Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Điện ảnh chưa tốt do chưa có kịch bản tốt

Ở phía Nam, người làm điện ảnh rất biết cập nhật những cái mới, gần với xu thế của thế giới do những áp lực của đồng tiền, áp lực phải thu hồi vốn. Phía Bắc không có áp lực đó hoặc có thì rất nhỏ.
Sau một thời gian dài vắng bóng, đạo diễn Lưu Trọng Ninh trở lại với Hoa cỏ may phần 3 - bộ phim mà 2 phần trước đó từng tạo “cơn sốt” đối với khán giả truyền hình bởi mạnh dạn khai thác đề tài tình bạn, tình yêu của giới trẻ. Sau gần 2 năm ở ẩn trong rừng, đạo diễn Lưu Trọng Ninh tiếp tục say sưa với dự án làm phim mới.
* PV: Trong phim của mình, thay vì chọn diễn viên chuyên nghiệp, ngôi sao, ông lại chọn đa phần diễn viên “tay ngang”. Điều đó khiến ông phải đối đầu với nhiều thử thách về tính chuyên nghiệp?
- Đạo diễn LƯU TRỌNG NINH: Khi chọn vai, tôi thường rất ít khi tổ chức thi tuyển mà chủ yếu dựa vào thần thái, cử chỉ, biểu cảm của khuôn mặt diễn viên. Tôi thường chọn những diễn viên gần giống với vai mà họ sẽ đảm nhận trong phim. Dân nghiệp dư sẽ không có nhiều khó khăn khi được đóng chính họ. 
Sau nhiều năm làm phim, kinh nghiệm cho thấy, nhiều trường hợp diễn viên có kỹ xảo, thuyết phục mình ngay từ khi mới gặp bởi sự linh hoạt, hoạt bát… nhưng rồi trong quá trình làm phim dài, họ không còn bứt phá được nữa trong khi có những bạn ban đầu ngô nghê, chậm nhưng khi nhập vai lại rất thuyết phục. Quan trọng của diễn viên là phải có cái thần. Như vai chính trong phim Hãy tha thứ cho em, tôi vô tình gặp trên đường trước thời điểm khởi quay chỉ có 3 ngày… và đã chọn được một diễn viên rất tốt.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Điện ảnh chưa tốt do chưa có kịch bản tốt ảnh 1  Đạo diễn Lưu Trọng Ninh trở lại với Hoa cỏ may phần 3
Nhiều người luôn có quan niệm rằng dàn diễn viên cũ tốt hơn mới, tôi lại không cho là như vậy. Điện ảnh phát triển mỗi ngày và diễn viên cũng phát triển. Ngày xưa chúng ta bằng lòng với cái kẹo bột nhưng nay chúng ta không bằng lòng với chocolate. Cứ bảo ngày xưa phim cũ hay, tôi cũng không tin lắm. Thực ra bây giờ con người phát triển, biểu cảm của con người cũng mạnh mẽ lên và không thể như xưa được.
* Gần đây, trên truyền hình liên tục xuất hiện những bộ phim có chất lượng tốt, thu hút đông đảo khán giả. Theo ông, đó là dấu hiệu sự chuyển mình của phim truyền hình?
- Tôi cho rằng phim có đông khán giả bởi đánh trúng thị hiếu, đánh đúng vào sự tò mò của người xem, song nếu nói rằng đó là bước chuyển mình thì không hẳn bởi chuyển mình phải là giá trị nghệ thuật. Tôi không xem những phim đó nên không dám bàn nhưng tôi ngại số đông không phải cái cốt lõi. Thường các tác phẩm nghệ thuật hay lại không nhiều khán giả. 
Theo tôi, điện ảnh là hàng hóa, phải xác định phục vụ ai. Điện ảnh hôm nay đã trở thành hàng hóa thực sự, phục vụ nhu cầu, đối tượng của riêng nó. Vì thế ta không phán xử nó về nghệ thuật. Có hàng hóa phục vụ khán giả bình dân, có hàng hóa phục vụ nhóm khán giả cao cấp…
Bây giờ khán giả cũng có nhiều lựa chọn, nếu không phù hợp thì không mở kênh đó nữa mà chọn phim phù hợp yêu cầu của mình. Không phải tác phẩm điện ảnh phục vụ cho mọi lứa tuổi.
