nam trầm tự tạo, nghệ sĩ Kim Quang đã thể hiện được những giai điệu hoàn toàn Việt.

 Gọi những gì nghệ sĩ Kim Quang đạt được ngày hôm nay là một cuộc hành trình quả đúng không sai. Xuất phát điểm từ cây đàn cello, kế đó là bass guitar, rồi tứ đại, nam trầm, từ cổ điển đến nhạc nhẹ, anh đi dần về nhạc dân tộc và tìm thấy ở đó một điểm dừng chân cho sự nghiệp nghệ thuật của cuộc đời mình.
 
Nghệ sĩ Kim Quang tốt nghiệp trung cấp âm nhạc đàn cello tại Trường Âm nhạc Việt Nam (Hà Nội) năm 1970, sau đó về công tác tại Đoàn ca múa nhạc Nam Hà. Năm 1976, anh chuyển về Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen và gắn bó cho đến nay. Không dừng lại ở vai trò của một nhạc công chính, chuyên chơi đàn trầm, một người làm công tác hòa âm, phối khí cho các chương trình âm nhạc dân tộc, dường như luôn có điều gì đó thôi thúc người nghệ sĩ này.

Nhất là khi anh cầm trên tay những nhạc cụ vay mượn của phương Tây để biểu diễn những giai điệu của dân tộc mình. Phải chế tạo ra một cây đàn có phím, vừa kéo vừa gẩy, có thanh âm trầm thay thế vị trí của cây đàn bass guitar và cello trong đàn nhạc dân tộc, đó là điều mà anh ấp ủ. Và tháng 10-2004, trước sự chứng kiến của bạn bè, đồng nghiệp, công trình chế tạo đàn nam trầm của nghệ sĩ Kim Quang đã ra đời, chính thức được Hội đồng Khoa học Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường nghiệm thu. Âm sắc cộng hưởng từ cây đàn nam trầm với các loại nhạc cụ dân tộc khác đã tạo nên những giai điệu hoàn toàn Việt…
 
Nam trầm được lấy từ hình tựơng của đàn đáy Việt Nam. Điểm đặc biệt của nó là làm được cả hai nhiệm vụ kéo và gẩy. Ở lần nghiệm thu thứ nhất, âm sắc và độ vang của nam trầm chưa tốt, phần gẩy bị câm. Sau 3 tháng tiếp tục nghiên cứu, tôi đã phát hiện ra, nếu dùng loại gỗ ngô đồng, đục mặt đàn mỏng từ trong ra ngoài theo độ um, đồng thời chống âm tốt sẽ khắc phục được nhược điểm. Đợt nghiệm thu lần 2, đàn nam trầm đã được đánh giá loại giỏi… Không chỉ làm nền trong dàn nhạc, nam trầm còn có khả năng độc tấu, thể hiện những phức điệu của các tác phẩm lớn...
 
Và với bạn bè trong giới, anh không chỉ là người tạo ra âm thanh mà còn là người làm nên “hình ảnh” trong âm nhạc dân tộc…
 
Tôi lớn lên ở Hà Nội nhưng sinh ra tại Sài Gòn. Cha mẹ sinh tôi ra trong một chuyến đi chơi dài ngày vào vùng đất phương Nam. Có vẻ như sự trở về với nơi “chôn nhau cắt rốn” giống như một định mệnh đã được an bài. Tôi cảm ơn Hà Nội, mảnh đất đã cho tôi tâm hồn nhạy cảm, giúp tâm hồn tôi thấm đẫm những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tôi yêu thơ Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, tôi thích thú với những làn điệu ca trù, say mê vẻ hồn hậu của tranh Đông Hồ… Có lẽ những điều đó đã tạo nên “hình ảnh” trong các chương trình âm nhạc do tôi thực hiện. Tôi quan niệm: một trong những con đường để đưa âm nhạc đến với người nghe đó là đặt nó vào đúng bối cảnh. Hãy mang lên sân khấu những gì đã tạo nên các làn điệu quen thuộc, nó sẽ có một tác động sâu sắc đến tâm hồn người nghe…
 
Dấu ấn về “hình ảnh” mà nghệ sĩ Kim Quang tạo ra được khán giả cảm nhận sâu sắc trong các chương trình “Hương sắc ba miền”, “Những giai điệu ASEAN”, “Tranh tứ bình”, “Hội ngộ Sài Gòn”, “Bức tranh quê hương”… Một số chương trình thực hiện cho các đài truyền hình, đã được thành phố chọn để phục vụ mỗi khi có những đoàn khách quốc tế ghé thăm Việt Nam.
 
Năm 2005, tổng hợp tất cả những thành tích mà người nghệ sĩ này đạt được, Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen đã làm đơn gửi Hội đồng xét duyệt phong tặng Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân thuộc Sở VH-TT TPHCM đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cho nghệ sĩ Kim Quang, thế nhưng trong danh sách lần này lại không có tên anh (?)…  

HÀ GIANG

 Từng biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới như: Ấn Độ, Lào, Thái Lan, Myanmar, Nhật Bản, Liên Xô… Tham gia Liên hoan Âm nhạc Fetedela Musique do Ủy ban Nghệ thuật và Nhân văn của chính quyền thủ đô Washington (Mỹ) tổ chức và được Bộ Văn hóa - Thông tin, Sở VH-TT TPHCM khen thưởng; tham gia Ngày Văn hóa Việt Nam tại Stockhom (Thụy Điển) bằng cây đàn nam trầm. Nhiều tác phẩm do Kim Quang dàn dựng, phối khí, tham gia các hội diễn chuyên nghiệp đạt được huy chương vàng.

Tin cùng chuyên mục