Báo SGGP trong các ngày 6, 7 và 8-10 đã có loạt bài phản ánh tình trạng khai thác titan và vàng bừa bãi ở một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đầu tháng 11, vấn nạn khai thác ồ ạt dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên đối với nhiều địa phương, nhất là miền Trung và một số tỉnh phía Nam lại được Báo SGGP tiếp tục đề cập và gây sự chú ý của dư luận cũng như cơ quan chức năng. Để bạn đọc có một cái nhìn rộng và rõ ràng hơn về “bức tranh” khai thác khoáng sản ở nước ta, chúng tôi tiếp tục có loạt bài phản ánh tình trạng khai thác khoáng sản ở miền Bắc. Trong đó có nhiều vấn đề bức xúc đặt ra từ việc khai thác quặng sắt, vàng tràn lan, tự phát, thiếu quy hoạch, không an toàn cho môi trường, cuộc sống người dân, cho tới tình trạng buôn lậu quặng, khoáng sản qua biên giới và hậu quả mà người dân phải gánh chịu từ việc khai thác khoáng sản này. |
Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ, Tuyên Quang… là “thủ phủ” của các loại quặng có giá trị ở miền Bắc như đồng, thiếc, sắt, măng gan… nằm ẩn mình dưới các vỉa mỏ khổng lồ, trữ lượng rất lớn, bên trên được che phủ bởi những cánh rừng đại ngàn. Nhưng từ khi khoáng sản trở thành “cơn sốt”, khắp nơi đều bùng phát tình trạng tìm đào quặng lậu, xuất bán khoáng sản với giá rẻ sang Trung Quốc, gây lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia.
Mót quặng như mót khoai
Tỉnh Cao Bằng ở đỉnh đầu Tổ quốc có các loại quặng quý như sắt, vàng, thiếc… Từ năm 2000 trở lại đây tình trạng khai thác, buôn bán quặng lậu ở Cao Bằng ngày càng trở nên nhức nhối. Bên cạnh những mỏ vỉa đã được Nhà nước quy hoạch, giao cho doanh nghiệp quản lý khai thác, cũng còn nhiều nơi chưa kịp khảo sát, dân đã tràn vào tự do khai thác, rồi tuồn lậu sang Trung Quốc. Và tình trạng khai thác quặng tự phát, khai thác lậu ngày càng công khai, lan rộng, thách thức cơ quan chức năng.
Trung tâm khai thác quặng lậu ở huyện Nguyên Bình nằm giữa tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn. Đường vào Nguyên Bình vòng vèo, mù mịt bụi. Nhà dân nằm bám dọc hai bên đường và bà con thừa nhận, sau vụ gặt vào thời điểm cuối năm, cả làng, cả xã và cả huyện đều đổ xô đi đào, mót quặng để bán. Mỗi xã có 1-2 người “máu mặt” đứng lên thu gom quặng của bà con, trở thành “đầu nậu”. Trước đây, một tạ quặng giá chỉ khoảng 30.000-40.000 đồng nhưng hiện nay đã tăng lên 50.000-60.000 đồng, thậm chí quặng thiếc lên tới 70.000 đồng/tạ. Dân mót được bao nhiêu cũng có “đầu nậu” bao tiêu sạch!
Ban đầu, người dân tràn ra các vỉa quặng nằm dọc hai bên dòng suối để đào trộm, sau bị chính quyền địa phương truy đuổi, họ dạt sâu vào rừng khai thác. Thậm chí, nhiều gia đình còn đào cả vườn, ruộng, nền nhà của mình lên để tìm quặng. Tại các xã như Quang Thành, Phan Thanh, Thể Dục, Thành Công, Tam Kim, Ca Thành, Mai Long… đâu đâu cũng nham nhở những công trường khai thác quặng.
Ngược lên một chút là huyện Hòa An, Hà Quảng - tình trạng khai thác quặng lậu cũng nóng bỏng. Dọc đường dẫn chúng tôi vào mỏ sắt Ngườm Cháng, Hoàng - một kỹ sư của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên liên tục chỉ tay xuống các thung lũng, khe suối chạy dọc ven đường, nơi những hố đất, thửa ruộng, vạt đồi bị đào, bóc, khoét nham nhở - bảo: “Đây là hiện trường đào trộm quặng”.
Đúng lúc, từ một khe suối, một cô gái chừng 20 tuổi, gánh trên vai 3-4 bao tải, bên trong toàn những cục đất đen sì, mồ hôi nhễ nhại, nặng nhọc nhích từng bước lên. Hỏi thứ gì, cô gái chỉ nói cụt lủn một từ “quặng” rồi vứt các bao tải bỏ chạy vì sợ bị bắt.
Chúng tôi lần xuống bãi ngô nằm bên bờ suối. Giữa bãi ngô có 4-5 người đang hì hục đào, lật tung từng gốc ngô lên để tìm những cục quặng màu đen xỉn ở bên dưới như kiểu đi mót khoai sọ. Trên mặt ruộng, quặng vừa mót được vứt lổn nhổn.
Thấy chúng tôi đến gần, 3-4 người nhanh chóng lủi vào bụi cây, chỉ còn lại người phụ nữ tên Thúy, ở xóm Nà Xí, xã Dân Chủ. Chỉ vào đống quặng gồm những tảng bằng vốc tay, chị ta bảo: “Dạo này quặng lên giá quá, đi mót để bán, tranh thủ kiếm thêm ít tiền”. Chị thổ lộ, quặng đi mót được, nếu bán ngay tại chỗ chỉ được 500.000 đồng/tấn. Còn mang lên bãi “đầu nậu” được trả tới 600.000 đồng. Đào từ sáng tới chiều, mỗi người cũng mót được khoảng 1 tấn quặng.
