“Đánh vật” trên quốc lộ 14

Quốc lộ 14 (còn gọi đường Hồ Chí Minh) đoạn qua các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông... là tuyến giao thông huyết mạch được Chính phủ ưu tiên đầu tư xây dựng, mở rộng và nâng cấp, dự kiến hoàn thành toàn tuyến vào năm 2015. Tuy nhiên, việc thi công đang bộc lộ khá nhiều bức xúc cho người đi đường, nhất là việc nhà thầu thiếu năng lực thi công, chất lượng công trình chưa đảm bảo...
“Đánh vật” trên quốc lộ 14

Quốc lộ 14 (còn gọi đường Hồ Chí Minh) đoạn qua các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông... là tuyến giao thông huyết mạch được Chính phủ ưu tiên đầu tư xây dựng, mở rộng và nâng cấp, dự kiến hoàn thành toàn tuyến vào năm 2015. Tuy nhiên, việc thi công đang bộc lộ khá nhiều bức xúc cho người đi đường, nhất là việc nhà thầu thiếu năng lực thi công, chất lượng công trình chưa đảm bảo...

Những ngày nắng nóng, tuyến đường bị cày xới không theo một quy cách nào, biển báo công trình không hợp lý, gây cản trở giao thông... Đáng kể vào thời điểm này, khu vực Bắc Tây Nguyên đang mưa nhiều, khiến mặt đường lầy lội, “ổ voi, ổ trâu” chằng chịt khắp tuyến.

Ông Nguyễn Văn Phúc, người dân phường Lê Lợi, TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) thường hay qua lại trên tuyến đường này, than phiền: “Từ sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 đến giờ, hết mùa nắng đến mùa mưa, đường cày xới nham nhở rồi bỏ đó, chỉ có người đi đường chịu trận”.

Việc thi công ì ạch, cẩu thả khiến người đi đường phải “đánh vật” khi lưu thông trên quốc lộ 14 (đoạn TP Pleiku đi TP Kon Tum).

Việc thi công ì ạch, cẩu thả khiến người đi đường phải “đánh vật” khi lưu thông trên quốc lộ 14 (đoạn TP Pleiku đi TP Kon Tum).

Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, từ TP Kon Tum đến địa phận giáp ranh TP Pleiku (tỉnh Gia Lai), đoạn đường khoảng 35km. Sau hơn 1 giờ “đánh vật” trên tuyến đường bằng xe máy, mới thấy các nhà thi công rất cẩu thả. Dọc theo công trình được rải đá cục ra chắn xe như “gài bẫy” người đi đường.

Lãnh đạo Ban điều hành dự án khu vực Bắc Tây Nguyên cũng than thở các nhà thầu yếu kém. Đoạn đường này nối từ Gia Lai đi Kon Tum khoảng 35km nhưng được chia ra 7 gói thầu. Mỗi nhà thầu làm một kiểu, từ Doanh nghiệp Tiến Dung (tỉnh Kon Tum), Tổng Công ty Trường Sơn đến các công ty: Vạn Tường, Thăng Long, Hoàng Nhi và Tiến Phát (tỉnh Gia Lai)...

Như vậy có thể hiểu phần nào khi tai nạn giao thông (TNGT) ở hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum tăng đột biến, nhất là trên quốc lộ 14. Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai, từ đầu năm 2013 đến nay, mỗi tháng, tỉnh này có hơn 20 người chết vì TNGT; còn tỉnh Kon Tum mỗi tháng cũng có gần chục trường hợp tử vong do TNGT...

Theo dự kiến, tuyến quốc lộ 14 đoạn Gia Lai - Kon Tum (kinh phí nâng cấp, mở rộng hơn 700 tỷ đồng) sẽ hoàn thành giữa năm 2014, nhưng xem ra đến nay vẫn còn nhiều bức xúc và bất ổn. Cùng với nhiều gói thầu khác trên tuyến quốc lộ 14 qua các tỉnh Tây Nguyên, đã khởi công rầm rộ nhưng đến nay vẫn ì ạch.

Người dân Tây Nguyên rất mong các cơ quan chức năng trung ương và địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát để dự án sớm hoàn thành, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên.

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục