Đạo diễn Trần Vi Mỹ - “Khoác áo mới” cho Bolero

Đạo diễn Trần Vi Mỹ - “Khoác áo mới” cho Bolero

Một trong những điểm nhấn đặc biệt, làm nên thành công của live show Thương hoài ngàn năm 2 của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, chính là phần dàn dựng sân khấu với hiệu ứng tuyệt vời của công nghệ 3D Mapping. Người “thổi hồn” tạo nên không gian đầy cảm xúc đó chính là đạo diễn Trần Vi Mỹ. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với đạo diễn Trần Vi Mỹ.

PV: Trong giới đạo diễn, sau khi Huỳnh Phúc Điền ra đi, những gì gắn với tên tuổi của anh ấy mọi người gần như không ai chạm vào. Phần vì tôn trọng, phần vì nghĩ sẽ khó vượt qua cái bóng quá lớn của anh. Vậy vì sao anh vẫn quyết định nhận lời làm Thương hoài ngàn năm 2, vốn dĩ đây là chương trình tạo nên dấu ấn của cả Huỳnh Phúc Điền lẫn Đàm Vĩnh Hưng?

Đạo diễn TRẦN VI MỸ: Thật ra, khởi điểm để bắt đầu dự án này không phải là Thương hoài ngàn năm mà xuất phát từ việc cá nhân tôi muốn làm một điều gì đó cho dòng nhạc Bolero trong bối cảnh có nhiều người và quan điểm cho rằng Bolero là nhạc “sến”. Tôi ấp ủ dự án dùng dàn nhạc giao hưởng và nhạc nhẹ phối lại những ca khúc “sến”, giống như may cho nhạc sến một chiếc áo mới dù biết sẽ có nhiều ý kiến trái chiều. Khi đem ý tưởng này trao đổi cùng bộ ba nhạc sĩ Anh Khoa, Việt Anh và chỉ huy dàn nhạc Trần Nhật Minh cách đây 2 năm, mọi người đều ủng hộ tôi làm dự án này. Và tôi quyết định bắt tay thực hiện với ý định biên tập cho 4 ca sĩ: Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng, Phạm Anh Khoa và Phạm Thu Hà. Tuy nhiên sau đó ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trao đổi với tôi rằng anh muốn thực hiện dự án này và tôi quyết định lấy format Thương hoài ngàn năm của anh Huỳnh Phúc Điền và Đàm Vĩnh Hưng để thực hiện. Thật lòng, khi làm tôi cảm thấy áp lực vô cùng vì Thương hoài ngàn năm đã là một bức tường quá cao mà tôi phải cùng Đàm Vĩnh Hưng leo qua bức tường này. Nhưng với những sự kính trọng và đam mê nghề, ê kíp đồng lòng thực hiện Thương hoài ngàn năm 2 giống như một tác phẩm tri ân đến vị đạo diễn tài hoa bạc mệnh Huỳnh Phúc Điền cũng như không phụ lòng mong mỏi của khán giả.

Sân khấu với hiệu ứng 3D Mapping cực kỳ hiệu quả trong chương trình Thương hoài ngàn năm.

Một trong những yếu tố tạo nên sự thành công đặc biệt của chương trình là ở phần dàn dựng sân khấu với hiệu ứng 3D Mapping. Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên các chương trình ở Việt Nam ứng dụng kỹ thuật này nhưng ở quy mô lớn như thế này có thể coi là lần đầu tiên. Anh có thể chia sẻ về điều này?

Ý tưởng thực hiện một con phố tỷ lệ thật, quy mô đến 55m bao gồm 12 căn nhà là những điểm diễn cho từng nhân vật phù hợp với nội dung bài hát. Khi lên bảng vẽ thực hiện, điều tôi băn khoăn nhất là làm sao để thay đổi cảnh? Cân nhắc nhiều phương án, cuối cùng tôi quyết định dùng công nghệ Mapping để tạo không gian thay đổi. Để làm được điều này, ê kíp chúng tôi phải mất gần 2 tháng trời mới vừa ý. Cái vất vả ở đây là chúng tôi phải dựng sân khấu như thật trước khi biểu diễn để đảm bảo tính chính xác của Mapping. Hiệu quả của Mapping lần này góp phần vào thay đổi nhãn quan của khán giả, phục vụ rất tốt cho những phần trình diễn của ca sĩ cũng như ý đồ dàn dựng của tôi.

Hỏi thật, nếu không có những công nghệ, kỹ xảo hiện đại mà 3D Mapping là một ví dụ, anh có đủ tự tin mình vẫn dàn dựng một chương trình đủ sức vượt qua bóng của đàn anh?

Như ông bà ta thường nói, cái khó ló cái khôn. Tôi nghĩ rằng công nghệ này chỉ là một phần của sự thành công mà thôi. Chương trình thành công còn do nhiều yếu tố khác. Với tôi, Thương hoài ngàn năm 2 thành công nhất chính là những bản hòa âm quá đặc sắc.

Ở chừng mực nào đó, sự xuất hiện của Hồ Ngọc Hà và Phạm Thu Hà trong không gian âm nhạc của Đàm Vĩnh Hưng với bolero là chủ đạo mặc dù có dàn nhạc dây nâng đỡ thì cũng không đủ sức kết nối hai giọng ca trên. Liệu điều này sẽ có sự thay đổi khi chương trình diễn ra tại Hà Nội, nhất là với sự xuất hiện của Bảo Yến?

Tôi nghĩ đó là nhận xét chủ quan và cũng là một ý kiến để ghi nhận. Tuy nhiên, khi thực hiện chương trình này, chúng tôi muốn chứng minh rằng ai cũng có thể hát được Bolero. Một Phạm Thu Hà bán cổ điển nhưng khi hát tiết tấu Bolero vẫn có những cao trào, cô ấy vẫn khoe được chất giọng những quãng hát rất cao trong Tuyết rơi làm khán giả thích thú. Phần Hồ Ngọc Hà, ngoài bài Sang ngang đúng sở trường, còn bài Rừng chưa thay lá, âm nhạc đã đẩy tempo nhanh hơn một chút nhằm tạo không khí lạ cho ca khúc và phù hợp với cô ấy hơn. Đây cũng là ý đồ chung của chương trình nhằm tạo cách nhìn đối lưu cho mới mẽ và lạ lẫm hơn. Còn sự xuất hiện của Bảo Yến sẽ đóng vai trò làm cho Bolero thật sự là dòng nhạc của mọi người trong chương trình này.

Ngoài nhân vật chính, Bảo Yến có lẽ sẽ là điểm nhấn thú vị của live show Thương hoài ngàn năm 2 khi công diễn tại Hà Nội. Anh có thể bật mí về sự xuất hiện của ca sĩ này cũng như những thay đổi để phù hợp với một dạ tiệc năm mới?

Việc chị Bảo Yến xuất hiện trong Thương hoài ngàn năm đã là một điều đặc biệt bởi thế hệ của tôi và Đàm Vĩnh Hưng rất thần tượng ca sĩ này. Chị Bảo Yến sẽ hát ca khúc Hàn Mạc Tử với bản phối do chính chị yêu cầu. Ê kíp âm nhạc hoàn toàn tôn trọng sự góp ý từ chị với mục đích chung là tạo thành công tốt nhất cho chương trình. Ngoài việc Bảo Yến thay thế Lệ Quyên, tổng thể chương trình tại Hà Nội không có gì thay đổi so với chương trình ở TPHCM.

KHẮC THI

Tin cùng chuyên mục