“Đảo chiều” tích cực

Ngày 20-4 là ngày kết thúc thời gian đăng ký thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh ĐH-CĐ, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, tính đến 18 giờ ngày 17-4, cả nước có 754.857 thí sinh đăng ký dự thi. 

Trong đó, thí sinh đăng ký xét tuyển là 564.981 (chiếm 74.85%); thí sinh tự do là 51.665 (chiếm 6,84%). Điều đáng chú ý nhất của kỳ thi năm nay, đó là tỷ lệ chọn bài thi tổ hợp khoa học xã hội (KHXH) đang lớn hơn bài thi khoa học tự nhiên (KHTN). Cụ thể, bài thi KHTN là 289.835 thí sinh đăng ký, (chiếm 38,4%); nhưng có tới 372.932 thí sinh đăng ký bài thi KHXH, chiếm 49,4%. Thí sinh đăng ký cả hai bài thi cũng chiếm 8,52%, với 64.290 thí sinh.

Thống kê của Bộ GD-ĐT cũng cho thấy, trong số môn thi của bài thi tổ hợp, môn Lịch sử được thí sinh chọn nhiều nhất, tiếp đến là các môn Địa lý, Giáo dục công dân, Hóa học, Vật lý, Sinh học.

Có nhiều lý do để lý giải việc thí sinh năm nay lựa chọn đăng ký dự thi nhiều ở tổ hợp môn KHXH. Đây là năm đầu tiên, tổ hợp KHXH được tổ chức thi và được thi với hình thức trắc nghiệm. Nếu trước đây, thi tự luận đòi hỏi thí sinh phải nắm nội dung các môn học mới có thể viết, thì nay thi trắc nghiệm nên có nhiều câu học sinh đọc nội dung có thể dùng các phương pháp loại trừ, phán đoán để điền câu trả lời đúng mà không cần học thuộc lòng như cách học trước đây. Ngoài ra, đề thi các môn KHXH những năm gần đây có tính mở nhiều hơn, gắn nhiều với thực tiễn cuộc sống, nên thí sinh lựa chọn thi Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân là khá an toàn so với các môn tự nhiên như Lý, Hóa, Sinh.

Ngoài ra, theo nhận định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, năm nay có rất nhiều tổ hợp xét tuyển đại học mới và được tích hợp các môn KHXH vào, vì vậy thí sinh đăng ký thi tổ hợp KHXH nhiều là điều đương nhiên. Bên cạnh đó, tổ hợp xét tuyển khối D trước đây mà nhiều trường sử dụng thường chỉ có 3 môn Toán - Văn - Ngoại ngữ, thì nay nhiều trường lựa chọn thêm tổ hợp Sử - Địa. Đó cũng là lý do khiến thí sinh lựa chọn nhiều hơn. Mặt khác, ngay cả khi các trường vẫn lựa chọn tổ hợp truyền thống là Toán - Văn - Ngoại ngữ thì thí sinh muốn dồn sức cho việc xét tuyển theo tổ hợp Toán, Văn, Ngoại ngữ nên đã chọn lựa tổ hợp Sử, Địa, Giáo dục công dân để thi xét tốt nghiệp. Mục đích là nhằm tránh phải mất nhiều thời gian ôn tập, vì học sinh chỉ cần đảm bảo các môn này đủ điều kiện xét tốt nghiệp, không vướng điểm liệt.

Như vậy có thể thấy, năm 2017, việc đa dạng các tổ hợp môn xét tuyển vào đại học làm tăng cơ hội, tăng lựa chọn cho thí sinh, cùng với đó cách thi được đổi mới sang thi trắc nghiệm… đã khiến lựa chọn của thí sinh đảo chiều khác các năm trước. Dù với lý do gì đi nữa, việc thí sinh đã quan tâm hơn đến các môn KHXH là tín hiệu rất đáng mừng. Đó là những môn mà kiến thức rất cần thiết cho các em, nhất là trong cuộc sống đời thực cũng như trong việc giáo dục, rèn luyện lý tưởng, đạo đức cho học sinh.

Đã có những năm chúng ta cảm thấy buồn vì tình trạng học sinh quay lưng với môn Lịch sử, có những năm qua ở không ít hội đồng thi “trắng” học sinh thi môn Lịch sử. Bên cạnh đó là tình trạng coi môn Địa lý, Giáo dục công dân là môn phụ trong nhà trường. Nhưng tình hình của năm 2017 là cơ sở để ngành giáo dục có động lực trả lại sự hấp dẫn của môn Lịch sử đối với học sinh. Điều đó cũng đòi hỏi ngành giáo dục phải có những cải tiến mạnh mẽ ở khâu tổ chức dạy học, chương trình, sách giáo khoa... để môn Lịch sử cũng như môn Giáo dục công dân, Địa lý thực sự trở lên hấp dẫn. Khi các em thích môn học, môn học sẽ có tác động sâu sắc, tích cực hơn đến nhận thức, hành vi của các em.

Chỉ còn 2 ngày nữa là hết hạn đăng ký dự thi, bức tranh dự thi có thể nói cơ bản đã rõ diện mạo. Cùng với việc đảo chiều trong lựa chọn môn thi, việc năm nay thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng cũng khiến số nguyện vọng của các em tăng vọt. Đến hết ngày 17-4, có 499.949 hồ sơ đăng ký xét tuyển đã được nhập lên hệ thống (đạt 88,49%). Trong đó, nguyện vọng 1 đạt 100%, nguyện vọng 2 có 438.501 thí sinh, chiếm 87,71%; nguyện vọng 3 là 354.395 thí sinh, chiếm 70,89%; nguyện vọng 4 là 255.257 thí sinh, chiếm 51,06%; nguyện vọng 5 là 175.482 thí sinh, chiếm 35,1%, các nguyện vọng còn là 300.607 thí sinh, chiếm 60.13%. Xử lý nguyện vọng của thí sinh là điều không hề đơn giản. Đây là thực tế đòi hỏi ngành giáo dục phải chuẩn bị kỹ càng mọi điều kiện để hoàn tất một kỳ thi và xét tuyển có nhiều đổi mới được suôn sẻ. Thí sinh cũng cần sớm hoàn tất việc đăng ký cho mình, bởi, nếu đợi đến lúc cuối mới đăng ký thì nếu có sai sót hay muốn thay đổi, thí sinh sẽ không còn thời gian để sửa (sau 20-4, thí sinh không được thay đổi số lượng môn thi, bài thi đã chọn).

Tin cùng chuyên mục