Báo chí từng nhắc chuyện nho chùm độn đá, nho rời được khâu lại…, đó là cách làm của người bán gian dối, làm đẹp về hình thức, che giấu cái xấu của nông sản. Thường chỉ có người mua lầm, bởi làm sao có đủ kinh nghiệm để phân biệt tất cả các chiêu thức lường gạt. Có lần đi qua cầu Mỹ Thuận, tôi được nhiều người năn nỉ mua xoài. Những rổ xoài được xếp khá bắt mắt, rổ vun đầy, giá khá rẻ, nhưng khi kiểm tra lại mới hay chỉ vài trái trên mặt căng bong còn các trái phía dưới bị giập, nhăn da. Bực nhất là cái rổ được độn lên bên trong cho người mua có cảm giác là một rổ đầy, kỳ thực chỉ có 2/3 rổ. Xét kỹ ra, với số lượng xoài, chất lượng như vậy thì giá bán cũng không phải quá đắt nhưng cảm giác bị gạt cứ đeo đẳng người đã lỡ mua.
Tương tự, tại Đồng Nai, đến mùa mãng cầu (khoảng từ tháng 4 âm lịch), người bán bao giờ cũng có động tác “làm mặt” chọn những trái tròn, mắt nở đều để lên trên, nhằm thu hút người mua. Đến phía dưới thì trái lại khác. Mới đây, tôi còn được biết một số thương lái “trộn” các loại bưởi có da màu xanh vào bán chung với bưởi da xanh ruột đỏ để kiếm lợi, bởi bưởi da xanh tại vườn giá cao khoảng 30.000 đồng/kg (loại 1,2kg/trái trở lên) còn bưởi loại khác chỉ 10.000 - 15.000 đồng/trái. Như vậy, người bán thu lợi mỗi trái bưởi hơn gấp đôi giá họ mua. Người ta còn trộn hạt đu đủ khô vào tiêu để đánh lừa người mua, nhất là khi tiêu có giá đến 130.000 đồng/kg.
Còn không ít kiểu bán hàng gian dối khác như trói cua bằng sợi dây to, thấm nước nặng trịch; kẹo hạt điều chỉ có miếng ngoài là hạt lớn, đẹp còn bên trong là chỉ hạt điều vụn; hoặc nhiều loại trái cây bán rong ngoài đường ghi giá rẻ nhưng cân thiếu ký…
Xét cho cùng, người mua bị lầm nhưng không phải họ là người duy nhất chịu thiệt. Bởi khi mua lầm, họ có thể bị mất ít tiền, bị bực mình nhưng cái mất lớn nhất là mất lòng tin ở những người bán ở địa phương đó, với loại hàng hóa đó. Chẳng hạn, những người mua lầm nho chùm độn đá lần sau đến Ninh Thuận, họ cũng có ấn tượng xấu với những người bán trái cây khác, dù những người này buôn bán tử tế. Xa hơn, nếu người nước ngoài mua nhầm những sản phẩm bị đánh tráo, bị làm mặt hoặc chất lượng xấu thì họ sẽ nghĩ ngay rằng hàng Việt Nam kém chất lượng, người Việt Nam buôn bán không trung thực. Cái hại đó và đem lại hậu quả khó lường.
Vì vậy, mỗi người bán nông sản (nông dân, thương lái, người trực tiếp bán hàng) phải giữ chữ tín, có đạo đức buôn bán, đừng vì lợi nhỏ trước mắt mà gây ra thiệt hại lâu dài. Rất nhiều người buôn bán đúng hàng, đúng giá, cân đủ ký nhưng khi hiện tượng “chụp giựt” diễn ra thường xuyên, phổ biến thì họ thường bị thua thiệt do hàng khó bán và nhất là bị vạ lây bởi những người buôn gian bán lận. Các cơ quan chức năng cần quản lý chặt việc buôn bán, kể cả bán rong, nhất là những địa phương là điểm đến của rất đông khách du lịch để tuyên truyền, động viên người bán tôn trọng khách hàng và giữ hình ảnh đẹp của địa phương.
TRÚC GIANG (quận 3, TPHCM)