>> Bộ VH-TT-DL: Cổ phần mới giữ được hãng phim
Trước nhiều luồng dư luận về việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, ngày 5-5, đạo diễn Vương Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam (VFS), đã có buổi trao đổi với báo chí, chia sẻ những câu chuyện mà chỉ “người trong cuộc” mới thấu hiểu.
Đạo diễn Vương Đức
* PHÓNG VIÊN: Nhiều người cho rằng VFS đang có trong tay cơ ngơi đất đai đồ sộ, vì thế việc định giá hơn 19 tỷ đồng là điều gây ngạc nhiên lớn?
- Đạo diễn VƯƠNG ĐỨC: Hãng phim, nếu nói về đất đai thì khá giàu có nhưng chúng tôi lại không có trong tay bất cứ giấy tờ sở hữu nào về đất đai. Trong quy trình cổ phần hóa theo luật mới, đất đai ở trong tình trạng như thế sẽ không được vào giá trị doanh nghiệp. Vì thế, việc định giá hãng phim chỉ dựa vào tài sản hiện có như máy móc, nhà cửa.
Trên thực tế, trước đây máy móc của hãng được đầu tư rất nhiều tiền. Có chiếc máy quay có giá trị bằng 3 đến 4 chiếc Mercedes nhưng do sự thay đổi về công nghệ, từ việc làm phim nhựa chuyển sang phim số, giá trị của số máy móc này gần như trở về con số 0. Điều này khiến giá trị của hãng được định giá rất thấp, chưa đến 20 tỷ đồng.
* Vậy còn thương hiệu gần 60 năm hoạt động của VFS, một đơn vị có truyền thống lâu đời, lại được định giá bằng 0?
- Có nhiều người đưa ra câu hỏi như vậy. Với chúng tôi, những người yêu quý, gắn bó với điện ảnh thì thương hiệu này là vô giá, song theo quy định của Nhà nước, nếu doanh nghiệp nhiều năm làm ăn không có lãi thì việc định giá thương hiệu là 0. Những đơn vị làm ăn có lãi thì thương hiệu đó mới được định giá.
* Liệu VFS nếu không được cổ phần hóa thì sẽ rơi vào tình trạng phá sản?
- Theo tính toán trong khoảng 20 năm, số lỗ lũy kế của hãng lên tới hơn 39 tỷ đồng, trong đó khoảng 5 tỷ đồng là nợ thuế đất đai và một số khoản vay để làm phim. May là ngân hàng đã khoanh nợ, không tính lãi nếu không con số lãi chúng tôi phải trả sẽ rất khổng lồ.
Vì thế, nếu trong vòng 2 năm nữa không cổ phần hóa được thì sẽ phá sản hoặc buộc phải sáp nhập vào đơn vị khác. Đã có những thời kỳ chúng tôi phải thừa nhận rằng, hãng đối mặt với rất nhiều khó khăn về tài chính. Thậm chí tôi đã từng ví von đang ở tình trạng “ngồi bệt, không rơi xuống bể phốt đã là may!”.
Một thời gian dài chúng tôi không được Nhà nước đầu tư thêm gì. Trong vòng 6 năm gần đây chỉ nhận được hai phim của Nhà nước là Nhà tiên tri và Sống cùng lịch sử. Phim Cuộc đời của Yến là phim “trả nợ”. Tuy nhiên, do máy móc lạc hậu nên phần lớn phải đi thuê; phần hậu kỳ cũng phải đưa sang Thái Lan.
* Là lãnh đạo của VFS, ông có cảm thấy bất ngờ khi chỉ có duy nhất một hồ sơ đầu tư?
- Chúng tôi vẫn nghĩ rằng sẽ được nhiều người quan tâm, nhà đầu tư để ý, thế nhưng qua nhiều ngày, cứ chờ đợi, chờ đợi và chờ đợi. Cho đến hạn cuối cùng tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, còn đúng 15 phút thì xuất hiện một người đến nộp hồ sơ. Duy nhất Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) nộp hồ sơ và đáp ứng đầy đủ tiêu chí, cam kết đã được bộ phê duyệt nhà đầu tư chiến lược.
Ban đầu, tôi cũng có chung tâm tư với nhiều anh em nghệ sĩ khác khi thấy nhà đầu tư chiến lược kinh doanh trong lĩnh vực chẳng hề liên quan gì tới điện ảnh, nhưng chẳng có lựa chọn nào khác.
Như Hãng phim Giải phóng, Hãng phim Truyện 1 và cả Hãng phim Hoạt hình Việt Nam đến thời điểm này, khi thực hiện cổ phần hóa đều chưa có được nhà đầu tư chiến lược, vì thế chúng tôi cũng không biết việc Hãng phim truyện Việt Nam có được nhà đầu tư chiến lược là vui hay buồn. Có lẽ đó cũng là một lần "thay máu" thực sự, là cơ hội thay vì cùng ôm nhau trong vũng lầy.
* Xin cảm ơn ông!
MAI AN thực hiện