Đánh thức tiềm năng nông sản

Với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA), nông sản được đánh giá có nhiều lợi thế hơn so với các sản phẩm nông nghiệp, nhờ thuận lợi trong sản xuất trên “bờ”, dễ dàng tăng sản lượng. Tuy nhiên, nông sản xuất khẩu vào thị trường EU chiếm tỷ lệ rất thấp do chưa đạt chất lượng, thiếu vùng nguyên liệu, chi phí vận chuyển cao, công nghệ bảo quản và công nghệ sau thu hoạch còn kém.
Nông sản cần nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường EU
Nông sản cần nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường EU

Dân số tăng, sản xuất giảm

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), với dân số 500 triệu người, EU là thị trường rau quả rất lớn của thế giới, chiếm gần 15% tổng giá trị nhập khẩu toàn cầu. EU là thị trường quan trọng với nông nghiệp Việt Nam, nhập khẩu đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Mỹ, chiếm hơn 11% thị phần trong tổng xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam năm 2019. Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, tổng giá trị nhập khẩu trái cây của EU tăng nhanh. Phân tích về thị trường EU tăng sản lượng nhập khẩu, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Vinafruit, chia sẻ, hiện nay các nước EU không thể tăng diện tích sản xuất nông sản, ngược lại dân số tăng nhanh. Song song đó, nông dân tại các nước EU đang tập trung phát triển giống tăng năng suất, chất lượng mà không tăng sản lượng. Một lý do nữa là EU không thể sản xuất được trái cây nhiệt đới nên tăng nhập khẩu mặt hàng này.

Tuy nhiên, rau quả, trái cây Việt Nam xuất khẩu sang EU chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số giá trị xuất khẩu mặt hàng này. Theo số liệu của năm 2019, rau quả, trái cây Việt Nam xuất khẩu đạt 3,7 tỷ USD, nhưng sang EU chỉ hơn 110 triệu USD, chưa đến 10%. Nguyên nhân là rau quả, trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang EU bị đánh thuế 15%-20%; thậm chí mức thuế này được áp dụng luôn cước vận chuyển, đã thành rào cản cho doanh nghiệp bứt phá. Cùng với đó, ngành rau quả Việt Nam chỉ có khoảng 150 cơ sở chế biến, với quy mô công nghệ chỉ đạt mức trung bình thế giới.

Tuy Việt Nam đã có một số tập đoàn đầu tư nhà máy chế biến với công suất hơn 150.000 tấn/năm nhưng sản phẩm chưa đa đạng, tiện lợi như nhiều nước khác. Đơn cử, quả chuối được Hàn Quốc chế biến sâu ra 15 sản phẩm khác nhau, dừa Thái Lan được chế biến nút bật khui có thể uống ngay tại chỗ… Ở chiều nhập khẩu, ông Đặng Phúc Nguyên bày tỏ, sản phẩm vào EU đòi hỏi chất lượng cao, thậm chí cao hơn thị trường Mỹ. Do đó, nông sản Việt Nam đã không đáp ứng được chất lượng mà giá thành cao do sản xuất nhỏ lẻ, thiếu vốn thu mua. Bên cạnh đó, nhiều nước nhập khẩu vào EU cũng tăng diện tích, quy mô sản xuất trái cây nhiệt đới như Peru, Nam Phi, Ai Cập, Ấn Độ, Mexico… 

Yếu logistics, thiếu công nghệ

Chuyên xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường EU, ông Nguyễn Ngọc Trung Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Prosonan Fruit, chia sẻ, các doanh nghiệp nhập khẩu được hưởng lợi thế ngay khi hiệp định EVFTA được thực thi; còn các nhà xuất khẩu cũng hưởng lợi, nhưng có độ trễ. Trước kia, rau quả, trái cây vào EU rất khó nhưng nhờ EVFTA, mặt hàng này có thể cạnh tranh được với các nước có sản phẩm nhiệt đới như Thái Lan, một số nước Nam Mỹ. Mặt khác, xuất khẩu trái cây tươi phải vận chuyển bằng đường hàng không để sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng đạt chất lượng tốt nhất. Tuy nhiên, giá vận chuyển máy bay vẫn còn quá cao so với các nước khác trong khu vực nên không thể cạnh tranh được. Điển hình, Thái Lan được chính phủ nước này hỗ trợ chi phí vận chuyển trái cây, rau quả bằng đường hàng không.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa có lợi thế từ EVFTA, nhưng doanh nghiệp chế biến từ các nước khác đã tận dụng EVFTA để mua nguyên liệu thô từ Việt Nam về sản xuất, sẽ được hưởng thuế suất bằng 0%. Tương tự, đây cũng là cơ hội để nhiều doanh nghiệp FDI sẽ vào Việt Nam đầu tư nhà máy chế biến hoặc “bắt tay” với doanh nghiệp Việt Nam.
(Ông ĐỖ HÀ NAM-Phó Chủ tịch Hiệp hội Tiêu Việt Nam)
Về phía mặt hàng lúa gạo, để có thể xuất khẩu hết hạn ngạch, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, đề nghị các cơ quan quản lý Việt Nam cần làm việc với EU để có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp xuất khẩu. Để thuận tiện hơn cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý Việt Nam cần đề nghị xin phụ trách vấn đề kiểm soát chất lượng nhằm dễ dàng hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.

Để đầu xuôi đuôi lọt

Vùng nguyên liệu còn manh mún sẽ không thể xuất khẩu vào EU. Ông Đặng Phúc Nguyên xác định, nông sản xuất khẩu vào EU không “xuất phát” từ hộ nông dân sản xuất riêng lẻ, mà nông dân bắt buộc hợp tác lớn, sản xuất lớn, công nghệ cao. Việc cần làm ngay bây giờ, nông dân phải liên kết tạo cánh đồng mẫu lớn, để thuận lợi sản xuất theo tiêu chuẩn cao, cũng như thay đổi tư duy sản xuất, đáp ứng nhiều thị trường khó tính. Mặt khác, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ liên kết với HTX thực hiện chuyển đổi tư duy trồng trọt sản xuất rau quả an toàn theo hướng GAP đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu và chế biến. Từ đó, các HTX sẽ thuận lợi khi tiếp cận vốn vay qua các hình thức vay tín chấp, để đầu tư máy móc, thực hiện toàn diện cơ giới hóa trong sản xuất. Đây là hình thức HTX “tiến lên” làm kinh tế, kinh doanh đa ngành nghề, đa chức năng, không chỉ tập trung duy nhất cho sản xuất rồi sản phẩm đầu ra không phù hợp thị trường và cũng không biết tiêu thụ ở đâu.

Đối với công nghệ chế biến sau thu hoạch, không thể có liền mà cần lộ trình để phát triển. Theo Vinafruit, ngành nông nghiệp vẫn chưa thu hút được lao động do thu nhập thấp, không có công việc ngay sau khi ra trường. Bên cạnh nông dân sản xuất đảm bảo an toàn, nhà nước có vai trò chính, kiên định thực hiện chính sách vì lợi ích lâu dài cho nền kinh tế, như khuyến khích xây kho, xây nhà máy chế biến công nghệ cao, có dự án đối với nghiên cứu công nghệ bảo quản sau thu hoạch, hỗ trợ chi phí vận chuyển… Với tình hình thời tiết cực đoan, nhà nước cần quy hoạch lại vùng sản xuất, ưu tiên sản phẩm đạt giá trị cao. Về phía các công ty xuất khẩu Việt Nam cần có kế hoạch nghiên cứu, tiếp cận doanh nghiệp nhập khẩu, hệ thống phân phối… để “đầu xuôi, đuôi lọt” như Hà Lan - được xem “cửa khẩu” xuất khẩu trái cây vào thị trường EU, chiếm hơn 20% rau quả vào thị trường này. Ngoài ra, còn có Bỉ, Tây Ban Nha…, những nước nhập khẩu rau quả nhiệt đới và tái xuất sang thị trường EU. 

Theo Bộ NN-PTNT, xuất khẩu nông sản chiếm tỷ trọng mức rất nhỏ, khi hiệp định EVFTA thực thi, thị trường EU có dư địa tăng trưởng rất lớn đối với nông sản Việt Nam. Vừa qua, nhà nước đã có chỉ thị tháo gỡ những khó khăn của ngành công nghiệp chế biến nông sản, giúp sản phẩm bảo quản được lâu hơn, có thêm nhiều sản phẩm đa dạng hơn, khai thác được nhiều giá trị hơn. Đặc biệt, với Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA, Việt Nam sẽ vừa có cơ hội thu hút mạnh các nhà đầu tư chế biến sâu rau quả đến từ châu Âu, để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

Theo Bộ NN-PTNT, cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng ngàn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm, phục vụ chủ yếu là xuất khẩu. Tuy nhiên, với số lượng kho lạnh hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản phục vụ nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu. Điển hình, ĐBSCL là vựa sản xuất nông sản, nhưng hệ thống kho lạnh không đáp ứng đủ nhu cầu bảo quản.

Tin cùng chuyên mục