Đánh đu với tinh

Hỏi:
Đánh đu với tinh

Hỏi: Xin giải thích ý nghĩa của thành ngữ “đánh đu với tinh”.
Bà Thanh Tâm (TP Hồ Chí Minh)

Đánh đu với tinh ảnh 1

Tinh tinh

PGS.TS Lê Trung Hoa: Trong Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Nxb Văn hóa, 1989), GS Nguyễn Lân giải thích câu trên như sau: “Tinh là con yêu, theo mê tín, thường gây tác hại cho người khác. Chỉ người đua đòi bắt chước những kẻ xấu”.

Nguyễn Lực và Lương Văn Đang, trong Thành ngữ tiếng Việt (Nxb KHXH, 1978) cũng hiểu tương tự: “Hành động dại dột, nguy hiểm vì quan hệ với người tinh quái, xảo quyệt sẽ mắc bẫy, sa ngã lúc nào không biết”.
Từ điển tiếng Việt (2000) do Hoàng Phê chủ biên cũng giải thích: “Ví hành động dại dột, chơi bời với hạng người tinh ma quỉ quái”. Trong ba tác phẩm trên, riêng GS Nguyễn Lân hiểu tinh là “con yêu tinh”. Còn các tác giả sau không nói rõ nhưng đều có nhắc đến “tinh quái”, “tinh ma”.

Theo ý kiến cá nhân, nếu hiểu theo nghĩa bóng của “tinh quái, tinh ma” thì đúng. Còn hiểu tinh là “con yêu tinh”, chúng tôi e không chính xác. Chúng tôi hiểu tinh (gốc) theo một nghĩa khác. Xin trình bày để bạn đọc tham khảo.

Trong Từ điển tiếng Việt, có một từ tinh do nói tắt từ tổ hắc tinh tinh, có nghĩa là “khỉ lớn có hình dạng giống như người; sống thành từng đàn nhỏ ở trong rừng châu Phi, dễ thuần hóa”.

Cách hiểu của chúng tôi có mấy căn cứ:
– Câu trên có từ tổ đánh đu, dùng để chỉ hoạt động khéo léo và thường xuyên của con vật này.
– Hành động đánh đu như vậy quá dễ dàng đối với loài khỉ, còn đối với con người là hết sức nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong.
– Vì vậy, nếu có người nào thi đua đánh đu với hắc tinh tinh thì đó là một hành động dại dột.

Tin cùng chuyên mục