Cứ mỗi mùa xuân đến, người dân Lộc Ninh lại bồi hồi xúc động xen lẫn tự hào khi nhắc lại thời điểm lịch sử ngày 7-4-1972 - ngày giải phóng Lộc Ninh (là huyện đầu tiên ở miền Nam được giải phóng).
Từ đó, Lộc Ninh là nơi tập trung các cơ quan chính trị, quân sự, hậu cần của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, gắn với di tích Nhà giao tế (là nơi Chính phủ lâm thời làm việc, giao tiếp khách quốc tế).
Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1911, là văn phòng làm việc của Công ty cao su Xét - Xô của Pháp, để quản lý việc khai thác mủ cao su ở Lộc Ninh. Nhà được xây dựng mô phỏng theo kiến trúc nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số, cho nên người dân trong vùng vẫn quen gọi là Nhà “cao cẳng”. Sự kiện giải phóng Lộc Ninh cũng dẫn đến sự ra đời của một di tích lịch sử khác là căn cứ Tà Thiết (xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh), được xây dựng vào năm 1973 để đưa Bộ chỉ huy Quân giải phóng (Quân ủy miền và Bộ Tư lệnh miền) từ chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh) về đây nhằm chỉ đạo sâu sát cuộc kháng chiến. Khu căn cứ Tà Thiết đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt; trong năm 2017 được khánh thành giai đoạn 1 với ngân sách nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng tôn tạo cảnh quan, xây dựng các nhà nghỉ chân, nhà tưởng niệm… để trở thành một điểm đến của cựu chiến binh và du khách gần xa.
Rời Lộc Ninh, du khách sẽ đến với Tượng đài chiến thắng Phước Long - gắn với sự kiện lịch sử ngày 6-1-1975, là ngày giải phóng thị xã tỉnh lỵ Phước Long và cũng là tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng. Chiến thắng đó đã giáng một đòn chí mạng về tinh thần cho quân đội Sài Gòn. Và nhờ có chiến thắng này, quân giải phóng đã bước đầu đánh giá được thực lực đối phương trước khi tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975; giữ vững bàn đạp cho các binh đoàn chủ lực của quân giải phóng tiến về giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, đưa đến chiến thắng lịch sử ngày 30-4-1075, mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập và thống nhất cả nước.
Du khách còn có thể nối tuyến đến thăm khu căn cứ Trung ương Cục ở huyện Tân Biên - một di tích quốc gia đặc biệt cách TP Tây Ninh khoảng 40km về phía Tây. Nơi đây, du khách có một tour du lịch khám phá di tích lịch sử - truyền thống thú vị. Hiện hạ tầng giao thông như quốc lộ 14 và các đường tỉnh lộ, quốc lộ 13 (đoạn qua Bình Phước) đã được đầu tư nâng cấp để kết nối địa danh Phước Long với Tà Thiết (Lộc Ninh) một cách dễ dàng. Cùng với việc thăm lại các địa danh lịch sử như sóc Bom Bo, Phước Long, Tà Thiết, Tân Biên, du khách sẽ có dịp khám phá thêm những cánh rừng nguyên sinh ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát; tìm hiểu những cây cổ thụ - nhiều cây được công nhận là cây di sản hàng trăm năm tuổi và hệ động vật phong phú với nhiều loài chim rừng, cá sông…
Tăng cường đầu tư, quảng bá sản phẩm du lịch
Nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam với TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, trong đó có du lịch, các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ đã đặt ra vấn đề hợp tác kinh tế - xã hội, kết nối DL giữa TPHCM với các tỉnh trong vùng. Thế nhưng, xem ra khâu liên kết còn khá rời rạc.
Theo ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Tây Ninh, nguyên nhân là do sản phẩm du lịch còn hạn chế và giao thông chưa thông thoáng. Ông Nam cho biết: “Việc liên kết từ Củ Chi - nối tour tham quan địa đạo có đặt ra nhưng chưa triển khai được do sản phẩm DL rất hạn chế, không đủ để giữ chân du khách. Thêm vào đó, việc di chuyển giữa TPHCM lên Tây Ninh phải mất 3 tiếng đồng hồ, bất lợi cho du khách, nhất là khách quốc tế, nên các công ty lữ hành cũng đến khảo sát nhưng chưa đặt vấn đề tour tuyến cụ thể”.
Nhận thức được sự hạn chế về mặt sản phẩm, hạ tầng DL nên thời gian gần đây Tây Ninh đã rất tích cực thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực DL; trong năm 2018 tỉnh đã có 1 khách sạn 3 sao đầu tiên (được Tổng cục du lịch công nhận) đi vào hoạt động là Sunrise, 2 khách sạn tương đương chuẩn 3 sao và sắp tới sẽ có khách sạn 5 sao do Tập đoàn Vingroup đầu tư. Tỉnh đã quyết định tổ chức Lễ hội Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng định kỳ 2 năm/lần và qua 2 lần tổ chức đã giúp quảng bá thêm tiềm năng DL, giới thiệu đến du khách những sản phẩm DL cộng đồng, DL làng nghề đặc sắc của địa phương. Đồng thời, tỉnh có kế hoạch tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá DL từ nguồn kinh phí xã hội hóa trong thời gian tới.
Với tỉnh Bình Phước, một tỉnh có ngành DL còn khá khiêm tốn nên tỉnh đã quyết định mời gọi đầu tư triển khai một dự án DL sinh thái - du lịch tâm linh ở núi Bà Rá - Thác Mơ với hàng chục phân khu chức năng như: trạm dịch vụ DL Suối Dung; cụm văn hóa thể dục thể thao, vui chơi giải trí; trạm DL tuyến lòng hồ Thác Mơ; làng DL sinh thái vườn; làng ẩm thực “món ăn đặc sản”; cụm các công trình trên đỉnh Bà Rá, đền, chùa tháp, hang động; cụm dịch vụ DL khách sạn đồi Bằng Lăng và đặc biệt là dự án cáp treo từ Bà Rá đến hồ thác Mơ.
Dự án khi đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ là cú hích đánh thức tiềm năng DL của mảnh đất Phước Long và tăng thu nhập cho người dân địa phương nhờ khai thác các sản phẩm DL cộng đồng về sinh thái - văn hóa - lịch sử. Hiện mỗi năm tỉnh Bình Phước đều duy trì giải leo núi truyền thống Chinh phục đỉnh núi Bà Rá (cao nhất khu vực Đông Nam bộ), thu hút rất đông vận động viên và du khách tham dự.