Đăng ký dự thi đại học, cao đẳng 2009: Thí sinh biết lượng sức hơn

  • Số hồ sơ đăng ký thi ngành sư phạm giảm

Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, tổng số hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) toàn quốc năm 2009 là 2.125.975, giảm 3% so với năm 2008. Trong đó, ĐH là 1.565.286 (73,5%); CĐ là 560.689 (26,5%). Sau 7 năm thực hiện “3 chung”, đây là năm đầu tiên hồ sơ đăng ký biến động theo hướng giảm (những năm trước, năm nào cũng tăng 7%-8%). Ngoài việc giảm số lượng hồ sơ, xu hướng chọn ngành của thí sinh năm nay cũng đã theo hướng “biết lượng sức” mình, biết cân nhắc trong việc chọn trường. Và đó là điều đáng mừng.

Khối ngành kinh tế - quản trị kinh doanh “hot” nhất

Cũng qua phân tích, Bộ GD-ĐT cho biết, khối ngành kinh tế - quản trị kinh doanh “hot” nhất với số thí sinh ĐKDT đứng đầu, 814.072 hồ sơ (38%). Trong khối ngành này, tài chính - ngân hàng vẫn là sự ưu tiên hàng đầu của thí sinh với 214.566 hồ sơ. Điều này được nhiều chuyên gia ngành ngân hàng lý giải là do thí sinh nắm biết được nhu cầu nhân lực trong ngành này. Hiện nay rất nhiều ngân hàng, nhất là ngân hàng tư nhân vẫn thiếu nhân sự, nhất là trình độ đại học.

Tiếp đến, ngành kế toán có 18.367 dự thi, điều này minh chứng tâm lý “học xong phải có việc làm” của người dân hiện nay. Tương tự, ngành kinh tế và quản trị kinh doanh cũng hút thí sinh (số hồ sơ dự thi lần lượt 127.431 và 253.708).

Vẫn theo thống kê của Vụ Giáo dục đại học, mùa tuyển sinh năm nay, đứng thứ 2 là khối ngành kỹ thuật - công nghệ với 687.162 hồ sơ (32%). Đây là sự dịch chuyển rõ nét trong một số năm gần đây.

Nếu trước kia nhiều học sinh, nhất là học sinh ở nông thôn vẫn có xu hướng chọn các ngành xã hội, sư phạm thì nhiều năm lại đây, do khó khăn trong vấn đề xin việc làm, nhiều người hướng con em mình sang khối ngành kỹ thuật, công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay, đồng thời có thể dễ đạt mức lương hấp dẫn.

Các ưu tiên tiếp theo của thí sinh là khối ngành nông - lâm - ngư nghiệp với 106.631 hồ sơ (5%); nhóm ngành công nghệ thông tin với 107.908 hồ sơ (5%); các nhóm ngành khác là 410.202 (20%).

Với hơn 100.000 hồ sơ thi vào khối ngành nông - lâm - ngư nghiệp, nhận định của một số chuyên gia tuyển sinh cho thấy, một trong những lý do mấy năm gần đây thí sinh chọn thi khối ngành này vì điểm đầu vào thường bằng hoặc chỉ nhỉnh hơn điểm sàn quy định của Bộ GD-ĐT chút ít. Mặt khác cơ hội tìm việc làm lại không quá khó khăn.

Năm nay, một số trường sư phạm có tỷ lệ “chọi” đỡ căng thẳng hơn những năm trước. Ông Nguyễn Hắc Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, số hồ sơ đăng ký dự thi vào trường năm nay là 21.000, giảm 2.600 hồ sơ so với mùa tuyển sinh năm 2008. Chỉ tiêu tuyển mới của trường năm nay là 2.500, tỷ lệ “chọi” trung bình là 1/8,4.

Nhiều ý kiến cho rằng, từ nay đến khi các em chính thức bước vào kỳ thi ĐH-CĐ, số thí sinh quyết định không thi sư phạm có thể tăng lên. Vì hiện tại, chủ trương thay đổi chính sách miễn học phí đối với SV sư phạm bằng chính sách tín dụng SV đang có tác động đến nhiều trường. Theo đó, thay vì miễn học phí cho sinh viên sư phạm như hiện nay, Nhà nước quy định sẽ cho sinh viên sư phạm vay tín dụng để học tập, khi ra trường nếu đi dạy học ít nhất 5 năm (đối với ĐH, CĐ) và 3 năm (đối với TCCN) thì Nhà nước sẽ xóa nợ cả gốc và lãi phần chi trả cho học phí.

Đó là chưa kể, việc học sư phạm ra trường khó xin việc cũng là nguyên nhân khiến số thí sinh dự thi có xu hướng ngày càng giảm.

Không nên quá lệ thuộc vào tỷ lệ “chọi”

Điều đáng mừng nữa trong kỳ thi tuyển sinh năm nay là trung bình mỗi thí sinh chỉ nộp khoảng 2 bộ hồ sơ, giảm so với năm 2008. Điều đó giúp các trường phần nào tránh được nỗi lo “hồ sơ ảo”, lãng phí trong tổ chức thi cử.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Ngô Kim Khôi khi trao đổi với báo chí đã cho rằng, điều đó cho thấy các em học sinh đã có sự cân nhắc rõ ràng khi làm hồ sơ thi. Thay vì gửi càng nhiều hồ sơ càng tốt và quyết định thi trường nào sau khi biết tỷ lệ “chọi” thì các em đã có ý thức gửi hồ sơ đăng ký theo năng lực của mình.

Ngoài ra, ở cả 3 khu vực Bắc, Trung, Nam xu hướng chung là thí sinh chọn thi các trường gần nhà, các trường nằm trong tốp giữa, có điểm chuẩn không quá cao.

Hiện nay, sau khi tổng hợp xong số liệu hồ sơ đăng ký dự thi, các trường đã chính thức công bố tỷ lệ “chọi”.

Trong số gần 80 trường công bố tỷ lệ “chọi” - trường dự kiến cao nhất là CĐ Kinh tế đối ngoại với 1/21,66. Kế đến là Trường ĐH Dược TPHCM trên 1/18; ĐH Sài Gòn gần 1/17…

Từ trước đến nay, rất nhiều thí sinh có tâm ý căn cứ vào tỷ lệ này để đưa ra quyết định chọn trường dự thi chính thức. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, TS Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) cho rằng, thí sinh không nên căn cứ vào đó để đưa ra quyết định.

Vì thực tế, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi không thể hiện đúng tỷ lệ “chọi”, mà tỷ lệ “chọi” thực tế phải dựa trên số lượng thí sinh đến dự thi.

Trong khi đó, tỷ lệ dự thi bình quân của các trường những năm gần đây chỉ khoảng 70%-75%, trong đó có những trường chỉ ở mức 50% số thí sinh đến dự thi so với số hồ sơ đăng ký dự thi.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục