Trong các ngày nghỉ lễ vừa qua, theo Bộ Y tế, báo cáo từ các địa phương cho biết có khoảng 300 trường hợp phải nhập viện vì nguyên nhân đánh nhau.
Còn theo số liệu từ Công an TPHCM, trong thời gian trên có 6 vụ cố ý gây thương tích xuất phát từ nguyên nhân mâu thuẫn. Thực tế, không cứ gì ngày lễ, ngày nghỉ… mà ngày nào cũng có đánh nhau với đủ nguyên nhân. Thực trạng này đang cần các cơ quan chức năng có giải pháp điều chỉnh…
Chỉ cần một va chạm nhỏ trong giao thông cũng dễ dẫn đến đánh nhau
Từ va chạm giao thông
Cứ vào giờ cao điểm sáng hoặc chiều, nhiều tuyến đường lại xảy ra tình trạng ùn ứ. Xe gắn máy tranh nhau chạy lên lề lấn chiếm lối đi dành cho người đi bộ; xe buýt, xe ô tô lấn qua phần đường dành cho xe gắn máy. Tiếng còi xe ầm ĩ, khói bụi mịt mù, xung đột giao thông diễn ra liên tục và va quẹt là điều không tránh khỏi. Cô Vương Thùy Linh, 34 tuổi, nhà ở phường 5, quận Gò Vấp, cho biết: “Chỉ có ngày lễ, ngày nghỉ mới đỡ ùn tắc, còn các ngày khác thì tình trạng này diễn ra phổ biến. Tôi làm việc ở quận 1 và luôn bị kẹt xe vào giờ cao điểm. Ùn tắc thì từ từ di chuyển. Nhưng, nhiều người không nghĩ như vậy. Họ cứ luồn lách, nhất là các tài xế taxi, bất chấp luật lệ giao thông”. Thế nên mới có chuyện taxi va quẹt với xe gắn máy, ô tô như cơm bữa trên đường. Và nhiều người nóng tính đã xử lý bằng cách… xông vào đánh nhau, khiến ùn tắc trở nên nghiêm trọng…
Theo ghi nhận, cũng không hẳn vào giờ cao điểm mới xảy ra va quẹt. Bất cứ thời điểm nào cũng có người thiếu ý thức điều khiển xe vào đường cấm, lưu thông ngược chiều. Ông Lê Ngọc Sinh, 43 tuổi, nhà ở đường Nguyễn Trãi, quận 5, cho biết: “Bây giờ không có “xe công nông” thay vào đó là mấy “xe mù” đi giao gas, giao nước uống, nước đá… Đi cùng chiều mình đã sợ va quẹt, nếu họ chạy ngược chiều mình càng phải né xa!”. Tuy lo xa là thế, nhưng cách đây không lâu, ông Sinh đã bị người đi xe giao nước đá chạy ngược chiều tông phải. Tính ra có bán cả cái xe gắn máy “3 không” (không đèn, không kèn, không biển số…) cũng không đền được cái bửng trước xe SH của ông. Đã vậy, “xe mù” giao nước đá còn cự cãi, nếu không có người đi đường can ngăn, chắc chắn ẩu đã sẽ xảy ra!
Đến nhậu say, nhìn đểu
Nhiều người cho rằng, dịp nghỉ lễ hay cuối tuần mọi người thường tổ chức họp mặt với chút bia rượu. Giờ thì không hẳn vậy. Được thưởng, mua xe mới, sắm laptop… thậm chí chỉ là… đổi bằng lái xe cũng phải đãi đằng, ăn nhậu và hễ có nhậu vào thì có ít nhiều lời qua tiếng lại, nghiêm trọng hơn là va chạm. Chú Nguyễn Văn Tâm, 52 tuổi, nhà ở quận Bình Thạnh, kể: “Cách đây không lâu, tôi cùng bạn bè nhậu ở một quán dọc bờ kênh Nhiêu Lộc. Có ông khách mới từ nhà vệ sinh bước ra, đi qua vài dãy bàn thì có mấy người nhậu gần đó kêu ông… bỏ đá, lấy thêm bia lại còn phàn nàn với lời lẽ xấc xược. Y như rằng, sau đó hai bên đánh nhau ì xèo!”. Chuyện đánh nhau vì rượu bia nhiều vô kể và lúc nào cũng chực chờ xảy ra. Chỉ cần thực khách nào đó liếc nhìn, hất mặt… cũng khiến cho máu “nhậu” nổi lên. Nếu cả hai bên không biết kềm chế thì hậu quả khôn lường.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Trung tâm Cai nghiện ma túy Thanh Đa, cho biết: “Uống rượu bia hay hút ma túy đều tạo ảo giác. Tùy theo thể trạng của từng người, khi uống một lượng ít thì bia rượu sẽ kích thích hệ thần kinh khiến họ sảng khoái, hưng phấn, nói năng hoạt bát. Nhưng nếu quá lạm dụng thì họ không thể nào làm chủ được hành vi cũng như lời nói của mình. Đấy chính là nguyên nhân dẫn đến xung đột, nếu bản thân không tự kềm chế hay không ai can ngăn!”.
Hơn lúc nào hết các loại va chạm, mâu thuẫn xã hội, bộc phát cần được ngăn chặn và giải quyết căn cơ. Ngoài ý thức của người dân thì cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuần tra, có mặt kịp thời để vận động, thuyết phục cũng như xử lý thích đáng với các sai phạm cơ bản.
ĐOÀN HIỆP