“Quặng nhiều lắm, thò xẻng chỗ nào cũng có, chỉ sợ cán bộ bắt và không đủ sức đưa ra khỏi huyện được thôi”, chị Thúy nói.
Đi thêm một đoạn qua xã Đức Long, Nước Hai cùng huyện Hòa An, chúng tôi bắt gặp ở hai bên đường có hàng chục điểm cân đong, tập kết quặng, tụ họp như cái chợ. Xe công nông đang vào ra ăn, nhả hàng. Quặng được các “cửu vạn” nhanh chóng đóng vào bao tải. Thấy người lạ, một đầu nậu tay cầm cuốn sổ giơ lên hăm dọa: “Đi đi, không được chụp”.
Qua tìm hiểu, từ các điểm thu mua nhỏ lẻ nằm giữa rừng già, các bao tải quặng sẽ được ngụy trang thật kỹ, rồi chở ngược lên các huyện Trà Lĩnh, Trùng Khánh để xuất lậu sang Trung Quốc. Dọc đường từ thị xã Cao Bằng lên trung tâm huyện Hòa An, rồi lên Thông Nông, Hà Quảng… nằm tít biên giới, đâu cũng bắt gặp những chợ quặng lậu công khai bên đường, những lô quặng lậu vừa khai thác, thu gom đang nằm tập kết trong vườn nhà dân.
Trên tỉnh lộ, dọc dự án đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Cao Bằng còn làm dang dở, xe tải chở quặng là của công ty nhà nước, cò trên những con đường làng, đường xã, xe ngựa, xe công nông rầm rập chở quặng của tư thương săn mua quặng lậu để vận chuyển ngược lên chợ biên giới.
Thật không thể hình dung được những cục đá xỉn màu nằm lăn lóc bên bờ suối, giữa ruộng ngô bao đời - được xác nhận là quặng- lại bỗng có giá như vậy. Bởi thế, không thể ngăn được tình trạng dân đua nhau đi khai thác quặng.
Quặng “nóng” tới mức ở nhiều nơi dân còn tràn vào cả khai trường của các đơn vị đã được nhà nước khoanh vùng, cho phép khai thác để cướp, đào quặng trộm. Khi đặt chân vào trung tâm của mỏ Ngườm Cháng, Hoàng- kỹ sư của mỏ, than thở: “Mỏ của chúng tôi đã được UBND tỉnh Cao Bằng giao quản lý từ năm 2003 và đến nay mới khai thác được 5-6 năm, nhưng gần đây dân ở xung quanh tràn vào trộm quặng dữ quá, chúng tôi đang phải sử dụng dây thép gai rào lại. Đồng thời đêm nào gần 200 anh em công nhân mỏ cũng phải luân phiên đi tuần, ngăn dân đào trộm quặng, nhưng không xuể”.
Theo giấc mộng vàng
Nóng bỏng không kém tình trạng khai thác quặng là “cơn lốc” tìm vàng đang diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Cao Bằng từ khi vàng lên cơn sốt. Theo tỉnh lộ 209, chúng tôi xuôi về sào huyệt của những lò khai thác vàng ở huyện Thạch An (Cao Bằng). Dọc theo con đường qua các xã như Canh Tân, Minh Khai, Quang Trọng… nằm giữa rừng già, đã mọc lên hàng trăm biệt thự, sắm xe hơi sang trọng. Dân ở đây cho biết: “Tài sản của dân khai thác vàng đó”.
Tuy nhiên, đằng sau những tòa biệt thự là dòng sông Hiến đổ về trung tâm thị xã, cung cấp toàn bộ nguồn nước sinh hoạt cho hàng vạn dân thị xã Cao Bằng, đang trở thành một dòng sông thủy ngân, nước đỏ ngàu, sôi sùng sục vì hàng trăm bãi đào đãi vàng trái phép nằm dọc thượng nguồn.
Đặc biệt, xã Quang Trọng nằm ở thượng nguồn, cả một vạt rừng bị san ủi, cưa chặt để lấy mặt bằng khai thác bãi vàng Nà Xéng. Từ các sườn núi, hàng trăm hầm lò được đào chạy sâu vào lòng núi như một mê cung, ma trận. Có hầm dài hơn 1km. Đất đá bên trên đỉnh núi đang có dấu hiệu… rơi tự do.
Một doanh nghiệp đã đầu tư vào đây hơn 20 tỷ đồng để chuẩn bị khai thác vàng, song không đảm bảo môi trường, nên chính quyền tỉnh Cao Bằng buộc phải đóng cửa bãi vàng Nà Xéng. Tuy nhiên, sau khi đóng cửa, hàng trăm người dân ở xã Quang Trọng lại tràn vào “hôi” vàng .
Một cán bộ công an huyện Thạch An kể: “Hiện tại, các miệng hầm đã được bít lại, nhưng anh em vẫn phải tăng cường ngăn không cho dân tràn vào khai thác. Thậm chí, trước khi đóng lại các cửa hầm, chúng tôi còn phải vào trong để lùa dân ra, chỉ sợ sót người trong đó”. Còn bên dưới sông Hiến, hàng ngày vẫn có những nhóm người cố tình lẻn vào đãi vàng sa khoáng. Thậm chí đưa cả máy xúc vào quyết chạy theo giấc mộng vàng.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Cao Bằng, hiện nay ở hầu hết các huyện nằm trên địa bàn như Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Bảo Lâm, Thạch An, Nguyên Bình… đều rộ lên nạn khai thác và buôn bán khoáng sản. Nhiều năm qua, các cơ quan chức năng của địa phương đã tổ chức nhiều lần ra quân ngăn chặn tình trạng khai thác, mua bán khoáng sản lậu nhưng vẫn không thể ngăn chặn được.
Phúc Hậu - Quốc Khánh