Đề án Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, bổ sung được Bộ Tài chính hoàn thiện để trình Quốc hội, đang gây nhiều lo ngại cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước.
Lỗ hổng cho hàng lậu
Mục tiêu của việc đánh mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) vào một số mặt hàng như thuốc lá, rượu, bia nhằm hạn chế tiêu dùng và bảo vệ cộng đồng. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, việc triển khai tăng thuế, nếu không xem xét cẩn trọng sẽ có tác dụng ngược. Vì sao?
Đơn cử, ở lĩnh vực thuốc lá, kể từ khi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu lực vào giữa năm 2013 với nhiều biện pháp kiểm soát, thắt chặt hoạt động sản xuất kinh doanh khiến doanh số của các doanh nghiệp thuốc lá trong nước sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, trong khi thuốc lá nội sụt giảm sản lượng thì sản lượng thuốc lá sử dụng thực tế và nguồn nhập lậu vẫn tăng mạnh.
Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2014, sản lượng toàn ngành đã giảm khoảng 30%. Đáng chú ý, có những sản phẩm nằm trong phân khúc là đối trọng chính của thuốc lá lậu sụt giảm 50% - 70%, dẫn đến nộp ngân sách toàn ngành ước tính giảm 4.000 tỷ đồng. Mặc dù song song với các biện pháp thắt chặt hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc lá hợp pháp, Chính phủ đưa ra nhiều biện pháp phòng chống buôn lậu thuốc lá nhưng kết quả rất hạn chế, số lượng bắt giữ chưa đến 1%!
Ngược lại, buôn lậu thuốc lá gia tăng đột biến cả về số lượng, chủng loại và địa bàn hoạt động ngày càng đa dạng, tinh vi. Nếu như trước đây chỉ có 2 nhãn thuốc lậu chính là Jet và Hero với xấp xỉ 20 tỷ điếu, chiếm 19% thị phần, đến năm 2013 đã tăng lên 21,9 tỷ điếu chiếm gần 21% thị phần; riêng 9 tháng đầu năm 2014 tăng đến 30% - 40% sản lượng, chiếm 25% thị phần. Đáng chú ý, ngoài 2 nhãn Jet và Hero còn thêm hàng chục nhãn thuốc lá lậu mới ở nhiều phân khúc, có giá từ 2.700 đồng đến 14.000 đồng/bao. Ngoài ra, thị phần thuốc lá lậu lan rộng khắp cả nước thay vì chỉ tập trung ở khu vực miền Tây, Đông Nam bộ như trước đây.
Tiêu hủy thuốc lá nhập lậu. Ảnh: PHẠM CAO MINH
Tương tự, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực game online lo ngại việc đánh thuế TTĐB sẽ tạo điều kiện cho game lậu có đất sống. Bởi theo số liệu chưa đầy đủ, hiện có khoảng 220 game lậu lưu hành trên thị trường đều không rõ nguồn gốc, do đó cũng không phải đóng thuế và không kiểm soát được nội dung.
“Điều này cho thấy, khi chưa áp dụng thuế TTĐB với các game có phép tại Việt Nam, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phần mềm này đã phải chịu sự thiệt thòi như đóng thuế, tự nguyện tuân thủ pháp lý… Do đó, nếu sắp tới áp dụng thêm 10% thuế TTĐB, vô hình trung đẩy người sử dụng đến với các loại game lậu, vì giá rẻ hơn và không chịu sự quản lý của nhà nước”, đại diện Công ty CP VNG giải thích.
Tính đến nay, có khoảng 8.500 người lao động trực tiếp và 10.000 người lao động gián tiếp trong ngành kinh doanh này. Doanh thu toàn ngành đạt khoảng 8.000 tỷ đồng/năm. Lao động ngành game không chỉ khai thác thị trường trong nước mà hiện còn khai thác thị trường nước ngoài, chiếm 18% doanh thu. Do đó, khi áp dụng thuế TTĐB 10%, doanh thu của ngành nội dung số trong nước sẽ biến động giảm từ 30% đến 50%, thậm chí đứng trước nguy cơ thua lỗ phải đóng cửa. Trong khi đó, sẽ tạo cơ hội cho game lậu xâm chiếm và không kiểm soát được nội dung, tác động tiêu cực đến an ninh trật tự xã hội.
Chống buôn lậu đi trước
Trong đợt góp ý về dự thảo Dự án thuế TTĐB sửa đổi, bổ sung với Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM mới đây, nhiều đại biểu cho rằng, game online là phần mềm, loại sản phẩm cần được ưu đãi. Bởi game online cũng là loại hình giải trí tốt cho nhiều người, do đó không nên hạn chế việc sử dụng bằng cách tăng thuế TTĐB. Ngoài ra, nhà nước cần tăng cường kiểm soát để ngăn chặn game “bẩn” lậu, đồng thời bảo vệ ngành sản xuất chân chính trong nước. “Về quản lý nhà nước, các game trong nước phát hành đã có hội đồng thẩm định nội dung chặt chẽ để loại trừ các game bạo lực, gây nghiện… Vì vậy, chúng tôi đề nghị không đánh thuế TTĐB với game online. Bên cạnh đó, cần có lộ trình hỗ trợ cụ thể để các doanh nghiệp trong nước có thể có được sản phẩm dần thay thế sản phẩm của doanh nghiệp nước ngoài thẩm lậu, trốn thuế và các loại game độc hại”, ông Nguyễn Đức Thọ, cán bộ Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM” đề xuất.
Phó Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) Vũ Lê Tùng cho biết, dù chưa áp dụng thuế TTĐB, nhưng kết quả hoạt động lĩnh vực thuốc lá của đơn vị trong 9 tháng đầu năm giảm khoảng 30% sản lượng; doanh thu giảm 13% so với cùng kỳ và chỉ đạt 50% kế hoạch; nộp ngân sách giảm 25% so với cùng kỳ. Trước tình hình này, CNS kiến nghị chưa tăng thuế TTĐB với thuốc lá.
“Trước mắt, cần tập trung đẩy mạnh công tác chống buôn lậu thuốc lá để ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động và tăng doanh thu ngân sách. Bởi nếu tăng thuế TTĐB ngay càng đẩy người tiêu dùng sử dụng nhiều hơn thuốc lá lậu. Chúng tôi không phản đối việc tăng thuế TTĐB với thuốc lá, nhưng cần có lộ trình thích hợp và việc chống buôn lậu cần đi trước một bước”, ông Vũ Lê Tùng nói. Theo ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, hiện thuốc lá trong nước chịu các loại thuế với mức hơn 200%, cao hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực. Do đó, trước mắt cần ngăn chặn hiệu quả thuốc lá nhập lậu mới tiến tới xem xét tăng thuế TTĐB với mức tương ứng lên 70% năm 2017 và 75% năm 2020.
LẠC PHONG