Đánh giá hiệu quả và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Tây Nguyên

Ngày 7-10, tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã phối hợp với UBND các tỉnh Tây Nguyên tổ chức Hội nghị đánh giá hiệu quả và xác định nhu cầu xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Tây Nguyên.
Đánh giá hiệu quả và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Tây Nguyên

(SGGPO).- Ngày 7-10, tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã phối hợp với UBND các tỉnh Tây Nguyên tổ chức Hội nghị đánh giá hiệu quả và xác định nhu cầu xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Tây Nguyên.

Quang cảnh buổi hội thảo đánh giá hiệu quả và xác định nhu cầu xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Tây Nguyên

Quang cảnh buổi hội thảo đánh giá hiệu quả và xác định nhu cầu xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Tây Nguyên

Từ năm 2009 đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã tích cực, chủ động trong công tác kêu gọi, xúc tiến đầu tư, nên tình hình đầu tư vào khu vực có những chuyển biến tích cực, hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, quản lý dự án đầu tư được nâng lên một bước.

Tuy nhiên, so với cả nước, tình hình thu hút các nguồn vốn đầu tư phục vụ công cuộc phát triển kinh tế xã hội của Tây Nguyên còn hạn chế. Tính đến tháng 6-2011, toàn vùng thu hút được 146 dự án FDI, chiếm 1,1% so với cả nước; tổng vốn đăng ký 804 triệu USD, chiếm 0,4% so với cả nước. Trong đó, vốn triển khai dự án là 260 triệu USD, chiếm 32% tổng vốn đăng ký.

Trong giai đoạn 2009-2011, các tỉnh Tây Nguyên chỉ mới thu hút được 36 dự án đăng ký đầu tư với số vốn trên 18.500 tỷ đồng và 20 dự án cam kết đầu tư với số vốn 17.000 tỷ đồng. Cơ cấu thu hút đầu tư nội vùng cũng chênh lệch quá lớn, Lâm Đồng chiếm tới 83% nguồn vốn đầu tư so với 17% của 4 tỉnh còn lại.

Thực trạng thu hút các nguồn vốn đầu tư nêu trên chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của Tây Nguyên.

Để công tác thu hút đầu tư vào Tây Nguyên trong thời gian tới đạt kết quả tốt hơn nữa, Hội nghị đã đưa ra một số định hướng và giải pháp cần phải tập trung giải quyết, đó là: Tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nâng cấp các tuyến Quốc lộ quan trọng nối Tây Nguyên với các vùng kinh tế trọng điểm và các cảng biển, nối Tây Nguyên với các quốc gia trong khu vực “Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia”; tăng cường liên kết nội vùng trong công tác quy hoạch thu hút đầu tư, gắn việc xúc tiến thu hút đầu tư vào Tây Nguyên với các khu kinh tế trọng điểm miền Trung, khu kinh tế trọng điểm miền Đông Nam bộ… Tăng cường xúc tiến thu hút đầu tư vào một số ngành mũi nhọn như chế biến nông lâm sản, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng, khai khoáng… Chú trọng đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp vừa và nhỏ để thu hút đầu tư vào các ngành nghề là tiềm năng, thế mạnh của Tây Nguyên. Đồng thời cần chú trọng đầu tư phát triển các khu kinh tế cửa khẩu như Bờ Y, Lệ Thanh, Bu P’răng, Đăk Per…. Chú trọng thu hút đầu tư vào phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa, lịch sử, cảnh quan sinh thái, nghỉ dưỡng để tận dụng lợi thế là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, văn hóa truyền thống, cảnh quan của núi rừng, sông suối, thác, hồ…; đặc biệt là Không gian văn hóa cồng chiêng đã dược UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tập trung mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, trước mắt là đáp ứng nhân lực cho các khu, cụm công nghiệp, các ngành kinh tế trọng điểm. Cần tăng cường đầu tư từ ngân sách Nhà nước để xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực toàn vùng.

Tin, ảnh: Huệ Sơn

Tin cùng chuyên mục