* Những phim “nổi” lên trong thời gian qua, phần lớn đều được khai thác từ kịch bản chuyển thể của nước ngoài. Theo ông, đâu là điểm yếu lớn nhất của kịch bản Việt?
- Không có kịch bản hay, thực ra đó là do thói quen viết của người Việt. Đọc các tiểu thuyết của Việt Nam giỏi lắm chỉ có 10% tác phẩm là có hình ảnh, có hành động. Còn đọc chuyện của Mỹ thì trang nào cũng ngập tràn hành động, hình ảnh như một thước phim vậy, nhắm mắt cũng ra phim.
Theo tôi dó hoàn toàn là do lối viết. Lối viết của người Việt không có tính điện ảnh nên không phù hợp việc làm phim. Thêm nữa, đáng lẽ văn học phải đi trước điện ảnh thì trong giai đoạn vừa rồi chỉ rơi rớt được vài trường hợp. Điện ảnh chúng ta chưa tốt, một phần do chúng ta chưa có kịch bản tốt.
Trung Quốc có nhiều phim cổ trang bởi văn học cổ của họ rất phong phú, dày dạn còn chúng ta thì sao. Làm phim cổ trang thì không có tác phẩm văn học nào khác ngoài Truyện Kiều của Nguyễn Du.
* Ông nghĩ gì về việc giờ đây dường như điện ảnh thuộc về phía Nam còn miền Bắc chỉ chuyên làm phim truyền hình?
- Thực ra điện ảnh phía Bắc đã trở nên lạc hậu. Các cô cậu đạo diễn ra trường không học hỏi thêm mà cứ làm vậy thôi. Trong khi ở phía Nam, họ thực sự cầu thị, thêm nữa nơi đây có dòng đạo diễn Việt kiều về và nhiều bạn trẻ trong nước cũng đi học nghề ở nước ngoài.
Ở phía Nam, người làm điện ảnh rất biết cập nhật những cái mới, gần với xu thế của thế giới do những áp lực của đồng tiền, áp lực phải thu hồi vốn. Phía Bắc không có áp lực đó hoặc có thì rất nhỏ.
Vì thế những người làm phim phía Nam buộc phải tự trang bị cho mình nhiều kỹ năng mới. Điều này giúp điện ảnh trong Nam phát triển mạnh mẽ hơn. Dĩ nhiên, câu chuyện ở đây mang tính địa lý thôi bởi nhiều đạo diễn, diễn viên phía Bắc cũng vào Nam làm phim. 
Khi điện ảnh bị áp lực bởi thị trường thì câu chuyện điện ảnh và nhân vật trong phim cũng bị chi phối để tạo sự gay cấn, sức hấp dẫn. Có như thế mới khiến người ta bỏ tiền xem. Lờ phờ như phim ngoài Bắc thì làm phim truyền hình là tốt nhất.
* Phải chăng giờ đây dòng phim đặt hàng gần như mất hẳn và điện ảnh tư nhân đang chiếm thế áp đảo?
- Sự biến mất của dòng phim đặt hàng, theo tôi không quan trọng lắm vì cứ làm xong cất kho thì sao có thể tạo nên ảnh hưởng gì. Điện ảnh trở thành tác phẩm nghệ thuật là câu chuyện khác; còn là hàng hóa lại là câu chuyện khác.
Trong Nam và Bắc, việc làm phim khác biệt lớn nhất là ở nhà sản xuất. Đạo diễn, diễn viên có thể lấy từ vùng này sang vùng khác nhưng phía Bắc chưa có nhà sản xuất, trong khi đó thì phía Nam nhà sản xuất đã mang nhiều tính chuyên nghiệp.
Một thời gian dài, chúng ta làm phim không có nhà sản xuất thì nay vị trí nhà sản xuất đã vượt đạo diễn. Thực ra ở các nước, vị trí của nhà sản xuất cũng vượt đạo diễn bởi họ là người tạo dựng dự án và quyết định bỏ tiền làm phim. Đạo diễn được nhà sản xuất mời làm phim, nếu không đáp ứng được nhu cầu thì nhường chỗ cho người khác.

Tin cùng chuyên mục